-->
Multimedia
26/02/2021 17:19
Dấu ấn của những “Tổ Covid-19 cộng đồng”

26/02/2021 17:19

Việc phát hiện các chùm ca bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2 liên quan đến các ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh đã đặt Hà Nội vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, các tổ Covid-19 cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân
Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Tối ngày 30/1 là một buổi tối không thể nào quên với mỗi người dân phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Một chuỗi ca Covid-19 liên tiếp ghi nhận chỉ trong vài ngày, tại cùng một địa điểm đã tạo ra không ít lo lắng cho mọi người dân trên địa bàn phường. Hàng chục cuộc gọi liên tục đổ vào máy di động của lãnh đạo phường để hỏi thăm, xác nhận thông tin.

“Dưới sự chỉ đạo của quận, thành phố, các lực lượng chức năng phường đã ngay lập tức kích hoạt hàng loạt các biện pháp chống dịch, trong đó chú trọng đến việc phát huy vai trò các Tổ Covid-19 cộng đồng. Mỗi thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng là một chiến binh thầm lặng.

Họ đã thực hiện rất tốt việc giám sát, điều tra, theo dõi đối tượng, giúp cơ quan chức năng thực hiện việc truy vết một cách nhanh chóng, chính xác nhất”, ông Nguyễn Xuân Vinh – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), cho biết.

Là một thành viên của Tổ Covid-19 cộng đồng tại phường Xuân Phương, ông Nguyễn Mạnh Hà (Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 1) nhớ lại, khoảng 1h30 ngày 30/1, ông nhận được tin một người dân tại số nhà 479 đường Phúc Diễn có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (bệnh nhân 1.694). Ngay trong đêm, Tổ Covid-19 cộng đồng đã chia nhau gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để điều tra, tìm kiếm lịch trình những nơi bệnh nhân đã đến, những người đã tiếp xúc.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Hơn 10 thành viên trong tổ đã không ngại đêm tối, bất kể thời gian hỗ trợ cơ quan chức năng làm tốt công tác truy vết một cách thần tốc. “Qua xác minh, bước đầu chúng tôi biết rằng bệnh nhân mắc Covid-19 này không thường xuyên ở Xuân Phương.

Người này làm việc tại Đông Anh, thuê nhà nơi khác và chỉ về ăn tối nên cũng hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Lịch trình di chuyển trên địa bàn hầu như không nhiều, chỉ đến một quán cắt tóc gần nhà. Chúng tôi đã nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng, thực hiện cách ly ngay những địa điểm này và mở rộng đối tượng điều tra, tiếp xúc, vận động cách ly ngay đến tận F2, F3”, ông Hà kể lại.

Khoảng 1 ngày sau đó, 6 người tại tổ 1, phường Xuân Phương bao gồm: vợ, con, bố vợ, mẹ vợ và em vợ và 1 hàng xóm của bệnh nhân 1.694 tiếp tục có kết quả dương tính với Covid-19. Rất nhiều người xung quanh lo lắng, bất an khi ca bệnh liên tục “nhảy số”, số lượng người tiếp xúc, điểm phải cách ly cũng tăng lên. Trong đó, đáng chú ý, tại trường Tiểu học Xuân Phương, cơ quan chức năng đã xác định được các F1, tiến hành cách ly tại trường đối với 57 học sinh lớp 3 có tiếp xúc gần với con trai bệnh nhân 1.694.

“Nhiều người dân trong tuyến phố khi nhận thông tin phát hiện một chuỗi ca bệnh trong thời gian ngắn đều vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, trước đó, do mở rộng các đối tượng cách ly nên chúng tôi đã cơ bản khoanh vùng được các đối tượng tiếp xúc.

Tổ Covid-19 đã nhanh chóng giải thích, vận động người dân tham gia cách ly, vì nếu không cách ly, vi rút SARS-CoV-2 lan truyền sẽ khiến dịch bệnh phát tán trong cộng đồng, lúc đó sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.Từ đó, người dân đã hoàn toàn hợp tác với cơ quan chức năng”, ông Hà kể lại.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Tiếp tục có mặt tại một chốt kiểm soát trên địa bàn phường Điện Biên (quận Ba Đình), chúng tôi nhận thấy, đa phần các thành viên trong tổ giám sát đều đã ngoài 60 tuổi, tóc đã bạc, thế nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát họ không quản ngại ngày đêm tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Ông Mai Văn Báu, Tổ trưởng tổ dân phố số 3, Khu dân cư số 3, phường Điện Biên, năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Thậm chí, ông còn xung phong trực ca đêm tại chốt kiểm soát. Suốt từ mùng 3 Tết đến nay, này nào ông cũng có mặt, nắm bắt tình hình tại điểm cách ly.

