-->
Trường học hạnh phúc là ngôi trường mơ ước mà ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau. Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thay đổi để xây dựng nên những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc đích thực không hề đơn giản, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh phải nỗ lực không ngừng với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. |
Cụm từ Trường học hạnh phúc không còn xa lạ với nhiều thầy cô giáo và học sinh. Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình Trường học hạnh phúc bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều nhà trường khi ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc”. Đến nay việc xây dựng Trường học hạnh phúc đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Ghi nhận tại Trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa), cô giáo Phan Thị Thục Hạnh (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, được thành lập từ năm 1988, Trường THCS Phương Mai là ngôi trường lâu năm, có truyền thống của ngành Giáo dục quận Đống Đa nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Trải qua nhiều năm trưởng thành và phát triển, các thế hệ thầy cô giáo đã kế tiếp nhau xây dựng nhà trường… Chia sẻ về hành trình xây dựng nhà trường trở thành ngôi trường hạnh phúc - nơi “ươm mầm” những tài năng, theo cô giáo Phan Thị Thục Hạnh, khác với cấp Tiểu học, cấp THCS, học sinh ở độ tuổi chập chững trưởng thành. Tiếp cận với các em trong giai đoạn này thực sự không hề dễ dàng. Vì vậy mà ngoài góc học tập, thì một không gian “riêng” là điều cần thiết đối với các em. Và Phòng tư vấn tâm lý học đường của nhà trường ra đời từ lý do đó. |
“Một nguyên tắc được nhà trường đặt ra với căn phòng “đặc biệt” này là “Lắng nghe - Tôn trọng - Thấu hiểu - Tin tưởng”. Các giáo viên phụ trách được nhà trường cử đi tập huấn, học tập để trang bị đủ kiến thức giúp học sinh vượt qua những vấn đề tâm lý học đường”, cô giáo Phan Thị Thục Hạnh thông tin. Cùng đó, việc kiến tạo không gian hạnh phúc cũng đặc biệt được chú trọng. Cảnh quan sân trường luôn sạch, đẹp với rất nhiều cây xanh. Học sinh có khu thực hành bóng rổ, cầu lông. Lớp học sạch sẽ, thoáng mát, được trang bị đầy đủ ánh sáng và thiết bị dạy học. Ở mỗi lớp học, nhà trường quan tâm đến việc trang trí cây xanh, tranh vẽ. Đặc biệt, khối lớp song ngữ Anh - Nhật và lớp năng khiếu Anh với những bức tường tranh vẽ nhiều màu sắc biểu trưng cho ngôn ngữ quốc gia mà học sinh được học đã làm không gian lớp học trở nên gần gũi, thân thương, đồng thời làm tăng lên tinh thần sáng tạo, khám phá thế giới của các em... Hay như tại Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy), từ năm 2014, nhà trường đã thực hiện Chương trình Thầy cô chúng ta thay đổi. Các thầy cô đã thay đổi về cách nhìn học sinh, thay đổi nhìn nhận vai trò của mình không chỉ là người dạy kiến thức mà phải là nhà tâm lý, nhà giáo dục, phải trở thành người mẹ thứ hai thay mặt cho gia đình, xã hội giáo dục từng học sinh thay đổi. Thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng cho học sinh. Từ thay đổi của các thầy cô giáo, tạo ra nguồn cảm hứng và tạo ra sức mạnh làm cho học sinh thay đổi. Các thầy cô giáo của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ trở thành nhà tâm lý giáo dục, trở thành người truyền cảm hứng và gánh trách nhiệm nặng nề là giúp cho mỗi trò đều tiến bộ. |
Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng việc tạo ra một môi trường mà ở đó học sinh, giáo viên và cán bộ, nhân viên đều cảm thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng, hợp tác, được hiểu và có giá trị. Đặc biệt, ở ngôi trường này, học sinh được chấp nhận sự khác biệt, được chú trọng và khuyến khích sáng tạo, được tôn trọng từng tiến bộ nhỏ mỗi ngày. Các thầy cô giáo dạy học cũng là thực hiện nếp sống văn hóa, thực hiện cách ứng xử giữa con người với con người ở thời đại mới, quan tâm đến cảm xúc của học sinh, tôn trọng học sinh, đặc biệt là tôn trọng sự khác biệt của học sinh. Tương tự, tại Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy), sự yêu thương luôn luôn hiện hữu. Thầy cô coi học sinh như những người thân yêu trong gia đình, quan tâm, dạy dỗ, chăm sóc. Thầy cô không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn đồng hành, sẻ chia, chỉ bảo mọi điều. Những khó khăn học sinh gặp phải trong học tập và cuộc sống; những bỡ ngỡ, dại khờ ở độ tuổi mới lớn; những vướng mắc trong các mối quan hệ bạn bè và gia đình; những mục tiêu giản dị và cả những khát vọng lớn lao… thầy cô luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng thấu hiểu. Và các học sinh cũng luôn dành cho thầy cô tình cảm yêu quý, kính trọng, coi thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Ý thức tự quản tốt, đoàn kết cùng nhau thực hiện những quy định của trường học; tổ chức những chương trình tri ân thầy cô nhân dịp 20/10, 20/11, 8/3 vừa ấm áp vừa trang trọng; ghi danh những bảng vàng thành tích cấp Cụm, Quận, Thành phố, Quốc gia và Quốc tế… - đó chính là những yêu thương và sự tri ân sâu sắc mà các học sinh dành tặng thầy cô. |
