-->
Hiện Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông. Tuy nhiên, niềm vui về thu nhập của người dân cũng chẳng trọn vẹn bởi môi trường sống của chính họ cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng… Có dịp về thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, “thủ phủ” phế liệu nhựa ven đô Hà Nội mới hiểu rõ những “trăn trở” của người dân nơi đây. Thôn Xà Cầu trước đây nổi tiếng với nghề thu gom, phân loại và sơ chế phế liệu để bán lại cho các nhà máy tái chế. Ngay từ cổng thôn Xà Cầu đi vào, rác thải trên các trục đường giao thông dù được xúc dọn không xảy tình trạng tập kết bừa bãi, nhưng dọc hai bên đường, đâu đâu cũng là rác. Với số lượng rác thải “khổng lồ”, ước tính hàng trăm tấn, khu vực nhà dân trong thôn không đủ chỗ chứa. Từng bao tải phế liệu được chất cao kịch trần nhà, có nơi đến 4 - 5m. Tương tự, tại khu vực cánh đồng chùa Dâu, xã Quảng Phú Cầu, đủ các loại phế liệu, rác thải, nhất là vỏ chai nhựa được người dân thu gom từ khắp các nơi về chất thành đống, để khắp đường làng, ngõ xóm. Tại đây, địa phương đã bố trí khu vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đáng chú ý, ngay tại khu vực này xuất hiện “núi rác” (cao đến 3m, bề rộng 7 - 8m) gồm rất nhiều túi nilon chứa chai thủy tinh, ống nhựa, và các phụ phẩm y tế. Một số người dân cho hay, không hiểu bằng cách nào hàng tấn rác thải y tế lại có thể vào được đến đây. Bên cạnh đó, do hoạt động thu gom, tái chế nhựa, nhu cầu mở rộng sản xuất nên có những hộ dân đã tự ý xây dựng bãi tập kết, nhà xưởng và đặt máy trên đất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền xã đã lập biên bản, có biện pháp xử lý nhưng vẫn có một số hộ dân lén lút vi phạm. Thành phố Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, thành phố cũng là nơi hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; mây tre đan; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…). Được biết, thôn Xà Cầu có khoảng 200 hộ dân, trong đó có 95 hộ hoạt động thu gom, sơ chế phế liệu. Hoạt động này đã làm phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại nhãn mác, bao bì, nhựa không thể tái chế… khối lượng ước tính khoảng 2 tấn/ngày. Bà L.Đ.T (nhà ở thôn Xà Cầu) cho biết, gia đình bà đã có hàng chục năm làm nghề thu gom phế liệu đem về tái chế. Công việc này đã giúp gia đình phát triển kinh tế, có của ăn của để trong nhà. “Ở thôn Xà Cầu, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại ai cũng có thể làm được vì công việc hết sức đơn giản. Già trẻ lớn bé, ai cũng có thể làm, mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải”, bà T cho hay. |
Tuy nhiên, với điều kiện làm việc hoàn toàn thủ công trong những nhà xưởng tạm bợ, tiếp xúc trực tiếp với nhiều nguồn nguy hại, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều mối nguy về sức khỏe mỗi ngày. Đưa chúng tôi đi khảo sát quanh làng, ông Nguyễn Năng Cơ, Phó Trưởng thôn Xà Cầu, cho biết, trước đây, có hiện tượng sau khi phân loại xong rác thải được người dân nơi đây đổ xuống ao hồ hoặc mang đi đốt trộm. Trước thực trạng người dân đốt rác thải ngoài môi trường chính quyền địa phương đã cử lực lượng an ninh của thôn, xã làm nhiệm vụ trực để hạn chế tình trạng xả rác và đốt rác gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của địa phương. Thậm chí, trong khi chờ các cơ quan chức năng triển khai đề án, kế hoạch… người dân trong thôn đã vận động xã hội hóa mua 1 chiếc máy xúc, để nhanh chóng thu gom rác thải tràn lan, hạn chế phần nào nguy cơ ô nhiễm. Ông Trang Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: Chính quyền xã đã tăng cường họp, nhắc nhở người dân và cử Công an kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, chính quyền đã có hợp đồng với đơn vị vận chuyển và xử lý rác nhằm hạn chế dần tình trạng ô nhiễm. Tuyên truyền, vận động các hộ thu gom, tái chế phế liệu thôn Xà Cầu thực hiện thu gom xử lý chất thải theo quy định. Tình trạng ô nhiễm không chỉ xảy ra ở riêng xã Quảng Phú Cầu, ghi nhận của phóng viên tại xã Dương Liễu - một trong những làng nghề làm miến dong, bánh kẹo lâu đời ở huyện Hoài Đức, Hà Nội - cũng không tránh khỏi. Cùng với sự hối hả trong sản xuất, điều khiến chúng tôi “ấn tượng” chính là mùi hôi thối, ngai ngái khó chịu của nước thải, mùi ngâm các loại củ, tinh bột sắn… hòa trộn vào nhau. |
