--> -->
![]() |
Giữa nhịp sống hiện đại, giữa phố phường tấp nập, vẫn có biết bao con người Hà Nội lặng lẽ gieo những hạt giống thiện lành bằng những hành động tử tế mỗi ngày: Người hiến máu cứu người không cần biết người nhận là ai; người nhặt được của rơi, âm thầm tìm trả lại người mất; người phụ nữ cặm cụi gom rác ở bờ sông, người cựu chiến binh miệt mài quét rác đầu ngõ mỗi sáng sớm… Tất cả những hành động nhỏ nhưng nghĩa tình ấy chính là minh chứng sinh động cho việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự đi vào chiều sâu, thành nếp sống, thành lẽ ứng xử tự nhiên của người Hà Nội.
![]() |
Giữa nhịp sống hối hả của một đô thị ngàn năm văn hiến, vẫn có những con người âm thầm vun đắp cho đời bằng những việc làm nhỏ bé nhưng đầy nhân văn. Không cần những khẩu hiệu lớn lao, họ chọn cách học Bác từ những điều giản dị nhất, sống chân thành, hành động có trách nhiệm, và luôn nghĩ cho người khác. Đó là ánh mắt đầy trìu mến của người tài xế xe buýt khi dừng xe lâu hơn một nhịp đèn đỏ để chờ cụ già bước xuống. Là bàn tay khẽ khàng của người đi đường lặng lẽ nhặt lại túi đồ rơi giữa dòng người hối hả, rồi trao trả không một chút đắn đo. Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy, hóa ra lại là biểu hiện sinh động nhất cho tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một tinh thần thấm vào đời sống người Hà Nội bằng sự tử tế âm thầm, bằng cách sống lặng lẽ mà nghĩa tình.
Tôi gặp anh Mai Quang Mậu vào một buổi chiều muộn, khi chuyến xe cuối trong ngày vừa khép lại. Bộ đồng phục đã phai màu nắng gió, nhưng ánh mắt anh thì vẫn trong vắt như những cung đường đã đi qua. Là công nhân lái xe tuyến 114 của Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội, anh Mậu đã quen với những vòng quay lặng lẽ, bền bỉ nối liền từng nhịp sống của Thủ đô. Thế nhưng, trong câu chuyện đời thường ấy, có những phút giây khiến anh bồi hồi mãi không quên.
![]() |
Ngày 28/3, trên chuyến xe từ Bến xe Yên Nghĩa về Miếu Môn, anh Mậu và anh Lê Đắc Tuấn - nhân viên phục vụ trên xe bất ngờ phát hiện một chiếc túi màu xanh bị bỏ quên. “Lúc ấy, tôi và anh Tuấn nhìn nhau, không ai nói gì, nhưng đều hiểu rằng trong chiếc túi kia có thể là cả một phần cuộc sống của ai đó,” anh Mậu kể, giọng nghèn nghẹn.
Dưới sự chứng kiến của hành khách, họ mở túi ra và thấy bên trong có 100 triệu đồng tiền mặt, một chiếc điện thoại, thẻ ngân hàng mang tên anh Đinh Văn Lai cùng nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng. Ngay lập tức, chiếc túi được niêm phong, báo cáo gửi về phòng Kế hoạch Điều độ và hành trình tìm lại người đánh rơi được bắt đầu. Với sự hỗ trợ từ nhóm liên lạc tuyến, họ nhanh chóng kết nối được với anh Lai - người chủ của chiếc túi. “Khi tận tay trao lại tài sản, nhìn thấy giọt nước mắt lặng lẽ của người khách cùng lời cảm ơn run run, tôi thấy trái tim mình ấm lên. Trong giây phút ấy, mọi nhọc nhằn, bụi đường dường như tan biến. Chúng tôi không chỉ trả lại túi đồ, mà còn trả lại niềm tin giữa con người với con người” - anh Tuấn chia sẻ, nụ cười hiền hậu như nở ra từ trái tim biết ơn cuộc sống.
Cả anh Mậu và anh Tuấn đều là những người đã gắn bó nhiều năm với nghề. Trên mỗi chuyến xe, họ không chỉ điều khiển vô lăng hay kiểm soát hành khách lên xuống, mà còn mang theo niềm tin, mang theo trách nhiệm, và cả một trái tim biết lắng nghe, biết sẻ chia. Chính bởi thế, họ nhiều năm liền được công nhận là lao động tiên tiến và vinh dự nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, những phần thưởng lặng lẽ nhưng quý giá hơn mọi huân chương hào nhoáng.
