-->
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong phát triển sản xuất, kinh doanh, các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động ứng dụng, chuyển đổi dữ liệu và quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, tự động hóa. Các làng nghề cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ như sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. |
Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, được mệnh danh là “mảnh đất trăm nghề”, với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước), trong đó có tới gần 300 làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện, thị xã, trong đó có hơn 60% là làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời nhất nước ta. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng nghề đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội. Làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương mà còn là nơi bảo tồn, phát huy những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống từ đời này sang đời khác qua bàn tay tài hoa, tâm huyết và trí tuệ của các lớp nghệ nhân, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Ngày nay, để nghề truyền thống phát triển bền vững, các làng nghề đã từng bước thay đổi, thích nghi với thị trường hiện đại, thị hiếu của khách hàng, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô. Bằng tình yêu, sự sáng tạo, những người dân làng nghề đã và đang ngày ngày tạo ra những sản phẩm mang đầy tính nghệ thuật, giữ gìn tinh hoa của nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ. |
Bà Nguyễn Thị Huệ, người đã có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) chia sẻ: “Làng đã để lại cho chúng tôi nghề cao quý. Thương hiệu lụa của làng nổi tiếng bởi chất liệu từ 100% sợi tơ tự nhiên vừa óng ánh, vừa mềm mại, khác xa các sản phẩm khác trên thị trường. Trải qua bao thăng trầm đổi thay, ngày nay làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng tấm lụa. Lụa Vạn Phúc ngày nay được biến tấu trở nên đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã, cùng với những tên gọi khác nhau. Các hộ gia đình làm nghề trong làng luôn nhắc nhở nhau cần bảo tồn, lưu giữ phát triển nghề, phải tạo sự sáng tạo “khoác” cho sản phẩm làng nghề màu áo mới phù hợp với xu hướng hiện đại”. Cùng chung sự quyết tâm phát triển, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang (làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, đặc biệt là thay đổi cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng. Cách làm đổi mới đó đã và đang đưa sản phẩm của làng vươn xa hơn ở thị trường quốc tế. |
Trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, mỗi du khách đều dễ dàng nhận thấy sự thay đổi tích cực ở nơi đây. Tại làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh, trước đây sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đến nay, các nghệ nhân trong làng đã mang đến sức sống mới cho làng nghề bằng việc sáng tạo được hàng trăm mẫu sản phẩm mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây… cho đến đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh phong cảnh, chân dung, hoành phi, câu đối, bàn ghế, nội thất khách sạn, nhà hàng. Tất cả sản phẩm qua trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt. Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh có mẫu mã đẹp, tính ứng dụng cao và phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Các cơ sở sản xuất tại đây vẫn luôn trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân trong và ngoài nước qua các cuộc hội thảo về mây tre đan để sản phẩm ngày càng sáng tạo, hiện đại và hoàn thiện được những điểm yếu, từ đó đưa nghề truyền thống mây tre đan đến với các thị trường khó tính. Cùng với những sự khởi sắc mới đó, nghề mây tre đan đã tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động trong vùng. |
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường đặc biệt là nhu cầu của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề đã vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay. Để việc sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trong các làng nghề đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ vào thiết kế, sản xuất sản phẩm. Việc cải tiến kỹ thuật trong các làng nghề giúp các sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang đậm giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín của làng nghề. Đối với làng sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) hiện nay làng nghề đang chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng. Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng mà còn bởi dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái phục vụ nhiều thị trường như: Quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh; hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh như đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng... Nhiều sản phẩm là hàng mỹ nghệ cao cấp đã được xuất khẩu ra nước ngoài. |
