-->
Multimedia
01/02/2022 00:21
Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

01/02/2022 00:21

Năm 2021 là một năm đầy biến động và khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, hoạt động thực chất, thích ứng linh hoạt để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Thường trực, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã có những quyết sách đúng, trúng, quyết liệt, thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, “biến nguy thành cơ”, khẳng định vị trí và nâng tầm vị thế Công đoàn Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của đoàn viên, người lao động. Đón chào Xuân Nhâm Dần 2022, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc phỏng vấn về những kết quả nổi bật trong năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của các cấp Công đoàn Thủ đô.
Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Năm 2021 là một năm đầy biến động và khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, hoạt động thực chất, thích ứng linh hoạt để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Thường trực, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã có những quyết sách đúng, trúng, quyết liệt, thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, “biến nguy thành cơ”, khẳng định vị trí và nâng tầm vị thế Công đoàn Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của đoàn viên, người lao động.

Đón chào Xuân Nhâm Dần 2022, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc phỏng vấn về những kết quả nổi bật trong năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của các cấp Công đoàn Thủ đô.

Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Phóng viên: Nhìn lại năm 2021, có thể thấy hoạt động Công đoàn Thủ đô đã có rất nhiều đổi mới, sáng tạo. Xin đồng chí cho biết một số hoạt động nổi bật của tổ chức Công đoàn Thủ đô, qua đó thể hiện rõ sự đổi mới mạnh mẽ?

Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Nhận thức được tính cấp thiết trong việc cần đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện tổ chức và hoạt động Công đoàn trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và việc cam kết thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), các công ước quốc tế về lao động và Công đoàn (Công ước số 97, 98 của Tổ chức Lao động quốc tế), ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã xây dựng chương trình công tác với 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm. Đồng thời, thành lập 10 Tổ công tác để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm đó.

Xác định lấy đoàn viên, người lao động (NLĐ) là trung tâm, Công đoàn cơ sở (CĐCS) là địa bàn tổ chức các hoạt động, công tác cán bộ Công đoàn là khâu then chốt, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã xây dựng và chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung triển khai hiệu quả 04 đề án thí điểm nhằm phát triển tổ chức Công đoàn về cả chất và lượng. Đó là các đề án: “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”; “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp”; “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”; “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”. 4 đề án thí điểm này cũng giống như những hòn đá dò đường của tổ chức Công đoàn Thủ đô khi tìm đến cái mới, cái hiệu quả, thiết thực hơn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế mang tính căn cốt của tổ chức Công đoàn. Các đề án thí điểm qua thực hiện đã phát huy được hiệu quả tích cực, được Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao và áp dụng để triển khai trong toàn hệ thống Công đoàn.

Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Đặc biệt, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02). Ngay sau đó, đúng vào Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7), LĐLĐ Thành phố tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 35-KH/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 và ngày 29/7/2021, LĐLĐ Thành phố cũng đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới. Đây là những định hướng, cơ sở chính trị quan trọng để tổ chức Công đoàn phát huy vai trò, vị thế của mình; đồng thời cũng cho thấy tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang đi đúng hướng trên hành trình đổi mới.

Thực hiện Kế hoạch số 35-KH/TU của Thành ủy Hà Nội, Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp để có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là phối hợp trong công tác tổ chức cán bộ, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS… Đây là nét mới, là điều kiện để hoạt động Công đoàn ngày càng thực chất hơn, hiệu quả và chủ động hơn.

Năm 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ, coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, những vấn đề mang tính sống còn của tổ chức Công đoàn. Góp phần ổn định quan hệ lao động, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố; với sự vào cuộc tích cực của tổ chức Công đoàn, năm 2021 tuy doanh nghiệp và NLĐ gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song trên địa bàn Thành phố không xảy ra vụ đình công, ngừng việc tập thể nào. Năm qua các cấp Công đoàn cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác củng cố phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Công đoàn Thủ đô thực sự lớn mạnh, xứng đáng là cơ sở chính trị xã hội vững chắc của Đảng bộ Thành phố, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, NLĐ; khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

Cạnh đó, LĐLĐ Thành phố cũng đang tập trung xây dựng và triển khai đề án “Phát triển Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ NLĐ” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 02. Đơn vị này sẽ phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ đúng như tên gọi của Trung tâm, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã nhanh chóng thích ứng, kịp thời điều chỉnh hoạt động để phù hợp với tình hình dịch bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin, các nhóm Zalo Công đoàn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để mọi hoạt động đều được triển khai kịp thời, thông suốt trong toàn hệ thống. Có thể nói, năm 2021 là một năm các cấp Công đoàn Thủ đô vô cùng bận rộn.

Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội họp triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp và các cấp Công đoàn.