Do thiếu diện tích, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình sau khi sản xuất đã xả thải trực tiếp ra kênh thoát nước T2, rồi chảy thẳng ra sông Đáy… khiến nhiều kênh rạch bị ô nhiễm nặng, nước biến thành màu đen đục, đóng keo. Thực tế cho thấy, làng nghề truyền thống Dương Liễu khá phát triển, nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ nghề truyền thống sản xuất miến và bánh kẹo. Chính sự phát triển manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, đã khiến người dân sinh sống tại làng nghề Dương Liễu và khu vực xung quanh phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề… Quảng Phú Cầu hay Dương Liễu như đề cập ở trên chỉ là những ví dụ điển hình về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay trên địa bàn các làng nghề của Thành phố. Cần phải khẳng định, kinh tế làng nghề, nghề thủ công không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho mỗi vùng miền mà chúng ta phải bảo tồn, phát huy mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động… Tuy vậy, giữa được (phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động) và mất (ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống người dân), chúng ta phải chọn được hơn mất. Đây chính là câu chuyện mà các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã và sẽ phải tìm ra lời giải. |
Báo cáo và phân tích môi trường tại 65 làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, có 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý. Trong đó, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang - xiên và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, khi các làng nghề truyền thống bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết thì tình trạng ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng. Có thể kể đến các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức, bình quân, mỗi ngày sản xuất từ 80 - 100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50 - 70 tấn bã thải và hàng nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý. Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với công suất 20.000m3/ngày đêm cũng chỉ xử lý được một phần nhỏ nước thải của 3 làng nghề này. Còn tại làng nghề sản xuất miến, mạch nha, chăn nuôi và giết mổ gia cầm xã Cát Quế, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Cát Quế không những không giảm, mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn. |
Hay như tại làng nghề Minh Khai, không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh. Theo người dân, hiện nay ở làng giờ khói bụi hơn, vì ống khói có nhưng không xử lý khói thoát ra, nên ô nhiễm làng nghề vẫn tồn tại… Trở lại với xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, việc giải bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn là câu hỏi cần sự chung tay của cả chính quyền địa phương và người dân. Ông Trang Văn Viễn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, cho biết, công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực làng nghề vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc di dời các hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các làng nghề có hoạt động sản xuất gắn liền với nơi sinh sống, cư trú. Dù đã được hỗ trợ, song các cơ sở di dời phải nộp tiền thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất với mức phí cao so với lợi nhuận thu được nên không đủ điều kiện để di dời. Còn theo ông Đỗ Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa, một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm về môi trường là do công tác tuyên truyền, giáo dục về lĩnh vực này hiện còn bất cập. Mặt khác, nhận thức về pháp luật của người dân và chủ các cơ sở sản xuất chưa cao; sản phẩm sản xuất chủ yếu phục vụ cho tầng lớp có đời sống bình dân nên có lợi nhuận thấp, khó cạnh tranh trên thị trường, vì vậy, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải không được các cơ sở quan tâm thực hiện… Ông Đỗ Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa cho rằng: Việc đánh giá, khắc phục ô nhiễm làng nghề chưa bao giờ đơn giản. Nó liên quan từ công nghệ, không gian sinh kế của người dân và quan trọng nhất là kinh phí. Nhiều nơi áp dụng đưa làng nghề vào cụm làng nghề nằm bên cạnh các làng nghề, nhưng tại đó công nghệ vẫn còn lạc hậu, cũ kỹ, nên việc ô nhiễm không thể xử lý tận gốc. Mặt khác, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, tình hình thực tế, chưa đảm bảo tỷ lệ chi cho làng nghề tổng chi về môi trường theo quy định. Một số cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải. |
Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Những năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Thủ đô. Theo đó, Thành phố cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề có rất nhiều vấn đề khác nhau. Bởi mỗi địa phương, mỗi làng nghề đều có đặc thù khác nhau, nơi thì làm bún, miến, đậu phụ, nơi thì đúc đồng, nơi thì làm mây tre đan… Mỗi làng nghề đều có thể gây ra một loại ô nhiễm khác nhau, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sức khỏe của chính người làm nghề và những người dân sống xung quanh. Để có thể khắc phục tổng thể các vấn đề về ô nhiễm môi trường, có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, thành phố Hà Nội đã bố trí các khu vực tập trung sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không muốn di dời đến các khu được quy hoạch mới, vì người dân ngại thay đổi chỗ ở, nhà xưởng sản xuất, thói quen sinh sống, không tiện lợi cho việc cung cấp hàng hóa… trong khi nguồn hỗ trợ cho họ còn ít. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các khu quy hoạch tập trung cũng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. “Lấy ví dụ một số địa phương cũng đã triển khai một số khu tập trung, hỗ trợ một số nơi có kinh phí để làm như ở làng miến Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội, song thực tế chưa phát huy được hết hiệu quả”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh. |
Về việc di dời các làng nghề, được biết, theo định hướng đến năm 2030, có 48 làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội phải di dời cơ sở sản xuất hoặc công đoạn sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu vực làng nghề. Trong đó có làng nghề đồ mộc Hữu Bằng, huyện Thạch Thất; làng nghề sản xuất bánh đa nem Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh; làng nghề bún Phú Đô; quận Nam Từ Liêm; làng nghề mây tre đan, mộc Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ; làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng; làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)… Hiện một số huyện đã thực hiện việc di dời các hộ sản xuất trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo mặt bằng sản xuất, cụ thể: Huyện Thường Tín hiện có 604 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã di dời vào hoạt động tại 5 cụm công nghiệp làng nghề; huyện Đan Phượng đã di dời 665 hộ sản xuất; số cơ sở đã di dời toàn bộ vào cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện Ứng Hòa là 26 cơ sở, 85 hộ sản xuất tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, đăng ký di dời điểm tái chế rác thải nhựa vào cụm công nghiệp Cầu Bầu (đạt trên 50% số hộ), số hộ còn lại sẽ được di dời vào Cụm công nghiệp Xà Cầu giai đoạn II; huyện Thanh Oai đã di dời 35 cơ sở trên địa bàn vào Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy; UBND quận Hà Đông đã phê duyệt và giao đất 261 nhóm hộ nhằm di dời các cơ sở vào cụm điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc… |
Để giải bài toán ô nhiễm môi trường, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các địa phương cũng như Hà Nội cần rà soát lại và thực hiện một cách kiên quyết. Trong đó, kiên quyết đưa các hộ ra sản xuất tập trung, hỗ trợ điều kiện về cơ chế, kinh tế ban đầu cho các hộ làm nghề. Đặc biệt, hiện nay việc di dời các làng nghề chỉ khả thi khi Nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ về kinh phí ban đầu để làm cơ sở hạ tầng cho tốt. Bên cạnh đó, phải phân loại các làng nghề, vừa vận động vừa tuyên truyền, phân tích để cho bản thân những người làm nghề hiểu và tự động thực hiện theo cơ chế, chính sách. Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của Thành phố, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức của các hộ sản xuất trong áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề, thực hiện nghiêm quy định về sử dụng công nghệ, phương pháp sản xuất; đầu tư máy móc, công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất nhằm từng bước hạn chế ô nhiễm tại các làng nghề… phấn đấu đến năm 2030 khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại 100% làng nghề trên địa bàn Thành phố. |
Nội dung: H.Duy - A.Tuấn - H.Minh | Đồ họa: Quốc Nam |