--> -->
Multimedia
15/07/2025 09:20 Chia sẻ
Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

15/07/2025 09:20

Thị trường du lịch Halal toàn cầu đang bùng nổ với quy mô dự kiến 499,7 tỷ USD vào năm 2032, và Hà Nội không muốn bỏ lỡ "miếng bánh" tỷ đô này. Với 650.000 khách từ các nước Hồi giáo năm 2024 (chiếm 15% tổng lượng khách quốc tế), Thủ đô Hà Nội đang tích cực xây dựng hệ sinh thái du lịch thân thiện với 176 triệu du khách Hồi giáo toàn cầu. Từ việc ban hành tiêu chuẩn TCVN 14230:2024 đến thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, Hà Nội đang chạy đua để trở thành điểm đến Halal hàng đầu Đông Nam Á.
Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Thị trường du lịch Halal toàn cầu đang bùng nổ với quy mô dự kiến 499,7 tỷ USD vào năm 2032, và Hà Nội không muốn bỏ lỡ "miếng bánh" tỷ đô này. Với 650.000 khách từ các nước Hồi giáo năm 2024 (chiếm 15% tổng lượng khách quốc tế), Thủ đô Hà Nội đang tích cực xây dựng hệ sinh thái du lịch thân thiện với 176 triệu du khách Hồi giáo toàn cầu. Từ việc ban hành tiêu chuẩn TCVN 14230:2024 đến thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, Hà Nội đang chạy đua để trở thành điểm đến Halal hàng đầu Đông Nam Á.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, là điểm đến hội tụ những giá trị văn hóa, truyền thống đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng với nền ẩm thực phong phú và đời sống đô thị hiện đại, năng động. Những năm qua, du lịch Hà Nội đã không ngừng đổi mới, phát triển nhanh, thúc đẩy liên kết hợp tác và hội nhập sâu rộng, góp phần quan trọng trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Du lịch Hà Nội đã chủ động để xây dựng được môi trường du lịch thân thiện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế, trong đó có cả các yêu cầu đặc biệt riêng trong tổ chức dịch vụ như để đón khách du lịch từ cộng đồng Hồi giáo. Khách du lịch Halal, chủ yếu đến từ các quốc gia Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và khu vực Trung Đông, là thị trường được xếp vào nhóm khách có tiềm năng chi tiêu du lịch cao, thường có những nhu cầu đặc thù so với các thị trường khác; trong đó, không chỉ tập trung vào trải nghiệm giải trí mà còn đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tôn giáo và văn hóa. Đáng chú ý nhất là yêu cầu về ẩm thực tuân thủ quy chuẩn Halal, không gian sinh hoạt tôn giáo (như phòng cầu nguyện), cùng với sự tôn trọng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của đạo Hồi.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Là người nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực này, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cho biết: “Các dịch vụ phục vụ du lịch Halal cũng có những nét đặc thù riêng và phải tuân thủ theo quy tắc của đạo Hồi. Đối với các đại lý du lịch, khi thiết kế các gói du lịch Halal phục vụ cho khách du lịch là người Hồi giáo phải tuân theo các hướng dẫn và nguyên tắc của Halal. Đối với dịch vụ vận chuyển, ngành du lịch Halal cung cấp các chuyến bay không phục vụ rượu hoặc các sản phẩm từ thịt lợn, thông báo thời gian cầu nguyện và phát sóng các chương trình tôn giáo như một phần của chương trình giải trí trên máy bay.

Đối với dịch vụ chỗ ở, các khách sạn phục vụ du lịch Halal không phục vụ rượu, phải có hồ bơi và cơ sở spa riêng cho nam và nữ, chỉ phục vụ đồ ăn, thực phẩm Halal và có cơ sở cầu nguyện trong phòng riêng hoặc trong một hội trường chung. Sinh hoạt tôn giáo của người Hồi giáo diễn ra thường xuyên hàng ngày (cầu nguyện 5 lần), trưa thứ Sáu hàng tuần buộc các tín đồ nam phải tham gia cầu nguyện chung, vì thế, đòi khỏi cần có nơi sinh hoạt tôn giáo thuận tiện (nhà thờ hay phòng cầu nguyện ở nơi đến nghỉ dưỡng, tham quan, khách sạn, sân bay).

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Đối với dịch vụ ăn uống, thực phẩm Halal phục vụ người Hồi giáo trong các khách sạn quốc tế được giết mổ theo giáo lý của luật Hồi giáo Sharia và không chứa bất kỳ chất nào bị cấm theo luật Hồi giáo như thịt lợn và rượu. Một số khách sạn đã thuê người từ các quốc gia Hồi giáo để cung cấp dịch vụ phiên dịch và các dịch vụ hỗ trợ khác mà khách du lịch từ các quốc gia Hồi giáo có thể cần.

