-->
Bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn Thủ đô đã và đang không ngừng đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Từ đó, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn tiếp tục được khẳng định, xứng đáng là điểm tựa vững chắc của đoàn viên, người lao động. |
Với đặc thù là địa phương có số lượng đoàn viên, người lao động lớn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai hiệu quả công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc ổn định quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô. Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực, chủ động đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy định, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng thời, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Kết quả, năm 2023, toàn Thành phố đã có 1.148/1.148 đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (đạt 100%) và 2.968/4.183 đơn vị doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 70,95%). Qua đó đã phát huy được quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tham gia kiểm tra, giám sát, động viên người lao động đoàn kết nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. |
Trong năm 2023, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với công nhân lao động Thủ đô. Tại Hội nghị, đã có hơn 600 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 26 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp; đảm bảo đời sống, an sinh xã hội; cải cách hành chính trong hoạt động tư pháp. Sau Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành giải quyết các kiến nghị của công nhân lao động. Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố và các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 630 doanh nghiệp. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đã góp phần hạn chế những vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), đối thoại trong các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Hiện, toàn Thành phố có 3.699/4.932 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở đã ký TƯLĐTT (đạt 75,5%); trong đó có 46% bản TƯLĐTT đạt loại A, B. Riêng năm 2023, các Công đoàn cơ sở đã ký mới được 1.267/400 bản TƯLĐTT đạt 316% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. |
Nhiều bản TƯLĐTT đã có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ Bảy trong tháng; người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; người lao động được hỗ trợ bữa ăn ca trị giá từ 20.000 đồng - 30.000 đồng, được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên… Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai hiệu quả với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo. Hoạt động “Tết sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, đưa công nhân về quê đón Tết, “Mái ấm Công đoàn” tiếp tục được lan tỏa. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp Công đoàn Thủ đô đã dành nguồn kinh phí trên 144 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 100.000 lượt đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do thiếu việc làm, mất việc, bị nợ lương. Trong dịp Tháng Công nhân năm 2023, các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà và trao trợ cấp cho trên 8.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp. Năm 2023, LĐLĐ Thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch khám sức khỏe sinh sản, khám tầm soát ung thư miễn phí cho 5.000 công nhân lao động; Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã giải quyết cho 1.737 đoàn viên, CNVCLĐ tại 115 Công đoàn cơ sở vay vốn, giải ngân trực tiếp nguồn vốn 52,35 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 2.086 lao động. Từ đó giúp người lao động tiếp cận tín dụng hợp pháp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hạn chế tín dụng đen. |
Song song với việc chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động thông qua các hoạt động như: Tổ chức Hội khỏe cán bộ, giảng viên, người lao động khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Hội diễn văn nghệ CNVCLĐ Thủ đô; Giải bóng đá CNVCLĐ Cúp báo Lao động Thủ đô... Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục duy trì hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 Cụm văn hóa thể thao; xây dựng Tủ sách Công đoàn tại các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân... Qua đó, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. |
Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai nhiều phong trào thi đua mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn như phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”… Đồng thời, chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và công nhân lao động trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng, duy trì và phát triển đến nay đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa. Qua phong trào thi đua đã góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ, tâm huyết của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” do tổ chức Công đoàn Thủ đô phát động cũng đã và đang thu hút đông đảo CNVCLĐ ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tham gia hưởng ứng bằng những sáng kiến có giá trị làm lợi lớn. Phong trào này ngày càng có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước; góp phần quan trọng trong giải quyết khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. |
Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, năm 2023, toàn Thành phố đã có 94.523 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận ở cấp cơ sở, 1.906 sáng kiến của CNVCLĐ được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 609 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2023 và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2023. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức tuyên dương 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023. Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với điểm nhấn là tổ chức Hội thi thợ giỏi của các cấp Công đoàn đã tạo cơ hội để đông đảo công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Thủ đô và quốc gia trong quá trình hội nhập. |
