-->
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô… Từ đó, tạo động lực khích lệ người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến để góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước. |
Có dịp đến khu vực sản xuất của Công ty TNHH Máy và thiết bị công nghiệp Lam Uy (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) và gặp gỡ anh Nguyễn Đình Tường - “Công nhân giỏi” Thủ đô năm 2022 được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tuyên dương, chúng tôi mới cảm nhận hết được thái độ, tinh thần lao động sản xuất nghiêm túc, hăng say của anh và những người đồng nghiệp. Quan sát thấy, trong suốt thời gian làm việc, anh Tường không chỉ tập trung cao độ để hoàn thành tốt công việc chuyên môn được giao mà còn tận tình hướng dẫn đồng nghiệp những thao tác khó, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ tay nghề cao. Tranh thủ giờ giải lao trò chuyện với chúng tôi, anh Tường chia sẻ, 16 năm làm việc tại Công ty là 16 năm anh không ngừng nỗ lực, cố gắng trong công việc với tâm niệm là làm sao chế tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho Công ty. “Trong quá trình làm việc, tôi luôn vận dụng những kiến thức mình đã được học và những kinh nghiệm của bản thân để tạo ra những sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng tốt nhất mà còn tiết kiệm được tối đa thời gian gia công”, anh Tường chia sẻ. Khi được hỏi 16 năm qua anh đã đóng góp cho Công ty bao nhiêu sáng kiến, cải tiến, anh Tường nở nụ cười khiêm tốn và nói: “Tôi không quá quan trọng số lượng sáng kiến của mình, bởi sáng kiến nảy sinh từ quá trình lao động sản xuất và tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi tạo ra được một sản phẩm mẫu chất lượng, có độ chính xác cao. Từ những sản phẩm mẫu đó, sẽ giúp Công ty ký kết được nhiều đơn hàng, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho Công ty cũng như đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động chúng tôi”. |
Anh Tường cũng cho biết: “Làm việc tại Công ty, tôi luôn được tạo điều kiện để tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng vận hành những máy móc hiện đại, tiên tiến để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty. Đặc biệt, tôi và các đồng nghiệp được Công ty tạo điều kiện tối đa để tham gia các Hội thi tay nghề, phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”… do tổ chức Công đoàn triển khai. Qua các hoạt động đó, tôi có cơ hội để nâng cao tay nghề, kỹ năng chuyên môn, đồng thời có môi trường để cạnh tranh và động lực để không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong công việc”. Hơn 16 năm làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), với sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty, anh Phạm Văn Tư đã luôn nỗ lực khẳng định giá trị của bản thân bằng những sáng kiến cải tiến để nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của Công ty. Một trong những sáng kiến cải tiến nổi bật của anh là sáng kiến cải tiến chống gá nhầm cho các Jig gia công, được ứng dụng vào quá trình sản xuất, đưa tỷ lệ % lỗi do gá nhầm về 0. Chia sẻ về quá trình thai nghén và thực hiện sáng kiến cải tiến của mình, anh Tư cho biết: “Xuất phát từ thực tế sản xuất phát sinh tỷ lệ hàng lỗi do thao tác gá nhầm cao và mong muốn đưa tỷ lệ % gá nhầm về 0 để giảm tổn thất cho Công ty, tôi đã đưa ra ý tưởng cải tiến chống gá nhầm cho các Jig gia công. Ngay sau khi ý tưởng được hình thành, tôi đã lập tức bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng đó”. “Tuy nhiên, thời gian đầu tôi đã gặp phải không ít khó khăn, thất bại. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra cùng với sự quan tâm, khích lệ, động viên của Ban lãnh đạo và Công đoàn công ty, sau 3 tháng, tôi đã hiện thực hóa được ý tưởng cải tiến của mình. Sau khi sáng kiến cải tiến của tôi được công nhận và đưa vào ứng dụng thực tế, chỉ mất 5 phút đào tạo thực tế trên dây chuyền là công nhân có thể thực hành thao tác, qua đó đã đưa tỷ lệ % gá nhầm trong quá trình sản xuất về 0”, anh Tư vui mừng chia sẻ. |