![]() |
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký Quyết định tôn vinh 7 cá nhân tiêu biểu đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Trong danh sách ấy, Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội tự hào có hai cái tên thân thuộc: anh Mai Quang Mậu - người công nhân tận tụy sau tay lái, và anh Lê Đắc Tuấn - người đồng hành lặng lẽ, mang trái tim đầy nghĩa tình. Họ là những người hằng ngày vẫn băng qua phố xá trong những khung xe sơn màu xanh dương đã góp phần tô thêm sắc ấm cho Hà Nội. Họ là minh chứng rằng, học và làm theo gương Bác, đôi khi chỉ đơn giản là giữ gìn sự tử tế, sống có trách nhiệm và lan tỏa yêu thương, bằng cả trái tim.
![]() |
Học Bác đâu chỉ là những điều lớn lao, mà còn nằm ở cách mỗi người biết sống vì người khác, biết sẻ chia dù chỉ là một phần nhỏ bé của bản thân. Như những giọt máu hiến tặng tưởng chỉ là dòng chảy lặng thầm trong cơ thể, nhưng khi trao đi, lại có thể níu giữ sự sống cho một con người. Ở Hà Nội, ngày càng có nhiều người dân, cán bộ, đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia hiến máu cứu người như một hành động bình dị mà cao đẹp, mang tinh thần "mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại".
Không ít người trong số họ đã tham gia hiến máu hàng chục lần, lặng lẽ mà kiên trì, bởi họ tâm niệm rằng học theo gương Bác không chỉ ở lời nói, mà phải thể hiện trong hành động cụ thể, thiết thực nhất. Trong lời dạy của Người về tinh thần tương thân tương ái, về nghĩa đồng bào, những nghĩa cử như thế chính là ánh sáng lan tỏa lòng nhân ái, là biểu hiện sâu sắc của một lối sống đẹp, sống vì cộng đồng, vì sự sống của người khác. Và trong từng giọt máu ấy, cũng lấp lánh một phần trái tim Hà Nội - nơi những giá trị nhân văn luôn được gìn giữ và tiếp nối qua từng thế hệ. Hơn 25 năm qua, cựu chiến binh Lê Đình Duật (trú tại phường Thanh Xuân) được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “sứ giả đỏ”, một biểu tượng sống động của phong trào hiến máu nhân đạo. Cho đến nay, dù không thể trực tiếp hiến máu do vấn đề sức khỏe, ông đã kiên trì vận động, thuyết phục hơn 1.450 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đóng góp hơn 1.340 đơn vị máu, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân.
|
Bà Lê Thị Kim Dinh, vợ ông Lê Đình Duật cho biết, ông Duật vốn là sĩ quan chỉ huy của Bộ đội Tên lửa phòng không. Trong thời chiến, ông đã từng cùng đồng đội cho máu các chiến sĩ bị thương, song vì số người bị thương nhiều hơn số người có thể cho máu nên ông cứ day dứt và tự thấy như có một “món nợ” với đồng đội. Đầu năm 1991, ông Lê Đình Duật được nghỉ chế độ và bắt đầu tham gia các công tác đoàn thể ở địa phương nơi sinh sống. Năm 1999, địa phương bắt đầu có phong trào hiến máu nhân đạo, ông đã tình nguyện đăng ký tham gia, nhưng bác sĩ từ chối vì bị bệnh huyết áp. Ông buồn nhưng không nản, với vai trò là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành của Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thanh Xuân Trung (cũ), ông xác định sẽ cố gắng vận động mọi người tham gia hiến máu.
Bà Lê Thị Kim Dinh tâm sự, thời gian đầu, bà và ông đã chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân trong viện. Họ rất khổ mà bản thân bà cùng gia đình không có tiền để giúp cho họ nên ông bà đã vận động con cháu cùng nhau đi hiến máu để giúp cho người bệnh. Cứ theo lẽ tự nhiên như thế, cả gia đình ông bà cùng tích cực tham gia, cho đến nay đã hiến được trên 273 đơn vị máu an toàn.
![]() |
Gia đình ông Lê Đình Duật đã trở thành “gia đình hiến máu tiêu biểu” của Hà Nội. Đến nay, trong gia tài hiến máu đồ sộ của gia đình ông có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho những nỗ lực của hai ông bà. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, 3 người trong gia đình gồm: ông, bà và cô con gái thứ 2 được vinh danh “Người tốt, việc tốt Thủ đô”. Sự tham gia hiến máu tích cực của gia đình ông cùng với việc nhìn thấy nhiều bạn trẻ cùng hiến máu đã lan tỏa, thúc đẩy nhiều người dân địa phương tham gia phong trào.
