-->
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; coi đây là nhân tố quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc. Vấn đề hết sức quan trọng, mang tính quyết định, đó là cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo động lực cho giai cấp công nhân phát triển và phát huy vai trò lịch sử trong giai đoạn mới. |
Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của đất nước, nơi ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam - tổ chức của giai cấp công nhân - đội tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế, Hà Nội hiện có nhiều khu công nghiệp, có nhiều cơ quan, đơn vị với số lượng lên đến hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là công nhân lao động, nên việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến giai cấp công nhân, đoàn viên công đoàn trong bối cảnh sự lên ngôi của mạng xã hội và Bộ luật Lao động cho phép người lao động chọn tổ chức đại diện cho mình trong doanh nghiệp thì cách truyền thông theo phương thức nào để đạt hiệu quả cao nhất là điều rất quan trọng. Nhìn lại 10 năm tiên phong, mở lối truyền thông trên nền tảng số thông qua các buổi Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến của báo Lao động Thủ đô đến với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có thể nói phương thức này đã, đang và sẽ thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới cần có sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị; đặc biệt cần sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền, tiếp cận người lao động. Để tiếp tục thực hiện “sứ mệnh” truyền thông chính sách hiệu quả, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với cán bộ Công đoàn làm công tác chính sách, cán bộ Tuyên giáo… để hiểu rõ thêm về những định hướng trong thời gian tới. |
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: LỰA CHỌN NỘI DUNG CỤ THỂ |
Trên góc độ truyền thông chính sách để góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh, trao đổi với phóng viên, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đánh giá, sau hơn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo; tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển với tốc độ ngày càng nhanh và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, giai cấp công nhân Việt Nam phát triển mạnh về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đa dạng về cơ cấu và ngày càng có vai trò to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. |
Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, hầu hết công nhân, người lao động nước ta nói chung, Thủ đô nói riêng có phẩm chất chính trị và bản lĩnh vững vàng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Công nhân, người lao động luôn là lực lượng kiên quyết ủng hộ và đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân - nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trước sự phát triển với tốc độ ngày càng nhanh của khoa học, công nghệ và yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lực lượng công nhân, người lao động nước ta còn bộc lộ một số hạn chế, như: Trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp so với yêu cầu; một bộ phận công nhân chưa ý thức được đầy đủ yêu cầu của cạnh tranh quốc tế, chưa thường xuyên rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế, việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm… Một bộ phận công nhân, người lao động, nhất là ngoài khu vực Nhà nước, do điều kiện cuộc sống còn khó khăn, thời gian làm việc căng thẳng, ít có điều kiện tham gia sinh hoạt chính trị, xã hội, ít được thông tin, tuyên truyền, nên ý thức giác ngộ giai cấp, nhận thức chính trị, nhận thức về Đảng, về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, hiểu biết về pháp luật, chính sách còn hạn chế. |
Không những thế, tình trạng vi phạm các quy định về tiền lương, phụ cấp, tiền làm thêm giờ, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... còn diễn ra khá nghiêm trọng, dẫn đến quan hệ lao động có diễn biến phức tạp, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh đó, đồng hành với tổ chức Công đoàn, báo Lao động Thủ đô đã đa dạng hóa nội dung, phương thức tuyên truyền để tiếp cận với đoàn viên, người lao động. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, thời gian tới, cùng với tổ chức Công đoàn, các cơ quan báo chí, trong đó có báo Lao động Thủ đô phải đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp quần chúng, để ngày càng động viên, thu hút được đông đảo công nhân, người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập Công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn... Hoạt động truyền thông chính sách theo đó cần hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân, viên chức, người lao động làm đối tượng chính; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động. Với góc nhìn toàn cảnh đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cách thức truyền thông mới bằng hình thức đối thoại - giao lưu trực tuyến đã phát huy tác dụng, mong rằng tới đây, báo Lao động Thủ đô cần tiếp tục ứng dụng công nghệ, xác định nội dung, hình thành đội ngũ chuyên gia cũng như lựa chọn các nhân vật công chúng để thông qua các tiểu phẩm, câu chuyện gửi các thông điệp đến đoàn viên, người lao động theo hướng “dễ nghe - dễ hiểu - dễ dung nạp và dễ làm theo”. Đồng thời, cần phối hợp với các chuyên gia, cán bộ Công đoàn tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhỏ để bàn về từng vấn đề. |
“Trong bối cảnh mới, tôi mong báo Lao động Thủ đô tăng cường lựa chọn chuyên đề, nội dung cụ thể để tổ chức đối thoại ngay tại doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, có đông công nhân lao động. Khi công nhân được “đối thoại”, họ sẽ có cảm giác thú vị hơn vì mình được nói, được trở thành nhân vật của sự kiện. Thông qua đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn mới”, ông Ngọ Duy Hiểu gợi mở. |
Ông Phạm Thanh Học TRUYỀN THÔNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG HỆ THỐNG |
Từ góc nhìn trong công tác Tuyên giáo và xây dựng Đảng, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ: Qua theo dõi, tôi thấy 10 năm qua, báo Lao động Thủ đô đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tọa đàm, giao lưu, trực tiếp, trực tuyến với cán bộ, viên chức, công nhân lao động. Hoạt động này đã trở thành thường xuyên, thế mạnh của Báo, và trong khối báo chí Thủ đô hiện nay, duy nhất có báo Lao động Thủ đô tổ chức được hoạt động đặc thù này. Từng tham dự trực tiếp cuộc đối thoại do Báo tổ chức, tôi thấy công nhân, viên chức, lao động rất hứng khởi, tích cực, chủ động đặt câu hỏi với các chuyên gia - điều đó cho thấy sức hấp dẫn, thiết thực của chương trình với đoàn viên, người lao động. |
Chủ đề của các cuộc giao lưu được báo xây dựng bám sát với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, như: Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế…; đặc biệt là những chủ trương, hoạt động cao điểm của Thành phố, như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; phòng, chống dịch Covid-19… “Tôi cho rằng cách làm này là phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tiếp cận trực tiếp với người lao động, sát thực tế, hữu ích, phong phú và hiệu quả. Thông qua các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến giúp công nhân, viên chức, lao động nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh, an toàn trật tự trên địa bàn Thủ đô”, đồng chí Phạm Thanh Học nhấn mạnh. Để ý Đảng hợp lòng dân, để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của thành phố Hà Nội đến được với đông đảo người lao động, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho rằng: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Nay chúng ta thêm cụm từ “truyền thông chính sách” cũng là cụ thể hóa quan điểm đó. |
Qua theo dõi các cuộc Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến của báo, một lần nữa tôi đánh giá cao cách thức truyền thông trên nền tảng số. Đa số báo truyền thông về vấn đề liên quan đến lao động, tiền lương, bảo hiểm - đây là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, xây dựng giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong lao động, sản xuất… Công đoàn là tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân, do đó khi công nhân được phổ biến, cập nhật các kiến thức về cơ chế, chính sách liên quan đến lao động, việc làm - trước tiên bảo vệ được quyền lợi của mình, sau đó tạo sự đồng thuận để tạo mối quan hệ hài hòa trong cơ quan, doanh nghiệp, có tư tưởng ổn định để nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc - qua đó góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị phát triển; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025” một cách hiệu quả; cũng như truyền đạt các kiến thức chính trị để nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức, ý thức vai trò của giai cấp công nhân, người lao động, tôi cho rằng thời gian tới, báo Lao động Thủ đô nên dành tối thiểu 1/3 tổng các cuộc đối thoại, giao lưu để mời các chuyên gia đến nói chuyện, phổ biến các kiến thức, các nghị quyết, chuyên đề của Đảng, giống như các cấp học chuyên đề sau mỗi Hội nghị Trung ương. Đồng thời, khi có những vấn đề lớn của quốc gia, Thành phố, cần tổ chức dưới hình thức tọa đàm phát trực tiếp trên nền tảng số, về các chủ đề phát triển Đảng trong công nhân; Luật Thủ đô, vấn đề nhà ở... Đây cũng là hình thức để truyền thông góp phần xây dựng hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng vững mạnh. |
