-->
Nằm cách Hà Nội khoảng 40 km, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế với lịch sử gần 400 năm. Chỉ cần dành một ngày khám phá làng nghề, du khách đã có thể tận mắt chứng kiến quy trình cho ra đời những sản phẩm độc đáo. |
Đến xã Phú Túc huyện Phú Xuyên trong những ngày tháng 7, tham quan làng nghề đan cỏ tế truyền thống, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất đan cỏ tế chúng tôi mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã của những sản phẩm độc đáo. Từ rổ, rá, tủ, bàn, ghế… cho đến nhưng khung ảnh, lọ hoa, con giống… với đủ màu sắc được tạo ra qua những đôi bàn tay lành nghề và điêu luyện của các nghệ nhân, khiến du khách không khỏi thích thú, tò mò. Những sản phẩm này không chỉ làm vật dụng trong gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê, mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ. Người dân xã Phú Túc cho biết, cây cỏ tế thường mọc ở các vùng núi cao, trung du miền núi phía Bắc, là loại cây thuộc họ dương xỉ. Cây có độ bền rất cao, lại mềm mại, dẻo dai, nên dễ cho việc tạo dáng. Gần 400 năm qua, cây cỏ tế đã trở lên rất quen thuộc với người dân xã Phú Túc. Nhờ có cây cỏ tế mà cuộc sống của người dân trong làng đã không ngừng phát triển đi lên. |
Trong cuốn Ngọc phả của làng Lưu Thượng (xã Phú Túc) lưu lại, tương tryền vào năm 1683, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về làng. Chính bà là người bỏ ra nhiều công sức, mày mò nghiên cứu các đặc tính của loại cây. Từ đó, đưa ra cách thức chế biến và biến cỏ tế thành nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất các đồ dùng thủ công hàng ngày, phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng thôn Lưu Thượng cho biết, trước đây, người dân trong làng tuyệt đối giữ bí quyết nghề, nhưng về sau chính do yêu cầu cấp bách cũng như quy luật của sự phát triển từ mô hình cá thể, sang tập thể mà điều này bị xóa bỏ, nghề được nhân rộng ra toàn xã. Tuy nhiên, riêng chuyện chẻ cây cỏ tế thì bí quyết vẫn được giữ. Đến nay, mặc dù nghề đã phát triển ra cả xã Phú Túc, nhưng chỉ những người dân có kinh nghiệm ở thôn Lưu Thượng mới có thể chẻ được loại cỏ này. Theo ông Viễn, nghề sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ cây cỏ tế chỉ thực sự phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô và chiều sâu bắt đầu từ những năm 1990, do yêu cầu cấp bách của phát triển nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Đến năm 1998, cây cỏ tế bắt đầu được dùng để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, thông qua việc cung cấp các sản phẩm cho Công ty xuất nhập khẩu Quảng Ninh và Công ty xuất nhập khẩu Mây tre Việt Nam. Bước đầu là nhận mẫu về làm với các sản phẩm thô và chủ yếu do những người có tuổi thực hiện, số người biết nghề chưa nhiều. Từ chỗ chưa thạo nghề đến việc lao động địa phương không đáp ứng được về số lượng cho các đơn đặt hàng, nên đã có nhiều lớp học nghề đan cỏ tế được mở ra. “Từ thành công và nhận thức được vai trò của nghề, không ít các học viên, không chỉ các xã khác, mà cả ở các huyện như Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa cũng tìm đến xin học”, ông Viễn chia sẻ. Giai đoạn những năm 1995 - 2000 là thời kỳ mà các sản phẩm hàng hóa từ cỏ tế có tốc độ phát triển nhanh và mạnh. Hàng hóa của Phú Túc được yêu thích và được sử dụng rất nhiều tại các nước như Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia Đông Âu. Giai đọan 2001 - 2008, nghề vẫn duy trì tốc độ phát triển, nhưng từ năm 2009, suy thoái kinh tế đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của địa phương do nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường giảm mạnh. Giai đoạn từ những năm 2015 đến nay, nghề phát triển mạnh. Mặt hàng cỏ tế, mây tre đan của Làng đã vươn tầm giá trị xuất khẩu ra thị trường các nước châu Âu, Trung Đông, châu Á… Trong sự phát triển của làng nghề, phải kể đến các nghệ nhân đã gắn bó, tạo nên thương hiệu cho cỏ tế Phú Túc, đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Ngài - nghệ nhân đan cỏ tế thuộc thế hệ đầu tiên của làng nghề những năm bắt đầu phát triển mạnh và xuất khẩu. Ông cũng là người đã từng mở nhiều lớp học ở trong thôn, xã, các huyện lân cận cho nhiều thế hệ làm nghề. Những năm 1995 - 2000 là thời kỳ hoàng kim của nghề đan cỏ tế, mỗi khi có những đơn hàng mẫu mã khó, Công ty Mây tre đan Việt Nam lại mời nghệ nhân Nguyễn Văn Ngài và những người thợ có bàn tay vàng trong làng ra thiết kế lại mẫu rồi dạy cho người dân địa phương. Nhờ khả năng nắm bắt được thị hiếu khách hàng, các sản phẩm trở nên đa dạng và phong phú hơn, nhiều sản phẩm trang trí, con giống đã ra đời. |
Bên cạnh đó còn có nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh, một nghệ nhân lành nghề của làng đã đứng ra thành lập Tổ hợp sản xuất Phú Thịnh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của làng nghề; ông Trần Văn Rồng - Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Mây tre đan Phú Thắng, là doanh nghiệp thường nhập về sản phẩm thô để sửa lại rồi xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia và các nước Trung Đông; ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn; bà Trần Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất khẩu Tinh Hoa Việt… |