Thông tin về tình hình trên địa bàn, ông Báu cho biết, ngay từ mùng 3 Tết, Tổ Covid-19 cộng đồng đã hoạt động tích cực. Ngay khi phát hiện ca bệnh liên quan đến bệnh nhân người Nhật tử vong tại quận Tây Hồ, tổ công tác đã liệt kê danh sách để theo dõi, kiểm tra giấy tờ.

Ngoài việc nhắc nhở từng người dân trong nhà, thăm các gia đình có biểu hiện ốm đau, tổ Covid-19 còn dùng loa phát thanh tuyên truyền. Do vậy, nhân dân đều nhận thức được việc “chống dịch như chống giặc”, thậm chí còn giám sát chéo nhau, nếu có trường hợp không chấp hành còn báo cáo lại Tổ Covid-19 cộng đồng để nhắc nhở.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Thông tin thêm về những chiến binh thầm lặng trong Tổ Covid-19 cộng đồng, ông Vũ Ngọc Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Điện Biên, cho biết,hiện nay trên địa bàn phường có hơn 30 Tổ Covid-19 cộng đồng với gần 100 thành viên.

Các thành viên của tổ đều là những bác cán bộ cơ sở, không quản ngày đêm, bất cứ khi nào người dân gặp vấn đề về sức khỏe hay có ca nghi nhiễm, họ sẵn sàng lên đường không màng tới thời gian.

Đáng chú ý, trong quá trình tuyên truyền vận động người dân làm tốt công tác phòng, chống dịch, Tổ Covid-19 cộng đồng phường đã phát hiện được một số người đi từ vùng dịch Hải Dương về nhưng không khai báo. May mắn, qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm và cách ly cho ra kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Đặc biệt, tại các khu vực dân cư đã có ca bệnh, khu vực bị cách ly, phong toả như tại khu dân cư số 3, ngoài việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch, Tổ Covid-19 cộng đồng đã thực hiện đầy đủ các công việc được giao và thêm các nhiệm vụ khẩn cấp.

Ví dụ, trợ giúp chính quyền, cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn; phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền các trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp…

“Đồng thời, Tổ Covid-19 cộng đồng cũng đã tuyên truyền, phổ biến cho người dân yên tâm, hợp tác cùng chính quyền chống dịch, giúp chính quyền đảm bảo an sinh xã hội trong vùng dịch. Nhờ vậy, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn phường Điện Biên, công tác truy vết, giám sát người dân đi từ vùng dịch về được thực hiện rất hiệu quả”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Điện Biên chia sẻ.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), khoảng 1 tháng nay, Tổ Covid-19 cộng đồng cùng các lực lượng chức năng luôn bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch ngay tại cơ sở. Bà Nguyễn Thị Lụa – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, cho biết, hiện tại, trên địa bàn chưa có ca mắc Covid-19. Hiện, phường có khoảng hơn 60 Tổ Covid-19 cộng đồng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Mục tiêu của tổ Covid-19 cộng đồng tại mỗi khu vực là giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình. “Tổ Covid-19 cộng đồng cũng là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch”, bà Lụa chia sẻ.

Đặc biệt, các tổ này hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện với sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Mỗi tổ Covid-19 cộng đồng thường có hai, ba người, có thể là tình nguyện viên tại khu dân cư, cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể... Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi Tổ Covid-19 cộng đồng phụ trách khoảng 70 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Cũng theo bà Lụa, hàng ngày, tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Đồng thời, phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Là thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng, ông Nguyễn Huy Hoàng, tổ trưởng Tổ dân phố 17 (phường Trung Văn), thường xuyên tham gia tuyên truyền, theo dõi, giám sát trên địa bàn hàng ngày. Ông Hoàng cho biết: “Tổ dân phố, công an phường và đoàn thanh niên thường xuyên kéo loa đi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Chúng tôi kết hợp vừa tuyên truyền, điều tra, giám sát cộng đồng hàng ngày. Đặc biệt, đi sâu đi sát, giám sát, nhắc nhở các hộ gia đình có nhà cho thuê về việc khai báo y tế đối với những người thuê trọ. Vừa qua, tổ đã theo dõi được 20 người đi từ Hải Dương, tiến hành vận động khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo an toàn một cách tốt nhất”.