Phóng viên: Năm qua, Công đoàn Thủ đô đã có nhiều hoạt động thực chất để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD). Kết quả các hoạt động này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn càng phải thể hiện rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Riêng trong đợt dịch thứ 4, các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn trên 100 tỷ đồng và vận động nguồn lực hỗ trợ của xã hội với số tiền trên 104 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch…

Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công nhân lao động gặp khó khăn do bị mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập giảm sút. Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, NLĐ, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được LĐLĐ Thành phố chỉ đạo triển khai, thực hiện thí điểm, sau đó được nhân rộng áp dụng trong toàn hệ thống, như: Chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng phó khẩn cấp”, thiết lập “Đường dây nóng hỗ trợ công nhân”… qua đó đã tiếp nhận thông tin, vận chuyển, hỗ trợ kịp thời trên 90.000 “Túi An sinh Công đoàn” đến với đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều cán bộ Công đoàn đã không quản ngại vất vả, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để trực tiếp chăm lo, hỗ trợ, động viên đoàn viên, NLĐ tại các khu cách ly, các khu nhà trọ bị phong tỏa; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ cho NLĐ. Từ đó, đã giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở đấy”, góp phần cùng Thủ đô và cả nước phòng, chống dịch hiệu quả.

Ngoài những hoạt động trên, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm cùng với hệ thống chính trị Thành phố, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, LĐLĐ Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và thành lập 5 Tổ công tác để bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo, xây dựng, điều chỉnh các kịch bản ứng phó phù hợp. Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào các doanh nghiệp, các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX), LĐLĐ Thành phố đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; cử lực lượng gồm 7 cán bộ từ các Ban LĐLĐ Thành phố biệt phái xuống 9 Khu công nghiệp để ứng trực, hỗ trợ KCN&CX trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

LĐLĐ Thành phố cũng đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân và người sử dụng lao động thành lập các “Tổ An toàn Covid-19”, có cơ chế hỗ trợ kinh phí, đồng thời xây dựng Clip hướng dẫn hoạt động phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hàng ngày, từ đó tạo được sức lan tỏa rất nhanh. Đây là mô hình sáng tạo của Công đoàn Thủ đô, được đông đảo doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và được lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao; nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai, áp dụng. Hiện Thành phố đã có 11.536 “Tổ An toàn Covid-19” được thành lập tại 4.342 doanh nghiệp với 50.709 người tham gia. Đây là cánh tay nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại DN. Các “Tổ An toàn Covid-19” đã và đang phát huy hiệu quả vai trò đồng hành cùng DN không chỉ trong việc phòng, chống dịch mà còn mở rộng sang các hoạt động khác như xây dựng và giữ vững “vùng xanh” DN; duy trì, phục hồi SXKD; chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch.

Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch; đồng hành cùng DN khôi phục, phát triển SXKD và ổn định đời sống, việc làm của NLĐ; tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch; vượt khó sáng tạo, thi đua lao động sản xuất giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả…

Chính sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, chung sức cùng Thành phố và DN phòng, chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của NLĐ, ổn định quan hệ lao động và duy trì hoạt động SXKD tại DN đã tô thắm và làm cho màu áo xanh Công đoàn trở nên gần gũi, thiết thực hơn. Hình ảnh đẹp của người cán bộ Công đoàn nói riêng và tổ chức Công đoàn nói chung ngày càng lan tỏa và neo đậu vững chắc trong trái tim đoàn viên, NLĐ và hiện hữu sinh động trong các cơ quan, đơn vị, DN. Qua đó, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại những DN chưa có tổ chức Công đoàn.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường. Phát huy những kết quả đã đạt được, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của mình?

Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Năm 2022 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII trong điều kiện dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ triển khai các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 một cách chủ động, sáng tạo, bám sát chủ đề công tác năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là “Chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam” và chủ đề công tác năm của thành phố Hà Nội là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Cụ thể:

Thứ nhất: Tập trung rà soát, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy; Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới”.

Thứ hai: Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, NLĐ; thông qua việc tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao chất lương đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT”, thực hiện tốt quy chế dân chủ, đối thoại tại nơi làm việc; tích cực tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn; thực hiện 4 đề án thí điểm và 2 Nghị quyết chuyên đề, hướng các hoạt động về cơ sở và NLĐ.

Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Thứ ba: Ưu tiên dành các nguồn lực của tổ chức Công đoàn, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, chú trọng huy động xã hội hóa cùng tổ chức Công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; đặc biệt là quan tâm đến những đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Trước mắt, tập trung tổ chức chăm lo tốt cho đoàn viên, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; không để đoàn viên, NLĐ nào không có Tết.

Thứ tư: Tiếp tục đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS nhằm tận dụng thời gian vàng trước khi Việt Nam thực hiện các cam kết mới để nhanh chóng phát triển tổ chức Công đoàn, không để khoảng trống, khoảng trắng Công đoàn ở những địa bàn trọng điểm, các KCN&CX, các cụm công nghiệp, DN. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐCS.

Thứ năm: Phát động các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô năm 2022; gắn với nhiệm vụ chính trị, chủ đề năm của Thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong đó tập trung vào phong trào Công nhân giỏi, phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động; công nhân, viên chức, lao động đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19; đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho NLĐ; tích cực hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Thứ sáu: Chú trọng xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài chính Công đoàn hiệu quả, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó là triển khai các bước chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028.

.Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Phóng viên: Với phương châm “tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”, năm nay, trong điều kiện dịch bệnh hết sức phức tạp, phải triệt để tuân thủ nguyên tắc 5K, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai công tác chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Phi Thường: Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong một thời gian dài, không ít DN và NLĐ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán, cùng với việc tích cực tham gia ổn định quan hệ lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô xác định phải làm tốt hơn công tác chăm lo về vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, đảm bảo tính thực chất, kịp thời, linh hoạt, an toàn.

Các cấp Công đoàn Thủ đô ưu tiên dành nguồn lực trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động, thông qua 04 hoạt động lớn đó là: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an”; hỗ trợ phương tiện đưa công nhân lao động khó khăn về quê đón Tết; thăm, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn và triển khai gói hỗ trợ theo Kế hoạch số 146/KH-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, riêng cấp LĐLĐ Thành phố dành khoảng 71,3 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; thăm hỏi, hỗ trợ 14.000 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo với số tiền là 14 tỷ đồng; hỗ trợ 1.200 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất về quê đón Tết bằng các hình thức: Bố trí phương tiện đưa về quê; hỗ trợ bằng vé tàu, xe; hỗ trợ bằng tiền.

LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 50% kinh phí thuê phương tiện cho Công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức “Xe đưa công nhân về quê”; hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền 2 tỷ đồng. Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội tại các DN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí Công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, với mức 300.000 đồng/người…

Để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19, một số hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn Thủ đô đã phải chuyển đổi phương thức tổ chức, thực hiện, vừa đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, vừa chăm lo, hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an”, các hoạt động vui xuân, đón Tết được các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động duy trì tổ chức ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp; có 45/45 LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty đã tổ chức được chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” ở cấp trên cơ sở, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp.

Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” do LĐLĐ Thành phố tổ chức, đoàn viên, người lao động đã được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thi gói bánh chưng, bốc thăm trúng thưởng, văn nghệ, trao quà Tết… Đặc biệt, tại chương trình, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố đã trao tặng 10.000 suất quà cho 10.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố, với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Các đồng chí lãnh đạo Thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng dành thời gian, sự quan tâm đến thăm, tặng quà, động viên người lao động và đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn của các đồng chí lãnh đạo Thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

.Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô
.Đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt nâng cao hiệu quả và vị thế Công đoàn Thủ đô

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, các Chương trình, kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02 trong các cấp Công đoàn Thủ đô với những chỉ tiêu cụ thể.

Về chỉ tiêu hàng năm: Phấn đấu có 100% DN Nhà nước và 70% trở lên DN ngoài khu vực Nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 100% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 95% trở lên DN Nhà nước và 70% trở lên DN ngoài khu vực Nhà nước tổ chức Hội nghị NLĐ và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật.

Phấn đấu có 65% Công đoàn các cấp đề xuất, tham gia với cơ quan chức năng và chuyên môn cùng cấp xây dựng chính sách, pháp luật, các quy chế, quy định về đào tạo chuyển đổi nghề; tuyên truyền, vận động 60% trở lên đoàn viên ở DN tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề.

Phấn đấu có 20% số đoàn viên trở lên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp; 100% đoàn viên được thăm hỏi, tặng quà khi có hoàn cảnh khó khăn; 75% đoàn viên, NLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… do Công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

Phấn đấu bình quân mỗi năm tăng thêm 30 nghìn đoàn viên Công đoàn, 400 CĐCS. Phấn đấu bình quân mỗi CĐCS giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Phấn đấu có 80% trở lên Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; 80% trở lên CĐCS khu vực Nhà nước và 55% trở lên CĐCS ngoài khu vực Nhà nước đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phấn đấu hoàn thành 100% dự toán thu, nộp tài chính Công đoàn; 100% các cấp Công đoàn thực hiện công khai tài chính theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được kiểm tra, quyết toán tài chính đồng cấp.

Về chỉ tiêu theo giai đoạn: Đến năm 2023, phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn, mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 CĐCS DN ngoài khu vực Nhà nước, 75% trở lên DN có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được TƯLĐTT, trong đó ít nhất 45% TƯLĐTT xếp loại chất lượng từ B trở lên. Phấn đấu có ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia;…

Đến năm 2025, phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750.000 đoàn viên Công đoàn; hầu hết DN có từ 25 NLĐ trở lên thành lập được tổ chức CĐCS; ít nhất 80% trở lên DN có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết TƯLĐTT; phấn đấu có ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia; phấn đấu triển khai ít nhất 01 thiết chế Công đoàn tại các KCN&CX.

Đến năm 2030, phấn đấu đạt 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có từ 90% trở lên NLĐ trong các DN có Công đoàn là đoàn viên Công đoàn; những nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ thì phần lớn NLĐ được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn; trên 85% đơn vị, DN có tổ chức Công đoàn ký kết được TƯLĐTT; phấn đấu có ít nhất 75% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia.

Đến năm 2045, hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn; trên 99% DN có tổ chức Công đoàn ký kết được TƯLĐTT; phấn đấu có ít nhất 99% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia tranh tụng.

.
Nội dung: MAI QUÝ
Thiết kế: ĐỨC HÀ

.