Đến nay, sau gần 400 năm phát triển, Phú Túc có trên 1.000 mẫu sản phẩm chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo. Sản phẩm giá trị của của làng nghề Phú Túc hiện nay vẫn là từ cỏ tế, bởi người dân ở đây có bí quyết sơ chế nguyên liệu từ bao đời nay. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục, khi đó mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm, rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai, hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm. Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đã có. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có lao động làm nghề. Đặc điểm của nghề đan cỏ tế là mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể tham gia. Người già nhất vẫn còn làm nghề ở Phú Túc hiện đã ngót nghét trăm tuổi, còn trẻ nhất là những em bé mới lên 6, lên 7. Thu nhập từ nghề đan cỏ tế bình quân hiện nay với mức từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình. |
Năm 2022, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của xã Phú Túc đạt gần 600 tỉ đồng, trong đó có đóng góp không nhỏ từ nghề đan cỏ tế. Theo lãnh đạo xã Phú Túc cho biết, hiện xã đang phấn đấu đẩy mạnh nghề đan cỏ tế, nâng thu nhập bình quân của người dân toàn xã năm 2023 lên hơn 68 triệu/người/năm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Phú Túc Lê Xuân Vương cho biết, những năm qua, nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Xã Phú Túc hiện nay, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, các hộ dân đều có được cơ ngơi khang trang, tiện nghi. Cây cỏ tế cùng với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm, đang biến một vùng quê nghèo thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Điển hình như tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn, ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty, cho biết, Công ty chủ yếu thu mua sản phẩm thô của người dân để sản xuất lại thành hàng thủ công mỹ nghệ; doanh thu của Công ty từ năm 2004 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Hiện, Công ty của Phú Tuấn đang tạo việc làm cho 20 - 25 nhân công làm việc thường xuyên tại xưởng, cùng hàng nghìn lao động thời vụ trong xã và khu vực lân cận như huyện Mỹ Đức, tỉnh Hòa Bình, Hà Nam… Sản phẩm của Công ty xuất khẩu ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước ở châu Á… Là một trong những người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn, bà Trần Thị Thúy (người dân xã Phú Túc) cho biết, trước đây công việc chủ yếu của bà là làm nông, thu nhập bấp bênh. Những năm gần đây, khi các sản phẩm của làng nghề Phú Túc phát triển và mở rộng thị trường ra thế giới, bà cũng như nhiều người lao động trong xã đã có thêm việc làm để phát triển kinh tế. “Mỗi tháng làm việc ở đây, thu nhập của người lao động chúng tôi cũng từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, bên cạnh đó chúng tôi vẫn có thể tranh thủ làm nông nghiệp. Nhờ sự phát triển của làng nghề, mà đời sống người dân chúng tôi cũng được nâng lên”, bà Trần Thị Thúy cho biết. Được biết, trong những năm gần đây, Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - UBND xã Phú Túc đã xác định rõ, một trong những mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn, sang hướng phi nông nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nghề có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội. Đây là giải pháp quan trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp, nông thôn. |
Việc phát triển làng nghề cỏ tế đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân tạo công ăn việc làm cho lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Sự lan tỏa của làng nghề đã mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác. Qua đó, góp phần làm tăng tỉ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và giảm tỉ trong ngành nông nghiệp. Năm 2021 - 2022, khi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề cỏ tế Phú Túc đã được thành phố Hà Nội công nhận 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Trong những năm gần đây, làng nghề đan cỏ tế truyền thống xã Phú Túc là một trong những địa phương có ngành nghề phát triển. Đặc biệt là đã giải quyết việc làm cho nhiều người trong và ngoài độ tuổi lao động; thu hút một số nguồn lao động dư thừa của các địa phương lân cận. Mang lại thu nhập kinh tế ổn định cho người lao động và làm giàu cho địa phương. Với những kết quả đã đạt được, xã Phú Túc cũng đã xây dựng các phương án, kế hoạch phát triển làng nghề bền vững. Trong đó, chấp hành pháp luật về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; đầu tư khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn; mở lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin để các hộ sản xuất tiếp cận thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất… |
Nội dung: Kim Tiến - Đồ họa: Đức Hà - Clip: Minh Phương |