Tại phường Phương Mai (quận Đống Đa), ông Phan Văn Yên – Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, lại có cách làm rất mới mẻ. Theo đó, ngay từ khi có dịch Covid-19, ông Yên đã chủ động giao nhiệm vụ cho từng tổ Đảng, theo dõi, giám sát, tuyền truyền tốt việc phòng chống dịch Covid-19.

Hàng ngày, ông đều theo dõi, nhắc nhở, nắm bắt tình hình qua các nhóm Zalo riêng của từng tổ. Theo đó, ông khuyến khích “mỗi người dân là một chiến sĩ trinh sát” trong mặt trận chống dịch. Ông mở một “kênh” thông tin riêng, tiếp nhận mọi phản ánh của người dân, sau đó trực tiếp đi kiểm tra, nắm bắt tình hình.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Nhờ việc khuyến khích mọi người dân tham gia giám sát, ông Yên đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân. Từ việc ai về quê, có nghi ngờ đi từ vùng dịch về, cho tới việc đã khai báo y tế chưa, nơi nào tụ tập đông người, không đeo khẩu trang... ông đều được người dân thông tin đến.

Ngoài ra, ông Yên cùng một số đồng chí tại Tổ dân phố cũng thường xuyên kéo loa đi tuyên truyền phòng, chống dịch tại các ngõ, khu chợ, nơi tập trung đông người; vận động người dân không bán hàng vỉa hè, lòng đường; vận động các quán ăn thực hiện tốt việc phòng chống dịch.

Nhờ biết cách huy động sức mạnh tập thể mà thời gian qua Tổ dân phố số 11 được chính quyền phường Phương Mai đánh giá rất cao.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Thời gian qua, trong công tác chống dịch tại các địa phương cho thấy có rất nhiều lực lượng cùng tham gia, việc chống dịch được thực hiện dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Do vậy, đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong chống dịch. Tổ Covid-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.

Tại Hà Nội, ngày 18/2, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, thành phố Hà Nội.

Theo đó, trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục kiện toàn, duy trì triển khai các tổ “Giám sát và truyền thông chống Covid-19 tại cộng đồng”, gọi là “Tổ Covid-19 cộng đồng”. Cụ thể, mỗi tổ có ít nhất 3 thành viên, phụ trách không quá 70 hộ. Xây dựng hoạt động phương thức, thông tin của các Tổ Covid-19 cộng đồng, kịp thời cập nhật đến Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đến cấp, huyện, thị xã; có phân công cụ thể với chức năng yêu cầu giám sát chặt chẽ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; hỗ trợ các đơn vị chức năng trong việc cập nhật sự biến động, đi lại của người dân trong khu vực.

Phát huy vai trò “Tổ Covid-19 cộng đồng”: Chống dịch dựa vào sức dân

Trước đó, trong các đợt chống dịch Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã kiện toàn được hàng nghìn tổ Covid-19 cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Mới đây nhất, tính đến chiều 22/2, quận Đống Đa đã kiện toàn 1.670 tổ, quận Hoàng Mai kiện toàn 538 tổ, quận Hoàn Kiếm kiện toàn 482 tổ, huyện Thanh Trì kiện toàn 1.071 tổ, huyện Gia Lâm kiện toàn 1.054 tổ…

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho rằng vai trò của các Tổ này rất quan trọng trong giai đoạn dịch hiện nay. Theo đó, các Tổ Covid-19 cộng đồng phải là lực lượng thường trực, có trách nhiệm giám sát về dịch tễ đối với các cụm dân cư tại cơ sở.

Có thể nói, việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là sự sáng tạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chuyên môn, chính quyền địa phương thì chính các tổ Covid-19 cộng đồng đã đưa ngay được các biện pháp phòng, chống dịch vào tới từng hộ gia đình - chống dịch tại từng nhà mà ít có nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy. Ðây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch.

----------------------

Bài và ảnh: Kim Tiến – Minh Phương

Trình bày: Phạm Thắng