-->
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với trung bình hơn 10.000 mô hình được đăng ký thực hiện mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. |
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng. Đưa “Dân vận khéo” trở thành một phong trào thi đua sâu rộng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Hà Nội, trở thành một nét đặc sắc trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô. Trong những năm qua, trung bình mỗi năm toàn thành phố có hơn 10.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai từ cấp Thành phố đến cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự thấm sâu, lan tỏa, được triển khai gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, tại những thời điểm cam go, thử thách, trong việc triển khai các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã chứng minh được hiệu quả rõ nét trong vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thành phố. |
Kể từ khi đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đến nay, sau 15 năm, huyện Gia Lâm ghi dấu ấn với 3.845 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 2.261 mô hình tập thể, 1.584 mô hình cá nhân. Các mô hình được xây dựng trên 4 lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Với 589 mô hình tập thể, 433 mô hình cá nhân được xây dựng, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong công tác “dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển du lịch… thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sự tham gia tích cực của nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao động, xây dựng nông thôn mới,… làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 600 hộ dân tham gia hiến trên 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, với tổng số tiền đóng góp được trên 398 tỷ đồng làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kênh mương; đóng góp trên 18.338 ngày công lao động. Một số mô hình hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, phát huy hiệu quả kinh tế như: Mô hình “Nông dân Gia Lâm thi đua thực hiện “3 nhóm mô hình, 10 phần việc” góp phần phát triển kinh tế - xã hội” của Hội Nông dân huyện Gia Lâm; Mô hình “Phát huy vai trò mô hình kinh tế tập thể” của Hợp tác xã Chử tâm - xã Văn Đức, Mô hình “Dân vận khéo trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng nhà tư nhân trên địa bàn xã” của UBND xã Văn Đức, Mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi trồng lúa, ngô sang trồng hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao” của xã Trung Mầu, vận động chuyển đổi 64,23ha diện tích đất trồng lúa sang trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha… |
Phong trào “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có tác dụng tích cực trong đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước, tạo bước chuyển biến mới, thiết thực, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với 1.121 mô hình tập thể, 661 mô hình cá nhân được đăng ký, triển khai tại các địa phương, đơn vị đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; cải tiến, nâng cao chất lượng dạy, học trong các nhà trường; giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường; xây dựng, vận động các quỹ,… Tại quận Tây Hồ, trong 15 năm qua (2009 - 2024) toàn quận đã đăng ký và thực hiện có hiệu quả 1.821 mô hình, 1.416 điển hình “Dân vận khéo”, trong đó cấp Thành phố: 32 mô hình, 46 điển hình; cấp quận: 688 mô hình, 582 điển hình; cấp cơ sở: 1.119 mô hình, 813 điển hình. Nội dung các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đều được các đơn vị cơ sở lựa chọn, đăng ký tập trung vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, mang tính thời sự, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Mỗi mô hình, điển hình khi đăng ký cơ bản đã xác định rõ các tiêu chí cần đạt được, cách thức, biện pháp, thời gian tổ chức thực hiện; các thành viên của Khối Dân vận, Tổ Dân vận tổ dân phố, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên chính là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng mô hình, điển hình tại cơ sở... |
Tại quận Bắc Từ Liêm, từ năm 2014 đến nay, toàn quận đã có 6.977 mô hình đăng ký “Dân vận khéo”. Quận ủy đã công nhận 885 tập thể, 748 cá nhân; đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy khen thưởng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho 9 tập thể. Trong năm 2024, toàn quận có 549 mô hình được đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 7 tỷ đồng, hơn 3.000 ngày công. Từ việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát hiện, nhân rộng nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình cách làm hay, sáng tạo như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng; chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao; xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trong tổ dân phố; cải tạo, lắp đặt trang thiết bị tại điểm vui chơi sinh hoạt cộng đồng; thực hiện các bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và nơi làm việc, tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ công chức… |
Nhìn một cách toàn diện, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” khi được triển khai, tổ chức thực hiện đã được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá khá tốt, đã phát huy tác dụng lan tỏa, tạo giá trị sống tích cực, nhân văn, sự đồng thuận cao trong cộng đồng; nhiều mô hình đã phản ánh kịp thời giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giải quyết hiệu quả những những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng phường văn hóa, phường đạt chuẩn đô thị văn minh…, đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và sự phát triển chung của địa phương. Từ thực tế việc triển khai các mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình “Dân vận khéo”. Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi, là một trong những điển hình “Dân vận khéo” năm 2024 của quận Tây Hồ.
