-->
Trong cuộc sống hối hả và tất bật hiện nay, nhiều người chọn cuộc sống an nhàn để hưởng thụ khi tuổi già, hay vui chơi trong những ngày nghỉ cuối tuần thì nhiều y, bác sĩ dành thời gian đi tư vấn, khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Không lương, không có chế độ đãi ngộ, thậm chí còn phải đóng góp thêm kinh phí để duy trì công việc thiện nguyện, nhưng với tình yêu thương con người, các y, bác sĩ đã sống và làm việc theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lương y như từ mẫu”. |
Đều đặn mỗi ngày 2 ca sáng và chiều, mỗi buổi 2 tiếng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại “Phòng khám chữa bệnh Đông Hồ” Hà Nội, chị Nguyễn Thị May (quê Nam Định) đang nỗ lực vượt lên bệnh tật để sớm được về quê sum vầy với con nhỏ và gia đình. 30 tuổi, sau sinh con đầu được 1 tháng, chị không may bị đột quỵ. Nhớ lại những ngày cận Tết Quý Mão 2023, khi phải nhập viện cấp cứu vì tai biến, chị May chưa khỏi thoảng thốt: Tôi vốn khỏe mạnh, không bệnh tật gì, khi kiểm tra thì thai kỳ cũng hoàn toàn bình thường… vậy mà sau sinh 1 tháng tôi bị đột quỵ, may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời. Chia sẻ câu chuyện với phóng viên về những ngày đầu bệnh đột quỵ ập tới, chị May bảo, thời gian đó, đã có lúc chị bi quan và nghĩ tới cái chết để giải thoát cuộc đời. “Những ngày cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai tôi cực kỳ sa sút tinh thần. Phần vì nhớ thương con nhỏ, phần vì nghĩ tới gánh nặng kinh tế gia đình khi mình gặp bạo bệnh... Rồi những ngày giáp Tết, những người bệnh nằm cùng phòng điều trị cứ lần lượt được ra viện mà nước mắt tôi cứ lăn dài vì tủi thân… Nhưng rồi nghĩ tới con, tôi lại gạt nước mắt cố gắng điều trị” - chị May chia sẻ. May mắn trời không phụ lòng người, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được hơn 2 tuần, tình hình bệnh của chị May ổn định nên các bác sĩ cho xuất viện để đi tập vật lý trị liệu. Và theo lời người quen trong gia đình giới thiệu, chị May đã tới “Phòng khám chữa bệnh Đông Hồ” để khám và điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng suốt từ sau Tết tới nay. Theo lời nữ bệnh nhân chia sẻ, thời điểm đến phòng khám cả chân và tay của chị đều rất yếu. Gần như chị chỉ xuất hiện được lực cơ tay, đến cầm bát ăn cơm không nổi. Vậy nhưng chỉ sau 3 tuần kiên trì tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại phòng khám sức khỏe chị May đã ổn định hơn, các chức năng tay và chân đã tiến triển từng ngày. “Hiện tôi đã tự cầm được bát cơm, gọt hoa quả, phơi quần áo thậm chí là tự gội đầu… Còn hai chân tôi cũng có nhiều tiến triển rõ rệt. Những ngày đầu với quãng đường từ bến xe buýt vào tới Phòng khám tôi phải đi mất 20 phút. Nhưng sau nhiều ngày điều trị thời gian di chuyển của tôi cũng rút ngắn lại còn 12 phút, có hôm sung sức chỉ đi mất khoảng 10 phút thôi” - chị May vui mừng kể. |
|
