-->
|
Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà hướng tới việc cải thiện, nâng cao đời sống cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động, nhiều năm qua, Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (gọi tắt là Quỹ Trợ vốn) đã thực sự trở thành điểm tựa tin cậy, mang lại cơ hội thoát nghèo cho hàng chục ngàn công nhân viên chức lao động thông qua việc cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động vay vốn với thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng. |
Tìm đến trang trại của chị Nguyễn Thị Vân (giáo viên trường mầm non Trần Phú, huyện Chương Mỹ) trong những ngày đầu tháng 10, tiếp đón chúng tôi là một người phụ nữ tháo vát đang dọn dẹp chuồng trại. Ấn tượng với vườn tược rộng lớn, gà, vịt khỏe mạnh, chị Vân tự hào giới thiệu cho chúng tôi về mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng kết hợp mà gia đình đang có. Chị Vân cho biết đó là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của Quỹ Trợ vốn Công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô. Vốn là giáo viên mầm non nhiều năm nhưng kinh tế gia đình chị Vân vẫn eo hẹp khi phải nuôi 3 con nhỏ, công việc của chồng chị lại không ổn định khiến kinh tế gia đình luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, thoát khổ, chị Vân đã quyết định tận dụng đất của gia đình để lại, vay mượn thêm tiền để xây dựng chuồng trại. Đã có cơ sở vật chất nhưng cũng vừa lúc hết tiền để gây dựng con giống, chị Vân lại thêm một lần nữa trăn trở. Đang loay hoay bài toán kinh tế tìm cách giải quyết để đưa chuồng trại sớm đi vào hoạt động, năm 2019, chị Vân mừng rơi nước mắt khi thông qua hướng dẫn của Công đoàn Trường mầm non Trần Phú, chị đã được Quỹ Trợ vốn Công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình cho vay 20 triệu đồng để phát triển mô hình kinh tế. Tận dụng nguồn vốn vay lúc đó, chị đã mua con giống cây trồng, gà, vịt và cá. Chỉ trong thời gian ngắn, mô hình chuồng trại nhà chị đã được mở rộng với 60-70 gốc bưởi, mỗi lứa chị chăn 800-1000 con gà. Nhờ đó mỗi năm gia đình chị có thêm thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng/năm. |
|
Cách nhà chị Vân không xa, gia đình chị Nông Thị Thiên (giáo viên trường mầm non Lam Điền, huyện Chương Mỹ) cũng rất phấn khởi với cửa hàng gas khang trang và ngày càng có nhiều khách. Được vay 20 triệu từ quỹ Trợ vốn Công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô, gia đình chị Thiên đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn xưa khi thu nhập tăng từ 4-5 triệu đồng/tháng, việc cho con đi học cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Trước đây gia đình tôi có nhiều khó khăn, chồng làm công việc tự do thu nhập không ổn định, do đó vợ chồng tôi quyết chí bắt tay vào làm ăn. Sau khi vay mượn nhiều nơi nhưng chưa đủ, gia đình tôi phải lo lắng nếu vay ngân hàng lãi suất sẽ cao không có điều kiện trả hết. Năm 2019, sau khi biết đến Quỹ trợ vốn cho đoàn viên công đoàn vay để phát triển kinh tế tôi đã chớp cơ hội làm thủ tục vay với quyết tâm mở cửa hàng buôn bán. Việc thủ tục vay rất nhanh gọn đã tạo điều kiện gia đình có vốn sớm để nhập bình gas về bán. Đến nay cửa hàng đã gas đã hoạt động ổn định. Trong thời gian tới gia đình tôi dự định mở rộng quy mô bán thêm cả nước và sơn nữa”, chị Nông Thị Thiên bộc bạch. Cũng là một đoàn viên tiêu biểu khi tận dụng được nguồn vốn vay trở thành “triệu phú” ngay trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Đăng Hoài (sinh năm 1985, thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) hiện đang là chủ của một trang trại rộng khoảng 4000 mét vuông. Anh Hoài tâm sự, trước khi có được cơ ngơi này, anh đã phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, vất vả. Sinh ra trong một mái nhà có 2 anh em trai, bố mẹ đều làm nông, gia đình anh Hoài gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Năm 21 tuổi, sau khi học hết một trường đào tạo nghề, anh Hoài trở thành công nhân cơ khí tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Phố Nỉ. Khi vừa tròn tuổi 23, anh Hoài lập gia đình riêng. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai vợ chồng trẻ. Giữa lúc khó khăn chồng chất, anh Hoài nghỉ làm công nhân, xin làm bảo vệ tại Trường Mầm non Đức Hòa cách nhà không xa. Sau khi nghiên cứu các cách phát triển kinh tế, anh quyết định vay mượn hơn 200 triệu để quy hoạch lại đất, xây dựng lán trại, đào ao. Số tiền đầu tư lớn, xây dựng cơ sở vật chất xong cũng là lúc anh Hoài không còn tiền để mua con giống. Thông qua hướng dẫn của Công đoàn Trường mầm non Đức Hòa, anh đã được Quỹ Trợ vốn Công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình cho vay 20 triệu đồng để phát triển mô hình kinh tế. |