Ông Lê Đình Hùng TUYÊN TRUYỀN ĐỂ MỌI NGƯỜI HIỂU VỀ QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM, |
Trên cương vị cơ quan chủ quản và cũng nhiều lần tham dự, phát biểu chỉ đạo nhiều chương trình “Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến” của Báo, ông Lê Đình Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá, thời gian qua, song song với việc triển khai hiệu quả công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua đó, đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. |
Đặc biệt, với lợi thế là tổ chức có cơ quan ngôn luận riêng, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo báo Lao động Thủ đô tiên phong trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động. Bám sát sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, bên cạnh việc tuyên truyền qua báo giấy, báo Lao động Thủ đô đã phát huy thế mạnh của báo điện tử để tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về các vấn đề mà bạn đọc và công nhân lao động quan tâm, nhất là về chế độ chính sách pháp luật liên quan đến người lao động. Có thể khẳng định chương trình đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành tổ chức là chương trình thực sự có ý nghĩa và hiệu quả. Vì thông qua chương trình này, giúp cán bộ, đoàn viên, người lao động hiểu đầy đủ, cặn kẽ, toàn diện về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình. Từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, báo Lao động Thủ đô cần tiếp tục chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến và đưa ra được các giải pháp sát thực hơn cho công nhân lao động. Cụ thể, nội dung đối thoại phải sát với nhu cầu của đoàn viên, người lao động, có tính thời sự; chất lượng đội ngũ chuyên gia phải được nâng cao, cần đặt hàng những chuyên gia có thực tiễn, có kinh nghiệm; đối tượng tham gia các cuộc giao lưu trực tuyến cần được mở rộng, nên mời các cán bộ chính sách tại các công ty tham dự, để họ có thể đưa ra các thắc mắc của mình và tham mưu, tư vấn cho chủ doanh nghiệp, từ đó, quyền lợi, người lao động sẽ được đảm bảo hơn, thực thi pháp luật tốt hơn… |
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa diễn ra (1 - 3/12/2023), tiếp thu ý kiến của đoàn viên, người lao động, Đại hội đã kiến nghị nên dành ít nhất 1 ngày để tổ chức Công đoàn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đoàn viên, người lao động. Tôi cho rằng việc này rất cần thiết, bởi rất nhiều chủ trương của Đảng liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, chính sách pháp luật của Nhà nước cần phải truyền thông kịp thời tới đoàn viên, người lao động để mọi người hiểu về quyền lợi, đi đôi với trách nhiệm của mình trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm của một công dân. Về cách thức truyền tải, thời gian tới, báo Lao động Thủ đô cần mở rộng hình thức tuyên truyền bên cạnh các hình thức truyền thống, tích cực ứng dụng thông tin; nghiên cứu, đầu tư xây dựng, đa dạng hoá các sản phẩm tuyên truyền, chủ động định hướng, lan tỏa trong đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực, dễ tiếp cận, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thông qua đó, góp phần củng cố và nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân, về Đảng, về Công đoàn, năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. |
Cách mạng công nghiệp vẫn còn tiến rất xa, bên cạnh truyền thông chính sách trên các hệ thống: Báo giấy, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội, thì cách thức truyền thông trên nền tảng số thông qua các buổi tổ chức “Đối thoại - Giao lưu trực tuyến” đưa kiến thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, pháp luật đến “tận chân công trình” với sự truyền đạt, tương tác trực tiếp của các các chuyên gia và truyền trực tuyến trên các ấn phẩm điện tử, đang và sẽ chứng minh là cách truyền thông chính sách hiệu quả. Là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ Thành phố, diễn đàn của công nhân, viên chức, lao động, báo Lao động Thủ đô sẽ tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ, nền tảng số để truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô hiện đại, lớn mạnh vì mục tiêu xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; đất nước hùng cường như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./. |
Nội dung: Lan Ngọc - Phạm Diệp - Mai Quý |
|