Không chỉ tìm gặp đúng thầy đúng thuốc, lại may mắn gặp được vị lương y có tâm thăm khám miễn phí là điều chị May chưa từng dám nghĩ tới. Xác định điều trị vật lý trị liệu sẽ phải “bền gan” và lâu dài, mà hoàn cảnh gia đình khó khăn là cả vấn đề với gia đình chị. Được biết, chồng chị May là lao động tự do, nên công việc không được ổn định. Còn chị làm thợ may, nên trước khi đổ bệnh gần như là lao động chính trong gia đình. Giờ sinh xong, bạo bệnh ập tới bất ngờ nên khó khăn càng thêm chất chồng… “Thương hoàn cảnh của tôi và gia đình, nên bác sĩ Chương không chỉ miễn phí thăm khám, mà tiền điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng từ những ngày đầu bác sĩ cũng lấy rất ít. Chứ với bệnh của tôi mà phải điều trị lâu dài trong các bệnh viện với kinh phí đắt đỏ và tốn kém thì gia đình tôi cũng khó kham nổi” - chị May cho biết. Phòng khám đặc biệt nơi chị May đều đặn tới điều trị do Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chương mở khám chữa bệnh cho người dân sau khi nghỉ hưu. Hơn 30 năm qua, dù nằm khuất trong con ngõ nhỏ phố Thụy Khuê nhưng “Phòng khám chữa bệnh Đông Hồ” bình dị này đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của rất nhiều bệnh nhân nhân nghèo. Nhờ tấm lòng y đức của vị bác sĩ già, giúp cho các bệnh nhân bị bệnh về cơ xương khớp, tai biến… hồi phục để trở về với cuộc sống đời thường. |
Khi bệnh nhân đến khám bệnh ở Phòng khám, bác sĩ Chương không lấy bất kỳ khoản phí nào. Những người điều trị phục hồi chức năng sẽ đóng một khoản phí nhỏ. Số tiền đó ông dùng để duy trì phòng khám, trang trải mua trang thiết bị và thuốc thang cho mọi người. Mọi máy móc trong phòng khám đều do bác sĩ tự trang bị. Bởi vậy, nhiều người đã gọi ông với cái tên thân mật là bác sĩ của người nghèo. Dù đã ở tuổi 89, nhưng bác sĩ Chương vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, thoăn thoắt phân loại thuốc, điều trị xoa bóp bấm huyệt, khám bệnh miễn phí cho không biết bao nhiêu bệnh nhân. Hơn 60 năm tâm huyết với nghề, ông đã giành lại sự sống, đưa biết bao người trở về từ “cửa tử”. “Với nhiều người, sau hơn 30 năm cống hiến với nghề trong các đơn vị, khi nghỉ hưu họ chọn cuộc sống an nhàn để hưởng thụ tuổi già. Riêng tôi, sau nghỉ hưu lại tiếp tục cống hiến thêm hơn 30 năm nữa vì bệnh nhân. Vậy là tôi đã đã sống và cống hiến 2 cuộc đời vì sức khỏe người bệnh” - vị lương y già bộc bạch. Được biết, bác sĩ Chương tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1959 và từng công tác tại nhiều cơ quan trong lĩnh vực y tế. Bác sĩ Chương kể, trước đây, trong thời gian làm việc tại Ban Y tế của Bộ Năng lượng ông đã thực hiện nghiên cứu về khả năng và điều kiện lao động của công nhân ngành Than và ngành Điện. Những ngày tháng cùng làm việc với công nhân khiến ông thấm thía cuộc sống đầy khó khăn của công nhân lao động. |
Vì vậy, năm 1992, ông Chương đã từ chối lời mời ở lại làm việc của một số bệnh viện lớn, trở về nhà và tự mở một phòng khám nhỏ trong chính tầng 1 ngôi nhà của mình. Ông mong muốn giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể. Ông tâm niệm, nếu khám ở bệnh viện, những người không có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn sẽ phải trả một khoản phí đắt đỏ. Vì vậy, khi mở phòng khám này ông mong muốn có thể giúp người nghèo bớt đi khó khăn trong cảnh bệnh tật. Thông thường, phòng khám của bác sĩ Chương mở cửa đón bệnh nhân từ 7h sáng tới 20h. Vị lương y già chia sẻ, nhiều công nhân họ đi làm đến tối muộn mới có thời gian đi khám, vì vậy ông luôn mở cửa đến tối để mọi người tranh thủ thời gian đến khám bệnh. Gần 30 năm khám bệnh đến nay, không biết đã có biết bao nhiêu lượt bệnh nhân đến với phòng khám của ông, không biết có bao nhiêu người coi ông là ân nhân cứu mạng khi những căn bệnh mãn tính được cứu chữa. Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt của bệnh nhân May, bác sĩ Chương cho biết: Đây là một trường hợp đặc biệt, bị đột quỵ sau sinh. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu sau sinh gây tắc nghẽn từ nửa người và lưng, lên cả tới màng não, nên gây ra đông máu rải rác các mạch. May mắn bệnh nhân được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó lại tiếp tục được điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng kịp thời nên tiến triển bệnh tốt. “Với bệnh nhân May, việc điều trị bằng vật lý trị liệu giúp giải tỏa hết tất cả máu tắc nghẽn từ dưới lên trên. Hiện máu tắc nghẽn cả nửa người của bệnh nhân đã tan, còn cục máu trên não đang tan dần…” - ông Chương cho biết. |
|
Nhiều năm qua, Phòng khám còn có nhiều bệnh nhân “ruột” đều đặn mỗi năm tới khám một vài lần. Trong đó, có trường hợp bà Như (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) mỗi năm tới phòng khám của ông Chương điều trị bệnh xương khớp 1 tháng liên tục. “Tính đến nay tôi đã thăm khám tại Phòng khám này được 5 năm. Bác sĩ Chương rất chu đáo và hết mình với bệnh nhân. Tôi vốn bị xương khớp, thần kinh tọa… Mấy bữa trước tôi còn bị phù hết chân, đi lại khó khăn, nhưng chỉ sau 5 ngày điều trị tại đây mà bệnh tình tôi thuyên giảm rõ rệt, từ chỗ rất khó đi lại mà tôi đã bước những bước vững chãi hơn rất nhiều” - bà Như chia sẻ. Với bác sĩ Chương, điều trị vật lý trị liệu không phải ngày một, ngày hai là có thể chữa khỏi bệnh, mà có khi phải kiên trì cả tháng, cả năm. Thế nhưng, sau mỗi chặng đường ấy là niềm vui khi nhiều người bệnh đang từ tàn tật, đi lại khó khăn nay có thể đi làm, dùng sức lao động của mình để kiếm ra tiền, nuôi bản thân và gia đình. Vị lương y già cũng luôn tâm niệm rằng, ngoài kia còn có rất nhiều người lao động nghèo cần được giúp đỡ, bởi vậy phòng khám của ông sẽ không bao giờ đóng cửa. Nếu sau này già yếu, không thể tiếp tục được công việc thì các con, các cháu của ông đang theo ngành y và sẽ nối tiếp hoạt động mà ông đang làm. Không chỉ tại “Phòng khám chữa bệnh Đông Hồ” mà hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có thêm nhiều địa chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Trong đó, không thể không kể đến “Phòng khám 0 đồng” tại trụ sở Hội chữ thập đỏ phường giáp Bát, quận Hoàng Mai. Đây cũng là một trong những phòng khám được thành lập bởi các bác sĩ, y tá đã về hưu từ nhiều năm nay. Phòng khám này đã mang cơ hội khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân, đặc biệt là những người cao tuổi… |
Trong dòng chảy của thời gian, nối dài hành trình lan tỏa lời dạy của Bác “lương y như từ mẫu”, không chỉ các bác sĩ nghỉ hưu mà nhiều bác sĩ trẻ cũng chọn cho mình công việc tư vấn, khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Điển hình như Phòng khám Mơ Phố - nơi tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí giữa Thủ đô, được coi là nơi gặp gỡ của những tấm lòng đẹp. Dù nằm trong một con ngõ nhỏ của phố Yên Lãng (quận Đống Đa, Hà Nội), quán cà phê Mơ Phố là địa điểm phục vụ, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân, người có hoàn cảnh khó khăn suốt nhiều năm qua. Được biết, nằm trong số các dự án của “Hội Bác sỹ Tình nguyện” do bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm hội trưởng, Mơ Phố được khai sinh với mong muốn gây quỹ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe. Với hành trình ấy, Mơ Phố không chỉ đóng góp cho một cộng đồng mạnh khoẻ hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái cho xã hội. |
