-->
Vào những ngày thu tháng Mười, nếu có dịp đi qua huyện Đan Phượng, mọi người hẳn sẽ dễ dàng bắt gặp các bác, các chị tay thoăn thoắt nhổ cỏ, chăm sóc từng khóm hoa trên các tuyến đê kiểu mẫu. Người dân nơi đây kể rằng, đó chính là những người “phủ hoa” cho những tuyến đê… |
Tuyến đê kiểu mẫu đoạn chạy qua xã Hồng Hà những ngày tháng Mười rực rỡ hơn bởi những loài hoa đẹp, rung rinh trong nắng thu. Hoa trên cỏ, cỏ cây chen hoa, cứ thế tạo thành một triền đê xanh mướt rồi điểm thêm sắc thắm. Ong bướm rập rờn hút mật, khi có người đi qua lại đập cánh bay khiến cho cảnh sắc nơi đây càng thêm sinh động. Chị Hà người dân sống gần tuyến đê cho biết, cách đây mấy năm, triền đê trơ trọi khô cằn kéo dài dọc con đường khiến cảnh vật xơ xác. Thỉnh thoảng những chiếc túi nylon, những mảnh rác mắc lại trên đám cây cỏ càng khiến cho “bộ mặt” đê trở nên xấu xí. Vậy mà nhờ có bàn tay của những người nông dân, đê giờ đây đã khoác lên mình một tấm áo mới sạch sẽ và rực rỡ. Chỉ vào tấm biển công trình “Tuyến đê nở hoa kiểu mẫu”, chị Hà nói: “Từ khi tuyến đê kiểu mẫu được hình thành, người dân sinh sống quanh khu vực rất phấn khởi bởi cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp, đã thay đổi tư duy, lối sống, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Không còn tình trạng vứt rác, đổ phế thải bừa bãi trên mái đê”. Từ xã Hồng Hà chúng tôi di chuyển sang xã Hạ Mỗ. Đúng là sức sáng tạo của nông dân rất kỳ diệu, muôn màu muôn vẻ. Nếu như ở Hồng Hà người dân trồng xen kẽ các loại hoa tạo nên một “thảm thực vật” đa sắc, thì ở Hạ Mỗ lại là “nhạc hội” của sắc vàng và sắc xanh. |
Trên triền đê xanh thắm là những cây vàng anh được trồng thành từng cụm theo “thiết kế” riêng, tạo thành những hàng lối bắt mắt. Thật ngỡ ngàng khi chiều tà, hai sắc màu này tạo nên vẻ đẹp dịu dàng, dễ chịu. Trên mái đê, những cây dừa xanh tỏa bóng mát xuống thảm cỏ để những người nông dân ngồi nghỉ chân trong lúc chăm sóc tuyến đê. Ở đây, Hội Nông dân xã Hạ Mỗ gắn biển công trình “Vườn hoa kiểu mẫu”, biến tuyến đê thành một “vườn hoa” đẹp. Ông Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Mỗ cho hay, ý tưởng trồng thảm cỏ thấp và cây vàng anh được các cấp hội lấy ý kiến và đưa ra bàn bạc trước khi triển khai. Bởi tuyến đê thoai thoải dọc con đường dốc nên tạo kiểu “vườn hoa” sẽ khiến cho người dân có thể quan sát hết tầm nhìn, tạo cảnh quan nhẹ nhàng, thư thái. “Trước đây tuyến đê này không có cỏ mọc, bởi đê rộng và khá thoải nên cỏ cũng bị dẫm nát không sống được. Rác cũng bị vứt rải rác khắp nơi làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn. Từ ngày vườn hoa được triển khai nơi đây đã xanh, sạch hẳn. Bà con vui mừng phấn khởi. Thanh niên, trẻ nhỏ còn nô nức tới đây để chụp hình”, ông Thuận chia sẻ. Chúng tôi tiếp tục rong ruổi đến xã Thọ An, xã Song Phượng, xã Đan Phượng, Phương Đình, Đồng Tháp, Trung Châu, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung… đâu đâu cũng có những công trình trang trí tuyến đê kiểu mẫu. Mỗi nơi lại có một “ý tưởng” khác nhau, như thể đang “đua” xem đê nào đẹp nhất. Có những tuyến đê thì trồng rặt là hoa cúc cánh bướm mang đến vẻ đẹp lãng mạn, có những tuyến đê lại trồng hoa mẫu đơn xen lẫn hoa dừa cạn, hoa ngũ sắc mang vẻ đẹp cổ điển tinh tế. Có tuyến đê lại trồng hỗn hợp cả hoa loa kèn, hoa cúc, hoa hồng, hoa giấy… nơi đâu cũng khoe sắc, đua chen. |