Được biết, ngoài sáng kiến cải tiến trên, trong quá trình lao động sản xuất, anh Tư cũng đã đóng góp cho Công ty nhiều sáng kiến cải tiến khác, giúp nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc. Chia sẻ cảm xúc khi các sáng kiến cải tiến của mình được công nhận và ứng dụng vào thực tế, anh Tư bày tỏ: “Tôi thực sự rất vui mừng và sung sướng khi mình đã được đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển chung của Công ty và quan trọng hơn là tôi cảm thấy giá trị của mình được khẳng định tại Công ty”. Anh Tư cho biết, bản thân anh cũng như các đồng nghiệp luôn được Ban lãnh đạo và Công đoàn công ty quan tâm, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để phát huy sáng kiến cải tiến, nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, hàng tháng, hàng quý Công ty đều phát động các cuộc thi nhằm chọn ra các đề án cải tiến ưu tú, kèm theo đó là các phần thưởng tương xứng với các sáng kiến đó để khích lệ, tạo động lực cho người lao động đưa ra nhiều ý tưởng sáng kiến hơn trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày. Gắn bó với Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam (Mê Linh, Hà Nội) gần 12 năm, anh Nguyễn Xuân Long chia sẻ, mỗi ngày vào xưởng sản xuất, anh đều đặt ra mục tiêu sản xuất phải an toàn, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Bản thân anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến đóng góp cho Công ty. Tiêu biểu là sáng kiến cải tiến rút bớt thời gian dán lốp xe. Theo anh Long, trước đây lốp xe có 3 lớp vải mành. Lớp vải thứ 3 phải xé bằng tay rất thủ công. Khi vào mùa hè, công đoạn này càng trở nên khó khăn vì tấm vải mành lớp 3 bị dính. Công nhân mất rất nhiều thời gian để gỡ vải mành. Do thời gian làm tại khâu này khá lâu nên sản lượng thấp, không đạt năng suất. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh đã nghĩ ra cách bóc vải mành bằng máy, không bị dính khi xé. Từ khi dùng máy bóc tấm mành thứ 3, năng suất đạt từ 118 chiếc lốp xe lên 138 chiếc, mang lại nhiều lợi nhuận cho Công ty. |
“Mặc dù là Công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhưng các phong trào thi đua của Công ty luôn nhận được sự quan tâm của Ban Giám đốc. Đặc biệt, vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc phát động, vận động công nhân lao động tham gia các phong trào thi đua như “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô… được thể hiện rất rõ nét. Qua đó, đã khích lệ công nhân lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất và có thêm các sáng kiến, sáng tạo”, anh Long chia sẻ. |
Chia sẻ của những công nhân lao động nói trên là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, song song với việc làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, vận động đông đảo công nhân lao động tham gia và kịp thời khen thưởng những công nhân lao động đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua… Qua đó, thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Riêng với khối doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung tổ chức tốt phong trào thi đua hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (Chương trình “1 triệu sáng kiến”) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động; phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” trong công nhân, lao động; phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” và “Năng suất cao, chất lượng tốt”; vận động công nhân lao động trong các doanh nghiệp ra sức thi đua nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động. |
Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm hướng tới việc nâng cao năng suất lao động và đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp tham gia. Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, nhằm tạo ra những sân chơi bổ ích giúp công nhân lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề và thể hiện năng lực của bản thân, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức phát động thi đua trong công nhân lao động với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”. Trong đó, tập trung vào các phong trào như “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi công nhân lao động các KCN&CX Hà Nội, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia ở những nội dung thi nghề Hàn CO2, nghề cắt gọt kim loại trên máy công cụ Tiện CNC, nghề Phay CNC, nghề Tiện vạn năng, nghề Phay vạn năng… Thông qua Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, công tác và đời sống, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những công nhân lao động đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua. Từ đó, tạo động lực để công nhân lao động tiếp tục phấn đấu, không ngừng cố gắng nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phát triển. |