“Năm 2015 Công đoàn trường có hơn 20 suất vay vốn. Vào thời điểm đó nguồn vốn như là chiếc phao cứu sinh của tôi. Với khoản vay này tôi chỉ phải trả lãi suất theo mức Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm trong vòng 16 -18 tháng, thủ tục vay nhanh gọn, tiền trao trực tiếp người vay. Số vốn 20 triệu tuy không nhiều nhưng trong thời gian đầu cũng đủ để tôi “bắt” gà, lợn về nuôi”, anh Hoài chia sẻ. Sau một thời gian dài mày mò học hỏi kinh nghiệm và sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả, từ những năm 2019 trang trại của anh Nguyễn Đăng Hoài đã ngày càng được mở rộng quy mô. Trong đó, chủ yếu nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả. Tổng đàn giai đoạn cao điểm gồm 4 con bò, hàng trăm con gà lai và lợn. Nhìn thành quả anh Hoài gặt hái được, ít ai ngờ rằng, người đàn ông có sắc vóc nhỏ bé này lại là một đoàn viên tiêu biểu của Công đoàn Trường Mầm non Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) và tạo cảm hứng cho nhiều đoàn viên khác vươn lên làm giàu. Nói về ý nghĩa là chỗ dựa cho đoàn viên làm giàu của Quỹ trợ vốn, anh Hoài xúc động: “Quỹ Trợ vốn thực sự là điểm tựa giúp những đoàn viên, Công nhân viên chức lao động còn khó khăn về kinh tế như chúng tôi vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Không có nguồn vốn này, có lẽ gia đình tôi vẫn còn loay hoay giải bài toán cơm áo gạo tiền thiếu trước hụt sau. Nếu nguồn vốn được giải ngân phù hợp, đúng mục đích sử dụng của người cần vốn sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn, đoàn viên cũng tránh tiếp xúc với nguồn vốn không chính thống hay tín dụng đen”. |
|
Tại Trường mầm non Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) hôm có đoàn Quỹ trợ vốn đến giải ngân (1/10/2020) đầy ắp tiếng cười khi 16 giáo viên, đoàn viên công đoàn trường được nhận vốn làm ăn, phát triển chăn nuôi. Cẩn thận đếm lại những đồng vốn vay, chị Nguyễn Thị Tấn xúc động nói: “Trong thời gian qua cuộc sống của gia đình có nhiều khó khăn. Được vay quỹ để phát triển kinh tế, ai nấy đều phấn khởi vì khỏi phải vay nóng bên ngoài. Bên cạnh đó, quỹ giải ngân nhanh và đến tận nơi giải ngân cũng làm cho chúng tôi cũng yên tâm công tác hơn nhiều...”. Theo bà Nguyễn Thị Sáo Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Đồng Lạc, năm 2020, trường đã nộp hồ sơ cho 16 giáo viên, đoàn viên trong trường. Trong đó 15 đoàn viên đã được giải ngân 30 triệu để phát triển kinh tế, 1 đoàn viên vay 40 triệu để tiến hành sang sửa nhà cửa. Ai nấy đều hạnh phúc và trông chờ vào việc xử lý hiệu quả đồng vốn được vay. Vui mừng, phấn khởi khi được vay vốn của tổ chức Công đoàn để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống là tâm trạng của đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động nghèo ở Thủ đô. Ông Nguyễn Mạnh Cường- Giám đốc Quỹ Trợ vốn cho biết, Quỹ Trợ vốn được thành lập ngày 24/6/2008, là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố. Hoạt động của Quỹ Trợ vốn không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm hỗ trợ, giúp đỡ công nhân viên chức nghèo có điều kiện tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo ra việc làm mới, tăng thu nhập chính đáng bằng công sức và năng lực của bản thân, góp phần tham gia phát triển kinh tế đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác, tương trợ giữa những công nhân viên chức lao động cùng hoạt động trong phạm vi nghề nghiệp, địa bàn sinh sống, hoàn cảnh xã hội. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, trong hơn mười năm qua, Quỹ đã giải ngân trên 300 tỷ đồng cho trên 30000 lượt đoàn viên, công nhân viên chức lao động vay vốn. Riêng năm 2020, tính đến hết tháng 9, Quỹ Trợ vốn đã giải ngân 48 tỷ 200 triệu đồng 43 tỷ 950 triệu đồng (số tiền giải ngân tăng 47,76% so cùng kỳ 2019 và đạt 90,1% kế hoạch) giải quyết cho 2.181 đoàn viên, CNVCLĐ thuộc 110 CĐCS và 26 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vay vốn. Trong đó, có 1.326 người vay 28 tỷ 210 triệu đồng để sản xuất kinh doanh cải thiện thu nhập. Ngoài ra, công nhân viên chức lao động còn vay vốn để mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa, cải tạo nhà nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Quỹ đã giải ngân 300 triệu đồng cho 10 người vay học nghề, từ đó sẽ có cơ hội tạo việc làm ổn định, lâu dài. Bên cạnh công tác cho vay vốn, từ khi thành lập đến nay, Quỹ Trợ vốn còn triển khai hoạt động đầy tính nhân văn, hướng về cộng đồng là thực hiện tiết kiệm bắt buộc, qua đó giúp người vay nâng cao ý thức tiết kiệm cho bản thân và có trách nhiệm với đồng vốn được vay, hơn thế còn giúp đoàn viên, người lao động cùng góp sức để có thêm nhiều người khó khăn như mình sẽ được vay vốn. |
Theo quy định của Quỹ, mọi thành viên tham gia vay vốn đều phải tham gia sản phẩm tiết kiệm bắt buộc với mức 1% trên tổng số vốn vay. Số tiền tiết kiệm này được hoàn trả cho người vay khi thanh lý hợp đồng. Đây cũng chính là điều kiện vật chất cần thiết để quỹ thực hiện sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng như hỗ trợ học bổng cho con các thành viên vay vốn vượt khó học giỏi, hỗ trợ người vay không may gặp rủi ro và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hoặc tổ chức tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình. Vì mục đích và ý nghĩa nhân văn như trên, 100% các thành viên vay vốn đã tích cực tham gia sản phẩm này. Từ nguồn tiết kiệm bắt buộc này, hàng năm Quỹ Trợ vốn đều tổ chức ít nhất 2 đợt trao sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng cho người vay. Theo báo cáo của Quỹ, 9 tháng đầu năm 2020, tổng thu tiền tiết kiệm bắt buộc của Quỹ là 5 tỷ 962 triệu đồng (tăng 22,57% so cùng kỳ 2019); tổng chi tiền tiết kiệm bắt buộc là 4 tỷ 687 triệu đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Quỹ đã trao hỗ trợ 15 người vay vốn với tổng số tiền 15 triệu đồng, tặng quà Tháng Công nhân 2020 và hỗ trợ người vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 54 suất, tổng số tiền 40 triệu đồng. Đồng thời,Quỹ đã trao sản phẩm hỗ trợ phát triển cộng đồng đợt 1 năm 2020 cho 92 con đoàn viên, công nhân viên chức lao động vượt khó học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập với tổng số tiền 46,1 triệu đồng. Tổng số tiền hỗ trợ khó khăn, hỗ trợ Tết Nguyên đán, hỗ trợ Tháng Công nhân, hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng dịch Covid-19, hỗ trợ con đoàn viên: 115,1 triệu đồng (tăng 43,9% so cùng kỳ năm 2019). |
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng trăn trở: công tác kiểm tra sau vay vốn đã được tăng cường, tuy nhiên số đơn vị và cá nhân vay vốn được kiểm tra còn thấp so với số lượng người vay vốn có dự nợ với Quỹ Trợ vốn. Đối tượng vay vốn là công nhân lao động chưa nhiều; đoàn viên, công nhân viên chức lao động thuộc một số Công đoàn ngành chưa tham gia vay vốn với Quỹ Trợ vốn. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục tồn tại hạn chế từ nay đến cuối năm 2020, Quỹ sẽ tiếp tục triển khai hoạt động cho vay, đặc biệt ưu tiên xét duyệt đối tượng công nhân viên chức lao động vay vốn với mục đích để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt tăng thêm thu nhập, tạo nhiều việc làm; quan tâm, tạo mọi điều kiện để đoàn viên, công nhân viên chức lao động thuộc khối Công đoàn ngành vay vốn từ Quỹ trợ vốn để tạo việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. Quỹ sẽ đẩy mạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên của Quỹ tại cơ sở; tổ chức hội nghị tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm và thăm một số mô hình kinh tế có hiệu quả của đoàn viên, công nhân viên đang vay vốn từ Quỹ Trợ vốn đồng thời tăng cường khâu thẩm định, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, thực hiện tốt hợp đồng vay vốn đã ký để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ nợ xấu, nợ quá hạn từ đó thực hiện hiệu quả hơn nữa mục tiêu chăm lo, giúp đoàn viên, công nhân viên chức lao động có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nội dung: Phạm Diệp – Phương Ngân Ảnh: Phương Ngân Đồ họa – Thiết kế: Quốc Đại |
1