Có thể dễ dàng nhận ra, những tuyến “đê hoa” này chính là kết quả từ sự đồng lòng, chung sức của những hội viên nông dân đang sống và cống hiến cho mảnh đất quê hương Đan Phượng. Những “vườn hoa” trên đê không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn đảm bảo độ che phủ, bảo vệ chống xói mòn cho mái đê, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp lâu dài, bền vững, đáp ứng tiêu chí “tuyến đê kiểu mẫu”. Đến nay, các cấp hội nông dân trên toàn huyện đã trang trí, trồng cây được gần 4km đê kiểu mẫu, mặt đê và đường gom dân sinh được vệ sinh sạch sẽ. Việc trang trí công trình tuyến đê kiểu mẫu đã góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong việc bảo vệ đê điều. Ngoài ra, các tuyến đê kiểu mẫu còn góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng. |
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, sau khi làm thí điểm thành công xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu”, hằng năm, huyện Đan Phượng phát động phong trào thi đua để nhân rộng trên toàn huyện. Việc xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu” trên địa bàn huyện Đan Phượng đã tạo cảnh quan, môi trường đê điều xanh - sạch - đẹp; nâng cao ý thức cho người dân sinh sống ven đê trong việc bảo vệ đê, không xả thải rác ra đê… Cùng với các địa bàn có đê trên khắp Thủ đô, phong trào xây dựng “Tuyến đê kiểu mẫu” trên địa bàn huyện Đan Phượng có sức lan tỏa mạnh mẽ, được người dân đồng tình tham gia, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan chất lượng công trình đê điều. Việc nhân rộng các tuyến đê kiểu mẫu còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn chống lũ, giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều. |
Chia sẻ về những công trình “người thực, việc thực” làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ những “vườn hoa trên đê”, ông Thiều Văn Son cũng cho biết, để đạt được hiệu quả cao như hiện nay, Hội Nông dân huyện đã có kế hoạch duy trì, xây dựng 16 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, như trồng gắn biển hàng cây, tuyến đê, vườn hoa, thu gom rác tại nhà, nông nghiệp hữu cơ,.... trong đó nổi bật lên là các mô hình Hàng cây nông dân, Tuyến đê nông dân,... Bên cạnh đó, từ khi huyện triển khai xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu”, người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đê rất phấn khởi bởi cảnh quan môi trường phong quang, sạch đẹp nên đã thay đổi tư duy, lối sống, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung, không còn vứt rác, đổ phế thải bừa bãi trên mái đê, không lấn chiếm và tự giác giải tỏa hành lang bảo vệ an toàn đê. Một số hộ dân còn chủ động đóng góp tiền lắp đặt đèn chiếu sáng đảm bảo tuyến đê luôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Hình thành tuyến đê kiểu mẫu đã khó, duy trì lại còn khó hơn. Xác định được điều đó nên sau khi các công trình tuyến đê nông dân hoàn thành, các chi hội đã chia thành từng đoạn nhỏ, cùng các hội, đoàn thể, các thôn trông nom, chăm sóc. Các hộ dân sống gần đê cũng thực hiện ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ đê, không xả rác thải sinh hoạt, phế thải, vật liệu xây dựng ra chân đê. Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ bảo đảm an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới và tạo thêm sự gần gũi, gắn bó của người dân với con đê quê hương Đan Phượng. |
Nội dung: Bảo Thoa | Đồ họa: Đức Hà |
|