Do đó, để đáp ứng được dòng khách du lịch Halal đòi hỏi điểm đến, cơ sở lưu trú hay khách sạn, nhà hàng phải bố trí không gian đón tiếp riêng, phù hợp với nhu cầu ăn uống, thói quen sinh hoạt tôn giáo, tôn trọng nghi thức tín ngưỡng, thời gian tiếp đón không trùng lắp hay xen lẫn với các dòng khách khác... Đặc biệt, cần phải có những chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về tín ngưỡng, tôn giáo và tập tính sinh hoạt của người Hồi giáo để cố vấn, huấn luyện và kiểm định, chứng nhận chất lượng dịch vụ đạt chuẩn Halal. Đồng thời, cần xây dựng một hệ sinh thái du lịch Hồi giáo có khả năng thu hút được nhóm du khách theo Đạo Islam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, đến nay không có tiêu chuẩn nào được công nhận trên toàn thế giới về du lịch Halal. Mỗi quốc gia muốn thu hút khách du lịch Halal đều phải tìm cách cung cấp các dịch vụ, tiện nghi phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo của khách du lịch Hồi giáo để thu hút khách hàng và phát triển du lịch”.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Những năm qua, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, thị trường khách du lịch từ các nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn đến Hà Nội tiêu biểu như một số quốc gia, gồm: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bangladest, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xêut, Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Brunei, Quatar,...

Năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường khách các nước này tới Hà Nội so với năm 2023, với tổng số khoảng 650.000 khách (khoảng 15% tổng số khách quốc tế đến Hà Nội), cụ thể: Ấn Độ (với 325.880 lượt khách, tăng 38,3%), Malaysia (tương ứng 2,72%, 121.988 lượt khách, tăng 18,1%), Indonesia (109.390 lượt khách, tăng 3,6 lần), Bangladest (16.389 lượt khách, tăng 2,4 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (13.842 lượt khách, tăng 69,1%)…

Trong 5 tháng đầu năm 2025, mức tăng trưởng khá tiếp tục được duy trì với lượng khách từ hầu hết các quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Ấn Độ, Malaysia và Indonesia là các thị trường dẫn đầu về lượng khách trong nhóm. Đây là các thị trường khách tiềm năng của du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; với mức tăng trưởng tốt và nhu cầu ngày càng cao, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với văn hóa và nhu cầu của nhóm khách này là cần thiết để thu hút hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Tại Hà Nội có cộng đồng Hồi giáo với gần 2.000 người, tạo ra nền tảng văn hóa quan trọng, góp phần kết nối và thể hiện sự thân thiện của Thành phố với du khách Halal. Thánh đường Al-Noor, được xây dựng từ năm 1885 tại số 12 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, là thánh đường Hồi giáo duy nhất tại Thành phố, không chỉ là nơi cầu nguyện của người Hồi giáo địa phương mà còn đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu của du khách Halal là không gian cầu nguyện thuận tiện.

Du khách Hồi giáo khi đến Hà Nội cũng tìm kiếm các nhà hàng đạt chuẩn Halal, dịch vụ lưu trú có thể cung cấp suất ăn Halal và môi trường sinh hoạt thân thiện với tín ngưỡng của họ. Cần nhấn mạnh rằng Halal không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn bao hàm các tiêu chuẩn liên quan đến quy trình chế biến, cách thức xử lý các sản phẩm thực phẩm, dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn Hồi giáo.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã có những bước đầu tích cực nhằm đáp ứng các nhu cầu của phân khúc khách du lịch Halal. Đối với các cơ sở lưu trú đạt chuẩn Halal, hiện trên địa bàn Thành phố có Khách sạn Melía Hanoi và Intercontinental Hanoi Landmark72 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal. Các khách sạn nhận phục vụ đồ ăn Halal theo nhu cầu của khách và đơn vị cung cấp thực phẩm, nguyên liệu chế biến món ăn đều có chứng chỉ Halal, như: Hotel Duparc, Grand Mercure, Pullman, Movenpick Living West Hanoi, JW. Marriott, Sofitel Legend Metropole, Khu căn hộ khách sạn Grand K Suites, Khu căn hộ Fraser Suites… Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, một số quán ăn, nhà hàng dành cho người Hồi giáo như người Hồi giáo như nhà hàng D’Lion (92 Lê Duẩn), nhà hàng Khazaana (11 Lý Thái Tổ)... với những không gian ít nhiều mang dấu ấn của Hồi giáo. Trong công tác xúc tiến, quảng bá, Hà Nội đã chủ động tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch tại các thị trường Halal tiềm năng; đồng thời, tăng cường truyền thông về hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn, giàu bản sắc và tôn trọng đa dạng văn hoá.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Ngoài ra, khách du lịch Halal còn chú trọng đến sự thoải mái và tôn trọng dành cho du khách Hồi giáo, đặc biệt là phụ nữ. Với danh hiệu “Điểm đến an toàn nhất khu vực dành cho phụ nữ đi du lịch một mình” do chuyên trang du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á Tripzilla bình chọn năm 2023 và “Top những thành phố an toàn nhất Đông Nam Á” (vị trí thứ 5) do chuyên trang đánh giá chất lượng sống ở các thành phố trên thế giới Numbeo bình chọn năm 2023; Hà Nội khẳng định vị thế và chứng minh sự đáp ứng đối với nhu cầu đặc thù về không gian an toàn, thân thiện và tôn trọng văn hóa của du khách Hồi giáo.

Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ Halal tại Hà Nội vẫn còn phân tán và chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận Halal cho các sản phẩm, dịch vụ. Việc đào tạo nguồn nhân lực am hiểu văn hóa Hồi giáo, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt và kết nối thị trường Halal toàn cầu còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Do đó, để khai thác hiệu quả phân khúc du lịch tiềm năng này, việc định hướng phát triển du lịch Halal cần có chiến lược bài bản, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, mà còn phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững, đa dạng và toàn diện trên phạm vi toàn cầu. Việc phát triển du lịch Halal cần được đặt trong khuôn khổ quy hoạch tổng thể, gắn với bảo đảm an ninh tôn giáo và chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn mới mẻ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các đối tác trong, ngoài nước.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Hiện Hà Nội cũng đang có nhiều nỗ lực để phát triển tiềm năng du lịch Halal. Trong đó, Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hà Nội (trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố) hiện đang là đơn vị tích cực và tiên phong đào tạo nguồn nhân lực có “Tâm - Tầm - Chất” phục vụ du lịch gắn với Halal, góp phần giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển Hà Nội và Việt Nam trở thành một trong những điểm đến du lịch thân thiện với người Hồi giáo hàng đầu trên thế giới.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết: “Với tầm nhìn chiến lược về triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó nhiệm vụ cấp bách đặt ra phải có nguồn nhân lực bao gồm từ quản trị, quản lý nhà hàng, khách sạn đến đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch, phục vụ buồng, nhà hàng am hiểu về kiến thức Halal, tiêu chuẩn và sản phẩm Halal, văn hóa Islam... và chuyên nghiệp về kỹ năng thực hành để thân thiện phục vụ du khách Hồi giáo, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thành lập Trung tâm Đào tạo Halal (Halal Training Center). Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi và một số đối tác khác trong nước và quốc tế triển khai các khóa học cơ bản và nâng cao về Halal và chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia TCVN14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Đây là một trong những chương trình lần đầu tiên được áp dụng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Không chỉ chú trọng đào tạo lý thuyết, nâng cao hiểu biết và kiến thức về Halal, văn hóa Islam, du lịch thân thiện với người Hồi giáo, Trường còn phát huy thế mạnh thực hành khi hợp tác với Công ty cổ phần Nan Kebab để đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn Halal, đầu bếp, phục vụ nhà hàng, khách sạn Halal... Đây là nhu cầu vô cùng cấp thiết để đáp ứng điều kiện tiên quyết của du lịch gắn với Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo là thực phẩm Halal. Bên cạnh đó, Trường sẽ mở các khóa học chuyên về digital makerting du lịch thân thiện với người Hồi giáo - một ngành nghề đang “hot” hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạnh công nghệ 4.0”.

Có thể nói, nhu cầu và tiềm năng thị trường Halal đang tăng nhanh - đặc biệt từ các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông, Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia), Nam Á và cả từ cộng đồng người Hồi giáo tại các nước phát triển. Hà Nội có đầy đủ điều kiện để đón khách Halal từ hạ tầng du lịch, hệ thống khách sạn 4-5 sao, di sản văn hóa phong phú, đến khả năng kết nối hàng không thuận tiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về cơ sở vật chất đạt chuẩn Halal, nguồn nhân lực, và nhận thức chung của ngành.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng chính sách thúc đẩy du lịch Halal, coi phát triển du lịch Halal là cơ hội để mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô trên bản đồ du lịch quốc tế. Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực về tiếp cận thị trường Halal bằng cách tận dụng, phát huy hiệu quả tài nguyên sẵn có, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường hợp tác quốc tế”.

Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan để khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng Halal; phát triển cơ sở lưu trú và ẩm thực có khả năng đáp ứng yêu cầu đặc thù của du khách Hồi giáo, nâng cao năng lực phục vụ.

Song song với phát triển cơ sở vật chất, Hà Nội đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về đặc điểm dòng khách Hồi giáo. Thành phố sẽ tăng cường triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành, hướng đến xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phục vụ thị trường Halal đầy tiềm năng.

Về công tác xúc tiến, quảng bá, Hà Nội xác định tập trung vào các thị trường trọng điểm như Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông; đồng thời thúc đẩy liên kết với các đại sứ quán, hiệp hội Halal, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng Hồi giáo. Thành phố cũng nghiên cứu lồng ghép nội dung phát triển du lịch Halal vào các chương trình, quy hoạch phát triển du lịch chung, gắn với định hướng xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách du lịch từ các thị trường Hồi giáo và góp phần khẳng định vai trò là trung tâm du lịch lớn của khu vực.

“Chúng tôi tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức đối tác, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, thân thiện và chuyên nghiệp đối với du khách Hồi giáo trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho hay.

Du lịch Hà Nội hướng tới thị trường tỷ đô Halal

----------------------------

Phương Bùi