Tại quán cà phê Mơ Phố vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, trong không gian rộng chừng 40m2 lại tấp nập người dân lui tới. Từ lâu, địa điểm này đã trở thành điểm đến quen thuộc và chất chứa tình cảm của "Hội Bác sỹ Tình nguyện". Từ khi thành lập đến nay, Mơ Phố hiện có hàng trăm bác sĩ và tình nguyện viên cùng tham gia. Lực lượng bác sĩ tại đây được kết nối từ nhiều bệnh viện lớn tại thành phố Hà Nội, như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và đông đảo lực lượng tình nguyện viên là các y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, sinh viên các trường đại học y, dược Hà Nội và có cả những bác sĩ đã về hưu cũng góp sức. |
Suốt 8 năm qua, để phòng khám hoạt động thường xuyên, các bác sĩ trong hội đã dành nửa ngày nghỉ cuối tuần đến Mơ Phố khám miễn phí cho người dân. Mỗi bệnh nhân đến khám đều được các bác sĩ tư vấn sức khỏe với đầy đủ các chuyên khoa như khám tổng quát, siêu âm, xét nghiệm máu, răng hàm mặt, mắt, nội soi tai, mũi, họng và cấp thuốc không phí. Có mặt tại Mơ Phố vào sáng thứ bảy, bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (65 tuổi, phường Yên Lãng, Đống Đa) tới đây với mong muốn được thăm khám sức khỏe. Bà Cúc cho biết, đây là lần đầu đến phòng khám nhưng các bác sĩ và tình nguyện viên tại đây đón tiếp rất chu đáo, tình cảm và điều quan trọng là việc thăm khám rất cẩn thận. Cũng theo lời bà Cúc, nhà gần phòng khám, nên bà đã biết tới phòng khám từ nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên bà tới khám. “Vì là dòng khám miễn phí, nên tôi cũng ngại tới, vì mình chưa phải khó khăn, nên dành phần cho những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tuy nhiên, sau nhiều lần suy nghĩ, nên tôi quyết định tới khám sức khỏe, và sẽ để lại tiền ủng hộ coi như là tiền khám cho các bác sĩ để tiếp tục dự án vì cộng đồng. Như vậy, tôi cũng đỡ áy náy”. |
Xúc động vì được thăm khám sức khỏe định kỳ, một người dân chuyên buôn bán hoa quả cạnh Mơ Phố chia sẻ, từ khi biết đến quán cà phê đặc biệt này, đây là lần thứ 4 chị đến khám và nhận thuốc. “Do điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nên tôi ít có điều kiện được khám sức khỏe định kỳ. Bởi vậy, cứ lâu lâu sau những giờ bán hàng tất bật tôi lại tranh thủ vào kiểm tra sức khỏe. Thật ấm lòng khi giữa Thủ đô có một phòng khám mà tất cả đều miễn phí, với những người lao động nghèo như chúng tôi đây là những điều thực sự đáng quý”, nữ bệnh nhân chia sẻ… Là một trong những thành viên “Hội Bác sỹ Tình nguyện”, chị Nguyễn Thu Trang - hiện đang làm việc tại cơ sở kinh doanh Kính mắt Thọ Kim (Hà Nội) cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã tham gia hội được hơn 4 năm. “Khi tham gia buổi đầu tiên, tôi thấy đây là một hoạt động hữu ích cho cộng đồng và mọi người làm việc rất nghiêm túc. Bệnh nhân đến với phòng khám thường là người lao động xa quê không có điều kiện khám chữa bệnh, những thương binh, bệnh binh. Bố tôi cũng là thương binh, bởi vậy tôi mong muốn góp chút sức mình để những người yếu thế, đồng đội của bố được khám chữa bệnh và điều trị nâng cao sức khỏe” - chị Trang cho