|
Nhận thấy việc lấn chiếm đất thuộc vùng 1 tại cụm di tích chùa Mật Dụng và Đình Đông Xã thuộc địa bàn Tổ dân phố số 6 và 7 phường Bưởi để kinh doanh, làm nhà ở của 8 hộ dân là việc đã tồn tại từ lâu, ý kiến cử tri đã kiến nghị từ nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi Nguyễn Thị Ánh Ngọc xác định việc tuyên truyền, vận động các hộ dân trả lại mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Mật Dụng là nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo giải quyết thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trên địa bàn phường. Bí thư Đảng ủy phường đã chỉ đạo thành lập tổ công tác do đồng chí là Tổ trưởng để trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng. Tổ công tác đã nhiều lần làm việc, trực tiếp gặp gỡ, vận động, thuyết phục từng hộ dân nhưng các hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Bí thư Đảng ủy phường trực tiếp gặp gỡ riêng từng hộ dân để làm công tác tư tưởng, phân tích các quy định của pháp luật về đất đai, tầm quan trọng của công tác tôn giáo, di tích, nhu cầu tâm linh của người dân cho các hộ dân hiểu. Sau nhiều lần gặp gỡ, kiên trì thuyết phục, vận động, đồng chí Bí thư Đảng ủy phường đã thuyết phục được các hộ đồng thuận bàn giao mặt bằng cho UBND phường để thực hiện dự án tu bổ tôn tạo quần thể di tích chùa Mật Dụng, đình Đông Xã theo quy định. |
Ông Đỗ Văn Thái, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Bưởi cũng là một trong những nhân tố tích cực, sẵn sàng lăn xả, dấn thân để giải quyết những “việc khó”. Ông Đỗ Văn Thái đã tích cực tuyên truyền, vận động, hòa giải việc tranh chấp đất đai tồn tại qua nhiều năm tại ngõ 370 Thụy Khuê. Qua việc hòa giải trong tranh chấp đất đai đã giúp giải quyết từ gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng, từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ở lĩnh vực khác, ông Lê Huy Hưng - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 14, phường Phú Thượng xác định rõ vai trò gương mẫu đi đầu, trong giai đoạn Hà Nội gồng mình chống dịch Covid-19, tại Tổ dân phố, công tác ủng hộ rồi gửi thư kêu gọi của mặt trận tổ quốc phường luôn được truyền tải đến từng gia đình. Nhờ công tác dân vận khéo và thông tin phương pháp ủng hộ thông qua tài khoản của khu dân cư, hàng ngày thông tin cụ thể về số liệu và người ủng hộ đã được thông tin công khai trên hệ thống. Nhờ đội ngũ cán bộ dân vận khéo, nhân dân đồng lòng, cách làm sáng tạo áp dụng 4.0 mà chỉ trong thời gian ngắn Quỹ vận động ủng hộ đạt rất cao ở một khu dân cư có số hộ dân khiêm tốn. Tại hội nghị tiếp nhận ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống đại dịch đợt một, ngày 16/6/2021, ông Lê Huy Hưng đã trao tặng 170 triệu đồng. |
Với mục đích tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ Thành phố về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói chung, Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” thành phố Hà Nội. Hội thi thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội nói chung. Thông qua Hội thi, những câu chuyện thực tiễn ở cơ sở được các đội thi sân khấu hóa để lại dấu ấn cho khán giả khi công tác dân vận được gắn liền với thực tiễn và mang hơi thở cuộc sống. |
Năm 2024, trải qua hàng trăm hội thi sơ khảo, chung khảo từ cơ sở, đã có 35 đội thi xuất sắc nhất, đại diện cho các địa phương, đơn vị được lựa chọn tham dự vòng Sơ khảo Hội thi “Dân vận khéo” cấp Thành phố năm 2024. 35 đội thi được chia làm 6 cụm thi vòng Sơ khảo. Qua những phần thi sáng tạo, đầu tư công phu, Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn 6 đội thi xuất sắc nhất tiếp tục vào Chung khảo. Tại vòng Chung khảo, Ban tổ chức đã trao giải Xuất sắc cho đội thi của Công an thành phố Hà Nội; giải Nhất cho đội thi quận Đống Đa; hai giải Nhì cho đội thi quận Tây Hồ và huyện Đông Anh; hai giải Ba cho đội thi huyện Phúc Thọ và Phú Xuyên. Từ những nội dung mà các đội thể hiện trên sân khấu sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, công tác vận động quần chúng; tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là những chủ trương của Đảng về công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát hiện và nhân rộng những điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị và Thành phố. |
Chia sẻ về công tác dân vận, bà Trương Thị Kim Oanh, thành viên đội thi dân vận khéo huyện Ba Vì cho biết người cán bộ dân vận trước hết phải có lòng nhiệt tình, sự hiểu biết về các quy định của pháp luật, phải có sự chan hòa gần gũi với nhân dân, nhất là đối với bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ dân vận phải có sự am hiểu về phong tục tập quán của bà con từ đó có sự đồng cảm như vậy mới có thể nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Cùng chung quan điểm, ông Trần Huy Đoạt, thành viên đội thi dân vận khéo quận Long Biên chia sẻ: “Người làm công tác dân vận phải thực hiện đúng theo tinh thần, chủ trương, phương châm của Bác “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Công việc này đòi hỏi người cán bộ làm công tác dân vận phải nhanh nhạy, sâu sát nhân dân, thường xuyên quan tâm đến những diễn biến tốt, xấu nảy sinh trong đời sống xã hội. Qua đó có hình thức, phương pháp, cách thức vận động từng đối tượng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả trong công tác vận động nhân dân. Thông qua đó nhằm ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Cán bộ làm công tác dân vận cần có kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu những kiến nghị của quần chúng nhân dân. Thông qua sự sâu sát, cảm thông, chia sẻ, cán bộ nghe phản ánh những kiến nghị, đề xuất bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân để có phương án phối hợp giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý”. |
---------------------------- Nội dung: Nguyễn Hoa - Thiết kế: P.Thắng |