Không chỉ vậy, ở Nguyễn Siêu, mọi giáo viên luôn tâm niệm xây dựng lớp học thành gia đình thứ hai. Đồng nghiệp yêu thương, chia ngọt sẻ bùi, hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn, chủ nhiệm, thăm hỏi ốm đau, việc hiếu hỉ... Yêu thương còn được thể hiện ở sự gắn kết giữa cha mẹ học sinh ở nhà và cha mẹ ở trường hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện. Cũng ở Nguyễn Siêu, sự an toàn của học sinh luôn được bảo vệ ở mọi không gian, thời gian: Lớp học, phòng thực hành, thí nghiệm, các hoạt động học tập trong và ngoài nhà trường, thời gian từ khi học sinh đến trường đến lúc ra về, nhất là những bữa ăn trưa tại trường… “Một lớp học hạnh phúc là nơi mà học sinh luôn cảm thấy có tình yêu thương từ thầy cô và các bạn trong lớp, cảm thấy được thấu hiểu và tin tưởng, được bộc lộ quan điểm, cảm xúc của mình và phải được tôn trọng. Và “tôn trọng” cũng là một giá trị luôn được đề cao ở Nguyễn Siêu. Mỗi lớp học tự thảo luận và thống nhất xây dựng một Thỏa ước tập thể của lớp mình dựa trên những quy định chung của nhà trường. Thỏa ước này được đề ra thể hiện sự đoàn kết nhất trí và đồng thuận cao độ các học sinh. Đặc biệt, việc đưa cuốn Sổ tay học sinh vào sử dụng đã trở thành công cụ hiệu quả nhằm rèn luyện kỉ luật tự thân cho mỗi học sinh một cách tự giác, hiệu quả. |
Hạnh phúc đến từ những điều thật giản đơn, nhưng không dễ gì đạt được những điều đó. Quan điểm về lớp học hạnh phúc của mỗi giáo viên và học sinh là khác nhau, nhưng tựu chung lại, lớp học đó phải tạo được cảm giác thoải mái cả về thể chất và tinh thần cho học sinh và giáo viên, giúp cho học sinh có thể tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất, để học sinh “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui””, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu Phạm Thị Mỹ Linh bày tỏ. |
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày. Ngoài ra, Trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh. Trường học hạnh phúc là nơi bên cạnh việc lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Thông tin tại Tọa đàm Trường học hạnh phúc - Happy Lof Schools tại Việt Nam vừa được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Quỹ Happy Lof Schools tổ chức, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh (Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, Trường học hạnh phúc là một khái niệm rất được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Sự hiểu biết một cách hệ thống, toàn diện các thành tố tạo ra nhà trường hạnh phúc là vấn đề được các nhà giáo dục, nhà quản lý, phụ huynh, học sinh quan tâm. Trường học hạnh phúc là nơi sẽ tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân học sinh, là nơi ngập tràn yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, phát huy trí tuệ của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi em học sinh. Vì vậy, với mỗi trường cũng sẽ có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những “mẫu số chung”. Xây dựng một chương trình giáo dục hướng đến Trường học hạnh phúc tại Việt Nam một cách khoa học, hiện đại, được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới là một vấn đề được ưu tiên. |
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) nêu quan điểm, không có học sinh hư. Thầy cô giáo, nhà trường phải có niềm tin vào học trò. “Xây dựng Trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ của con người, sự phát triển của bản thân thầy cô giáo, học trò; mà ở đó Hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa (Người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm), Trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm, cũng không phải là một mô hình. Đây là khái niệm hàm ý đến cách thức vận hành một trường học để thực hiện được mục tiêu giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh. “Trường học hạnh phúc không phải là một mô hình, bởi nếu là mô hình thì không có độ mở, xây dựng theo mô hình sẽ khó khăn đối với những trường học ở mọi vùng miền khác nhau. Trường học hạnh phúc có được khi ta thay đổi các vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. Trường học hạnh phúc là bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa bày tỏ. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên đều cảm thấy an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và được có giá trị. Trường học hạnh phúc là cách vận hành nhà trường, nơi học sinh cảm nhận được hạnh phúc và trở thành động lực nội tại để học sinh hứng thú học tập, sáng tạo. Làm sao để mỗi trò đều tiến bộ và nên người. |
Trao đổi 5 bước xây dựng Trường học hạnh phúc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Thứ nhất, nhận ra, xác định sứ mệnh, mục tiêu và phương châm giáo dục học sinh. Thứ hai, nhận ra và lựa chọn con đường giáo dục mình theo đuổi - con đường xây dựng Trường học hạnh phúc. Thứ ba, thấu hiểu bản thân, điều chỉnh và thay đổi bản thân các nhà quản lý/lãnh đạo trường học và các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Thứ tư, xác định và trang bị các nhóm năng lực, kỹ năng, bí kíp cần có ở giáo viên, cán bộ nhân viên để xây dựng Trường học hạnh phúc để hiện thực hóa mục tiêu, sứ mệnh giáo dục đã chọn. Thứ năm, đánh giá, lượng giá và cập nhật quá trình, cách làm, đồng thời thúc đẩy, điều chỉnh kịp thời/khi cần thiết. Có thể khẳng định, việc xây dựng Trường học hạnh phúc là một chặng đường dài, không có điểm dừng, đòi hỏi sự thay đổi về thái độ và hành động của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Mỗi sự thay đổi, một tín hiệu mừng, góp phần tạo ra môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ. Đây được xem là đích đến của toàn ngành Giáo dục. Bởi suy cho cùng, giáo dục chỉ thật sự thành công khi đào tạo ra những công dân hạnh phúc. |
Nội dung: Phạm Thảo | Đồ họa: Đức Hà |