![]() |
Có những người học Bác từ trang sách. Có người học Bác qua lời kể của thầy cô, cha mẹ. Nhưng cũng có những người học Bác bằng chính đôi tay, bằng mồ hôi, và cả những vết xước nhỏ nhoi sau mỗi lần dấn thân vì cộng đồng. Nguyễn Tiến Huy là một người như thế.
Tôi biết đến Huy vào một ngày giữa tháng 2, khi ấy giữa dòng nước đen đặc dưới chân Cầu Am, khi phần lớn mọi người đều bước vội qua để tránh xa mùi hôi bốc lên nồng nặc, thì Huy và nhóm bạn trẻ lại lặng lẽ lội xuống, nhặt lên từng túi rác, từng mảnh nhựa lềnh bềnh trong dòng kênh ô nhiễm. Họ không ồn ào, không hô hào, không phô trương, chỉ có những tiếng thở hắt mệt nhọc, những ánh mắt động viên nhau và một niềm tin bền bỉ rằng: tuổi trẻ là để cống hiến, không phải để than vãn.
Nguyễn Tiến Huy, sinh năm 1995, đến từ một làng quê thuần nông của tỉnh Hải Dương (cũ). Lần đầu lên Hà Nội năm 2013, sự choáng ngợp trước thành phố hiện đại trong ánh mắt Huy dần được thay thế bằng những trăn trở khi mỗi buổi chiều, dòng sông Tô Lịch ngang nhà trọ lại bốc mùi, khiến cả dãy phòng phải đóng kín cửa. Những người già quanh khu phố kể rằng, sông Tô Lịch từng trong xanh, mát rượi. Nhưng đô thị hóa ập đến, rác thải đổ xuống, con sông đổi màu, đổi mùi. Và Huy đã không thể đứng yên.
![]() |
“Ban đầu, có người bảo tôi gàn dở. Cũng đúng thôi, ai lại rảnh rỗi mà lội xuống thứ nước đen ngòm ấy chỉ để nhặt rác. Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng chờ người khác làm trước, thì khi nào thành phố mới sạch? Nếu học Bác mà chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, thì sao thay đổi được điều gì?”, Huy kể lại, giọng trầm nhưng ánh lên ngọn lửa. Và thế là nhóm “Hà Nội Xanh” ra đời, bắt đầu từ một lời kêu gọi bạn bè, một chiếc ủng cao su, vài bộ đồ bảo hộ tự mua và một niềm tin rất trẻ. Những bước chân đầu tiên lội xuống dòng nước thối là cú sốc thực sự. Rác xộc thẳng vào mũi, mảnh sành cứa vào tay, kim tiêm cắm dưới lớp bùn đen. Nhưng rồi, sau ba tiếng đồng hồ, 100 kg rác được đưa lên bờ. “Tôi chưa bao giờ thấy hạnh phúc đến thế. Dù không ai biết, không ai quay phim, nhưng tim tôi như vỡ òa” Huy nói, đôi mắt rưng rưng.
Hôm nay, nhóm của Huy đã có hơn 1.000 tình nguyện viên. Họ là học sinh, sinh viên, người đi làm, thậm chí cả những ông bố, bà mẹ đã có con nhỏ. Không ai quan tâm đến nghề nghiệp hay địa vị. Khi khoác lên chiếc áo xanh tình nguyện, họ chỉ có một danh xưng chung: người yêu Hà Nội.
Với Huy, mỗi buổi dọn rác là một lần góp phần nhỏ bé xây dựng thành phố. Hoạt động của Hà Nội Xanh hiện vẫn đang duy trì đều đặn vào mỗi cuối tuần. Hàng trăm “điểm đen” rác thải đã được Nguyễn Tiến Huy và nhóm của mình xử lý, trả lại màu xanh cho môi trường. Những cố gắng của Nguyễn Tiến Huy và các tình nguyện viên đã được đền đáp xứng đáng, khi nhóm Hà Nội xanh được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023. Nhìn vào những ánh mắt rực tràn sức trẻ của Huy và Hà Nội Xanh, tôi nhận ra rằng sự tử tế không bao giờ lỗi thời. Và tinh thần học Bác, khi đi bằng đôi chân của những người trẻ, sẽ luôn dẫn tới những con đường tươi sáng.