Trước đây, chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, ngày nay có thêm các chất liệu mới như: Composite, gốm sứ… càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống cha ông để lại, quá trình làm nghề, những nghệ nhân trong làng phát hiện ra nhiều màu mới. Bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc vốn có, người dân Hạ Thái hiện nay đã mở rộng các mô hình kinh doanh, thúc đẩy kinh tế cho làng. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài. |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi - Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ: “Thôn Hạ Thái có khoảng hơn 70% số hộ chuyên làm nghề sơn mài. Trên địa bàn xã có 11 công ty và 69 cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sơn mài truyền thống, tập trung vào 2 nhóm sản phẩm chính là: Quà tặng, trang trí nội thất và đồ thờ tâm linh, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo dòng chảy của thời gian, làng nghề Hạ Thái cũng như các làng nghề truyền thống khác, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, luôn không ngừng đổi mới, chuyển mình để duy trì và phát triển”. Tương tự đối với làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết: Làng nghề dệt lụa hiện nay có gần 300 hộ sản xuất, kinh doanh lụa. Các hộ đã cải tiến, đưa công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, đã đem lại hiệu quả rất tốt, đặc biệt trong những năm chống dịch Covid-19, cách làm này giúp các hộ dân vượt qua khó khăn, tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng. “Các hộ làm nghề đã sáng tác mẫu mã sản phẩm áp dụng công nghệ số. Năm 2016, làng nghề kết hợp với Viện Dệt Việt Nam làm mẫu hoa văn bằng công nghệ số, máy tự động; đưa vào thiết kế mẫu hoa văn trên máy tính sau đó chuyển sang máy đục tự động mang lại hiệu quả, năng suất lao động cao. Trước đây mỗi bộ mẫu phải mất 7 - 8 tháng mới làm xong, nay áp dụng công nghệ số, chỉ trong một tuần đã ra được mẫu mới, vừa đáp ứng sản xuất, vừa giảm bớt sức lao động cho con người”, ông Hà cho biết. |
Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong các công đoạn sản xuất, trong kinh doanh nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã từng bước áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong bán hàng, kinh doanh… “Thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng, người nào biết tự tìm đến đặt hàng, tôi đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng bằng việc lập trang facebook và trang web để nhiều người có thể tìm đến dễ dàng hơn. Đặc biệt, tôi cũng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, lễ hội để người dân được tiếp cận gần với sản phẩm hơn”, nghệ nhân ưu tú làng mây tre đan Phú Vinh Nguyễn Phương Quang cho biết. Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống. Không đứng ngoài “cuộc chiến” cải tiến sản xuất, phát triển thị trường, làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) cũng đang tích cực đổi mới hình thức, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng. Đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất sản phẩm được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. “Chúng tôi đang hướng phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn. Các xưởng liên kết lại với nhau để đào tạo nghề cho thế hệ trẻ trong vùng, đồng thời trang bị kiến thức làm du lịch. Chúng tôi trang bị cơ sở vật chất tại xưởng sản xuất để làm nơi hướng dẫn khách du lịch được trải nghiệm làm một vài khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài, đưa làng nghề đến gần hơn với khách hàng. Để ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số, chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm hơn, có những lớp tập huấn chuyển đổi số ở các làng nghề, để các hộ sản xuất, kinh doanh hiểu được, áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số chủ động, bài bản hơn”, Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi - Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ. |
Tương tự đối với làng dệt lụa Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho biết: Thực hiện chuyển đổi số các hộ sản xuất, kinh doanh đã áp dụng từ khâu nghiên cứu sản phẩm, sản xuất, bán hàng ra thị trường, thay vì thụ động chờ khách hàng tìm đến mua như trước đây. Áp dụng chuyển đổi số các hộ kinh doanh học các lớp chụp ảnh, tìm hiểu các thông tin trên mạng, chủ động tìm kiếm khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của họ, sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách. Việc thay đổi phương thức kinh doanh từ giới thiệu sản phẩm qua không gian mạng, bán hàng trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng khách hàng, thị trường tiêu thụ, số lượng hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn. Còn với làng nghề “xứ mây”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Mặc dù sản phẩm của làng là mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng hiện nay, các nhà sản xuất mây tre nước này đã áp dụng công nghệ vào khá nhiều công đoạn, nhất là khâu pha chế, xử lý nguyên liệu, do đó tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Nhờ đó mà các sản phẩm của “xứ mây” Phú Vinh đã được thị trường quốc tế đón nhận. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) riêng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã chiếm đến 60% tổng sản phẩm của làng. Chúng tôi tích cực ứng dụng những đổi mới công nghệ vào sản xuất, tìm kiếm, kết nối, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng nhiều hơn để Phú Vinh sống mãi sức sống của làng nghề”. Có thể khẳng định chuyển đổi số đã và đang được nhiều làng nghề truyền thống triển khai hiệu quả, tuy nhiên việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề truyền thống còn khiêm tốn, hầu hết mới chỉ dừng lại ở giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội nên hiệu quả chưa cao. |
Để hỗ trợ các làng nghề thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, trong những năm vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện nhiều Đề án, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn như: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Cùng đó Thành phố triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ chữ ký số, hoá đơn điện tử cho các doanh nghiệp thành lập mới; tổ chức các khoá đào tạo… |
Nội dung: Nguyễn Hoa | Đồ họa: Đức Hà |