Năm 2023 là lần thứ ba UBND Thành phố và LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội. Hội thi thu hút sự tham gia của 363 thí sinh đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó thí sinh thuộc các doanh nghiệp FDI chiếm 45%. Các thí sinh tham gia 2 phần thi lý thuyết và thực hành với 11 nghề thi. Căn cứ vào kết quả thi, Hội đồng giám khảo đã đề nghị Ban Tổ chức Hội thi quyết định cấp Giấy chứng nhận và tiền thưởng cho 111 thí sinh đạt giải, gồm: 11 giải Nhất, 22 giải Nhì, 33 giải Ba, và 45 giải Khuyến khích. Ngoài các phong trào nêu trên, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua chuyên đề như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vận động đông đảo CNVCLĐ tham gia một cách hăng hái, sôi nổi với những giải pháp sáng tạo. Kết quả, toàn thành phố Hà Nội có hơn 40.000 người tham gia với trên 200.000 sáng kiến được cập nhật lên hệ thống của Chương trình, vượt 320% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, đứng thứ hai cả nước về số lượng sáng kiến được cập nhật và đứng thứ nhất cả nước về số lượng người đăng ký nộp sáng kiến. Sáng kiến của CNVCLĐ Thủ đô tham gia chương trình đa dạng trên các lĩnh vực và đã có rất nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, được áp dụng vào thực tiễn và có khả năng phổ biến rộng rãi trong ngành hoặc toàn Thành phố mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. |
Song song với việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền vận động trong đoàn viên, người lao động; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ... các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đặc biệt chú trọng thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn. Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, trong năm 2023, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, toàn Thành phố đã thành lập mới 492/400 Công đoàn cơ sở (đạt 123% kế hoạch), kết nạp mới 46.992/40.973 đoàn viên (đạt 115% kế hoạch). Trong đó đã thành lập 465/300 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 155% chỉ tiêu) và kết nạp mới 39.341/20.000 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 196,7% chỉ tiêu); thành lập được 257/188 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên (đạt 136,7% chỉ tiêu). |
Công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn các cấp được quan tâm, nhất là ở cấp cơ sở. Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ngày càng sát thực tế, đã có 80% Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến thực chất, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn tại cơ sở. Công tác đào tạo cán bộ Công đoàn được chú trọng triển khai, tập trung ở cả 3 khía cạnh: Kiến thức chuyên môn, lý luận; phương pháp tổ chức; tư tưởng và kinh nghiệm hoạt động. Từ đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ Công đoàn có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong năm 2023, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức thành công Đại hội, Hội nghị Công đoàn, nhiệm kỳ 2023 - 2028, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”. Tại Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, Đại hội đã thống nhất mục tiêu, chỉ tiêu và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó, mục tiêu tổng quát cả nhiệm kỳ là “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. |
Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã xác định 10 nhóm chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ là: Phấn đấu toàn Thành phố có 1 triệu đoàn viên Công đoàn; có 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được TƯLĐTT theo quy định của pháp luật; ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ. Trên cơ sở mục tiêu chủ yếu, Đại hội đã đề ra 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, gồm: Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động; từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn. |
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, bước sang năm 2024, LĐLĐ Thành phố đã xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai thực hiện. Trong đó, có một số chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu có từ 95% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lao động và công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; 100% Công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp khu vực Nhà nước và có ít nhất 80% Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tham gia với người sử dụng lao động xây dựng, thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; trên 90% cán bộ Công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn; 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở tham gia lần đầu được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp;... |
Đặc biệt, theo đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn Thành phố, bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021, của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đã tập trung xây dựng, thông qua Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra và chương trình hoạt động toàn khóa, hằng năm, chương trình công tác theo các chuyên đề. Nội dung các chương trình được xây dựng trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 và có những đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn, như: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh… |
Có thể nói, tổ chức Công đoàn Thủ đô bước vào năm 2024 và bước vào nhiệm kỳ mới với tâm thế chủ động, quyết tâm bứt phá ngay từ những ngày đầu, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tranh thủ sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội sự phối hợp của chính quyền và các sở, ban, ngành Thành phố; tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đã đề ra, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. |
------------------------- Nội dung: Mạnh Quân - Thiết kế: P.T |