Tôi từng được nghe một triết lý rất “đời” rằng: “Nếu cuộc đời là chặng đường xa, đó sẽ là con đường kết nối bằng những chuỗi dài những lựa chọn. Khi lựa chọn đúng và kiên định với con đường đã chọn cùng rất nhiều khát khao là lúc con người ta trưởng thành thực sự. Vì vậy, chỉ có những ai biết giữ hạt mầm tử tế, thiện lương, tích cực, yêu cái đẹp mới có thể lựa chọn được những gì thuộc về điều ngay lẽ phải”. Quả thực, mãi đến khi gặp chàng thanh niên Phạm Văn Hiếu (xã Thường Tín), người hơn chục năm tình nguyện vá những đoạn đường bị ổ gà, để người dân có thể yên tâm hơn trên mỗi bước chân đi qua thì mới thấy những chia sẻ, đúc rút ấy đúng đắn đến nhường nào.
|
Nghe kể, năm 2010, trong một lần đi làm, anh chứng kiến một vụ tai nạn do người đi đường không may bị ngã khi xe lọt vào ổ gà đầy nước. Vài ngày trước đó, chính anh cũng từng vấp ngã vì con đường hư hỏng ấy. Cảm giác bất an và nỗi lo sợ cho sự an toàn của người khác đã khiến anh không thể bỏ qua. Từ những trải nghiệm thực tế và sự đồng cảm sâu sắc, anh Hiếu nhận ra rằng những việc nhỏ bé nhưng thiết thực như vá đường không chỉ cứu người khỏi tai nạn mà còn là cách để anh đóng góp sức mình xây dựng một cộng đồng an toàn hơn.
Chính từ đó, anh lặng lẽ bắt tay vào việc “chữa lành” từng ổ gà, từng đoạn đường xấu với lòng trắc ẩn và sự kiên trì, như một hành trình thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa giữa cuộc đời bộn bề.
Những ngày đầu tiên dấn thân vào việc vá đường, anh Hiếu cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Ban đầu, anh tự bỏ tiền mua cát, sỏi và xi-măng mang theo từng ngày để vá những ổ gà trên đường. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, những điểm vá ấy lại bị sụt lún, hư hỏng trở lại, khiến anh không khỏi chạnh lòng. Không cam chịu thất bại, anh quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân. Anh đến tận các công trường thi công, quan sát kỹ lưỡng đội thợ làm đường để học hỏi. Dần dà, anh nhận ra rằng, để thi công đường bền vững, người ta phải dùng hỗn hợp nhựa đường và đá dăm chứ không thể chỉ đơn thuần dùng cát và sỏi như anh đã làm.
Với sự kiên trì và tinh thần học hỏi, anh tiếp tục bỏ tiền túi mua nhựa đường và đá dăm để vá đường. Có những lúc đi làm, anh còn tận dụng những nguyên vật liệu thừa sót lại của các đơn vị thi công, tìm cách liên hệ xin về để không lãng phí. Những ổ gà sau khi được anh vá bằng hỗn hợp nhựa đường và đá dăm không chỉ phẳng phiu mà còn bền chắc, không bị hư hại như trước kia.
Anh Hiếu chia sẻ, hiện tại anh đã tìm được một cơ sở cung cấp vật liệu vá đường ở khu vực cảng Khuyến Lương. Lúc đầu, khi nghe anh có ý định mua vật liệu để làm đường, vị lãnh đạo doanh nghiệp nơi đây còn tưởng anh chỉ là một cá nhân mua lẻ để thi công những hạng mục nhỏ, nên còn dè chừng. Thật may, khi được Hiếu giải thích, khi biết những việc làm ý nghĩa của anh thì người lãnh đạo đơn vị nọ đã vui vẻ và đồng ý làm việc tiếp với chàng thanh niên nhân hậu. Đáng mừng hơn, họ còn không nỡ lấy tiền anh. Với những điểm đường cần vá ở tỉnh xa, họ còn cho người chở trực tiếp vật liệu đến cho Hiếu.
Với những đóng góp thầm lặng mà bền bỉ, năm 2023, Phạm Văn Hiếu đã vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” – phần thưởng cao quý ghi nhận tấm lòng và hành động thiết thực của anh dành cho cộng đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn được huyện Thường Tín vinh danh là một trong những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt của năm 2023. Những giải thưởng ấy như một lời khẳng định chân thành về giá trị của sự sẻ chia, của lòng nhân ái không đòi hỏi sự nổi danh, chỉ đơn giản là tấm lòng luôn sẵn sàng trao đi và yêu thương.
![]() |
----------------------------------
Đinh Luyện