Chia sẻ về việc triển khai các phong trào thi đua trên địa bàn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, thấm nhuần lời Bác dạy: “Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi”, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô… đã được các cấp Công đoàn huyện tích cực triển khai và công nhân lao động nhiệt tình hưởng ứng, duy trì, phát triển đến nay đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa. Qua các phong trào thi đua đã góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm từ nghề nghiệp, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động. Ngoài ra, hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến”, LĐLĐ huyện đã phát động Tuần cao điểm, Tháng cao điểm tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng, tham gia. Kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình "1 triệu sáng kiến”, công nhân, viên chức, lao động huyện đã đóng góp 1.709/431 sáng kiến đạt 397% chỉ tiêu LĐLĐ Thành phố giao. Một số đơn vị đã tham gia vượt 400% và trên 300% chỉ tiêu giao. Từ kết quả này, LĐLĐ huyện đã vinh dự là 1 trong 10 đơn vị được LĐLĐ Thành phố tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến”. |
Ở cơ sở, các phong trào thi đua cũng được triển khai sâu rộng, phù hợp với từng doanh nghiệp. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam Đặng Văn Chương cho biết, nhận thức được việc phát động các phong trào thi đua, nhất là phong trào sáng kiến sáng tạo, phong trào cải tiến trong công nhân lao động sẽ đem lại hiệu suất làm việc cao và lợi nhận lớn, từ nhiều năm qua, Công ty đã thành lập Ủy ban sáng kiến cùng với đó là sự tham gia tích cực của tổ chức Công đoàn để triển khai phong trào thi đua trong công nhân lao động. Hàng tháng, hàng quý, mỗi xưởng sản xuất sẽ lựa chọn ra đề tài sáng kiến tiêu biểu để báo cáo Ban Giám đốc đánh giá và khen thưởng, khích lệ. Các sáng kiến cải tiến của người lao động ngoài việc được khen thưởng, vinh danh còn được tuyên truyền trên báo cáo nội bộ của Công ty nhằm tạo sức lan tỏa đến toàn thể công nhân lao động. Đặc biệt, sáng kiến cải tiến sẽ là một trong những tiêu chí để xét nâng lương trước thời hạn cho người lao động. Tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Kim - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, trong những năm qua, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo công ty, Công đoàn công ty đã duy trì và phát triển các phong trào thi đua nâng cao chất lượng sản phẩm; phong trào không làm ra hàng hỏng, giảm tỷ lệ hàng hỏng; phong trào bình bầu lao động giỏi ở các tổ, bộ phận theo quý, năm; phong trào thực hiện 5S (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và đặc biệt là phong trào cải tiến. Qua các phong trào cải tiến, đã xuất hiện hàng chục cá nhân cải tiến giỏi, nhiều tổ, phòng, ban cải tiến giỏi với trên 37.700 sáng kiến cải tiến đã được đề xuất. Có trên 3.000 sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Giảm trên 12.000m2 diện tích nơi làm việc; thời gian công đoạn sản xuất và thời gian giao hàng giảm xuống 1/3; gia công trên 200 máy móc và thiết bị phụ tùng trong nước thay thế nhập khẩu; tiến hành nội địa hóa dùng linh kiện trong nước để tiết kiệm và làm lợi cho công ty mỗi năm hàng tỷ đồng. |
Ghi nhận vai trò của Công đoàn trong việc triển khai các phong trào thi đua tại đơn vị, ông Akira Kikuchi - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho biết, Ban lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty luôn có sự gắn bó khăng khít, Ban lãnh đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công đoàn hoạt động và ngược lại, Công đoàn cũng khẳng định được vai trò của mình qua những hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhất là trong quan tâm, chăm lo người lao động, tổ chức tốt các phong trào thi đua đóng góp cho sự phát triển của Công ty. “Công ty luôn cố gắng tạo môi trường để người lao động phát huy trí tuệ và khả năng lao động. Việc thúc đẩy người lao động thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến của tại Công ty không chỉ thể hiện ra bằng lời nói hay chỉ thị mà chúng tôi tạo ra môi trường để người lao động có động lực, mong muốn, tự giác cải tiến, sáng tạo. Ban lãnh đạo Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Công đoàn tìm tòi để triển khai các chính sách chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho người lao động và tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả”, ông Akira Kikuchi bày tỏ. Có thể khẳng định, các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động đã và đang tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp và đông đảo công nhân lao động hưởng ứng tích cực. Từ các phong trào, đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn, có giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, qua các phong trào đã thể hiện sự đồng hành của tổ chức Công đoàn cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng đời sống, việc làm của người lao động, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp. |
***************************
Nội dung: Mạnh Quân
Thiết kế: P.Thắng
************************************