hay. Ngoài những buổi khám tình nguyện tại Mơ Phố, chị Trang cũng chăm chỉ tham gia các chuyến tình nguyện từ thiện, khám bệnh cho người dân ở vùng sâu vùng xa do Hội tổ chức. Theo lời chị Trang một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, sẽ được hỗ trợ đưa xuống các bệnh viện chuyên khoa để điều trị hiệu quả nhất. Và điều mong muốn nhất của chị là có đủ sức khỏe để có thể tiếp tục đồng hành cùng “Hội Bác sỹ Tình nguyện” trong thời gian tới. Chung quan điểm giúp đời, giúp người bất cứ khi nào có thể, bác sĩ Trương Thị Hoàn, hiện tại đang công tác tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt- Bỉ bộc bạch, với chị, ngay từ khi còn là sinh viên chị đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Nên từ khi tham gia “Hội Bác sỹ Tình nguyện” dù vất vả, khó khăn nhưng được chung tay cùng mọi người tôi đều sẵn sàng cống hiến. Được biết, ngoài hoạt động vào mỗi sáng thứ bảy tại Mơ Phố, thì hoạt động chính của Hội là tổ chức các chương trình khám chữa bệnh tại các vùng khó khăn. Thường định kỳ hơn 1 tháng 1 lần. Đó cũng là chương trình cần nhiều kinh phí nhất của Hội. |
Cũng theo bác sĩ Hoàn, để vận hành hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người dân, tại quán cà phê Mơ Phố, tối cuối mỗi tuần sẽ có chương trình ca nhạc miễn phí do các nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn. Đây là một đêm nhạc rất đặc biệt khi tất cả các vị khách tới sẽ được miễn phí đồ uống, mỗi người tới uống cà phê, nghe nhạc sẽ tự đóng góp kinh phí tuỳ tâm vào hòm từ thiện ngay tại quán. Và tất cả lợi nhuận từ Mơ Phố sẽ được dùng cho hoạt động thiện nguyện của “Hội Bác sỹ Tình nguyện”, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Chia sẻ về những định hướng của Hội trong tương lai, bác sĩ Hoàn cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình khám chữa bệnh nhiều hơn. Và cố gắng bổ sung thêm các trang thiết bị vật tư y tế để phục vụ và khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân...”. Gác lại những vất vả của bản thân, bác sĩ Tuấn Anh cùng các thành viên của “Hội Bác sỹ Tình nguyện” đều cảm thấy mọi khó khăn, hi sinh của mình như được bù đắp vì đã hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô, cũng như người dân ở vùng sâu, vùng xa… Mặc dù vất vả, áp lực nhưng những lúc trong guồng công việc như vậy bác sĩ Chương, bác sĩ Tuấn Anh cùng nhiều y, bác sĩ khác lại cảm thấy bản thân sống có ích hơn cho người bệnh, cho cộng đồng. Và chính suy nghĩ tích cực đó đã trở thành động lực giúp vị lương y già, cũng như các bác sĩ trẻ phấn đấu và cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc... Dù là mô hình các phòng khám từ thiện, hay quán cà phê Mơ phố, dù phương thức hoạt động khác nhau, nhưng điểm chung của tất thảy những địa chỉ trên đều là sự hy sinh và cống hiến hết mình vì người bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trước thềm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin dành lời chúc tốt đẹp nhất đến các y, bác sĩ, chúc các lương y thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc người bệnh, tiếp tục góp những viên gạch hồng, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Hi vọng rằng, những tấm lòng thơm thảo của các bác sĩ sẽ lan tỏa, để cuộc sống ngày càng đẹp đẽ, đong đầy tình yêu thương. |
Nội dung: Minh Khuê Đồ họa: Đức Hà |
|