-->
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2018 - 2023 tiến tới tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 12/6/2021, về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02). Tổ chức Công đoàn Thủ đô với sự chủ động, quyết liệt, nhạy bén, sáng tạo, đổi mới đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và khẳng định được vị thế của tổ chức Công đoàn. |
Trong không khí chào Xuân Quý Mão 2023, đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc phỏng vấn về những kết quả nổi bật của các cấp Công đoàn Thủ đô trong thời gian qua và sự chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Phóng viên: Bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về nội dung này? Đồng chí Phạm Quang Thanh: Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị chính là “kim chỉ nam” cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVI đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” và “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”. LĐLĐ Thành phố đã xây dựng và chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung triển khai hiệu quả 4 đề án thí điểm, thực hiện trong giai đoạn 2021-2022, nhằm đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện tổ chức và hoạt động công đoàn. Đó là các đề án: “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên”; “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”; “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”; “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội”. |
Sau 2 năm triển khai, các Đề án thí điểm đã phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2018 - 2023, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể… Các Đề án thí điểm cũng được Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao và áp dụng để triển khai trong toàn hệ thống Công đoàn. Thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, LĐLĐ thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong hệ thống Công đoàn Việt Nam hoàn thành việc ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố với 100% Quận, Huyện, Thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Quy chế phối hợp tập trung vào các nội dung trọng tâm như công tác tổ chức, cán bộ; phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh… Có thể nói, Quy chế phối hợp này là giải pháp cơ bản trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Quy chế phối hợp đã bao quát các vấn đề cốt yếu, cho phép hình thành một mặt trận sâu rộng, chủ động trợ lực cho tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. |
LĐLĐ Thành phố đã phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội; hợp nhất Nhà nghỉ Công đoàn Chùa Hương và Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai thành Nhà nghỉ Công đoàn Hà Nội. Đồng thời, chỉ đạo triển khai Đề án thí điểm thành lập Văn phòng đại diện Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Đề án thí điểm thành lập Văn phòng hỗ trợ hoạt động Công đoàn và công nhân lao động huyện Thường Tín, Đề án thành lập Văn phòng đại diện báo Lao động Thủ đô khu vực phía Nam. Các Văn phòng này đã ra mắt và đi vào hoạt động, bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, hàng năm, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô; phân công rõ nhiệm vụ cho các đồng chí Thường trực để chỉ đạo, các Ban chuyên đề là cơ quan tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm. Các hoạt động trọng tâm và các nhiệm vụ trọng điểm được tổ chức, triển khai thực hiện tới các cấp Công đoàn đảm bảo chất lượng, tiến độ, thời gian và đạt được những kết quả tích cực, có sức lan tỏa cao trong toàn hệ thống. Phải khẳng định rằng, hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng đổi mới theo đúng tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Phóng viên: Thời gian tới, hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào, thưa đồng chí? Đồng chí Phạm Quang Thanh: Hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo theo hướng thực chất, hiệu quả, vì đoàn viên, người lao động, nhất là người lao động ở khối sản xuất kinh doanh. Đây là đối tượng yếu thế hơn so với khối hành chính sự nghiệp hay khối giáo dục và dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan như dịch bệnh, tình hình kinh tế, xã hội… Vì vậy, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn sử dụng tối đa nguồn kinh phí để chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo đúng quy định, mục đích, đối tượng; ưu tiên dành nguồn lực để chăm lo cho những đối tượng yếu thế, đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp nhỏ, kể cả doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn để chủ doanh nghiệp và người lao động thấy được sự ấm áp, quan tâm của tổ chức Công đoàn, từ đó có thay đổi trong nhận thức về vai trò của tổ chức Công đoàn. |
LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường phối hợp với chính quyền đồng cấp, chủ doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động chăm lo cho người lao động, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động; đồng thời, chủ động đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động, nhất là hoạt động chăm lo, đảm bảo phù hợp, thiết thực với từng đối tượng, từng loại hình Công đoàn và từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tránh đi theo lối mòn, khuôn mẫu. Các Cụm thi đua LĐLĐ Thành phố lựa chọn triển khai thí điểm các hoạt động tại từng đơn vị theo quý, tháng và có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn Cụm, đảm bảo thi đua vừa thực chất, vừa là động lực cho mỗi đơn vị. Xác định Thỏa ước lao động tập thể như một “bộ luật con” tại doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp, các cấp Công đoàn, đặc biệt là CĐCS sẽ đẩy mạnh thương lượng, ký kết và nâng cao chất lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động và cao hơn so với quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với chủ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ đẩy mạnh các giải pháp để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với quyết tâm không để khoảng trống, khoảng trắng Công đoàn ở khu vực này và sẽ đặc biệt chú trọng đến chất lượng hoạt động của các CĐCS mới thành lập để tránh tình trạng “to nhưng không khỏe, rộng nhưng không chắc, chỉ có hình thức mà không có thực chất”. Bên cạnh đó, bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, thực hiện chủ đề công tác năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam và thành phố Hà Nội. |
Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2023 là năm diễn ra Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có sự chuẩn bị như thế nào đối với sự kiện trọng đại này? Đồng chí Phạm Quang Thanh: Đại hội Công đoàn các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và của các cấp Công đoàn theo phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”. Đây cũng là đợt kiểm tra “sức khỏe” của các đơn vị trong hệ thống Công đoàn để nắm rõ thực trạng và có những giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng đó, từ rất sớm, LĐLĐ Thành phố đã ban hành Kế hoạch về tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; thành lập các Tổ công tác chỉ đạo Đại hội và các tiểu ban, bộ phận chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn cấp Thành phố; tổ chức Đại hội điểm để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền Đại hội Công đoàn các cấp nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong các cấp Công đoàn Thủ đô, cán bộ, đoàn viên, người lao động; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người sử dụng lao động và toàn xã hội để tổ chức thành công Đại hội và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp. Công tác cán bộ là khâu then chốt, quyết định sự thắng lợi của phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, hiểu rõ điều này, các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng xây dựng đề án nhân sự theo phương châm: Coi trọng chất lượng; đảm bảo tinh gọn; có cơ cấu hợp lý; có đủ năng lực, bản lĩnh đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự đúng với quy định của Đảng, tổ chức Công đoàn và phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị. |
Song song với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác cán bộ, các cấp Công đoàn từ Thành phố đến cơ sở cũng phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến để xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội đảm bảo ngắn gọn; sát thực tiễn và nhiệm vụ chủ yếu; đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023; nêu bật những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cùng cấp và phải dựa trên cơ sở phân tích, dự báo đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Từ sự chuẩn bị kỹ càng cho Đại hội Công đoàn các cấp cùng với đó là những tiền đề vững chắc đã được tạo dựng, chúng ta tin tưởng, Đại hội Công đoàn các cấp sẽ thành công tốt đẹp. Trong nhiệm kỳ mới, tập thể lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, đội ngũ cán bộ Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt để đưa hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ Thủ đô ngày càng phát triển, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh. Trân trọng cảm ơn đồng chí! |
Nội dung: Mai Quý
Trình bày: P.T