-->
Multimedia
26/10/2021 16:05
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

26/10/2021 16:05

Khi Thủ đô trải qua đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, với chức năng, vai trò của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô với cách làm linh hoạt, sáng tạo đã đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng Thành phố thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn
Khi Thủ đô trải qua đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, với chức năng, vai trò của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô với cách làm linh hoạt, sáng tạo đã đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng Thành phố thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực cùng doanh nghiệp, người lao động xây dựng và nhân lên các “Vùng xanh doanh nghiệp”. Trải qua nhiều tháng thực hiện, mô hình này đã chứng minh hiệu quả tại các doanh nghiệp, thể hiện vai trò chủ động, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ người lao động an toàn trước đại dịch. Góp phần quan trọng tạo vành đai bảo vệ an toàn để giữ vững và ổn định sản xuất kinh doanh.

Theo đó “Vùng xanh doanh nghiệp” là vùng sản xuất an toàn tại các doanh nghiệp được các cấp chính quyền phê duyệt cho phép sản xuất ngay cả trong thời gian giãn cách, trong đó người lao động bảo đảm không có F0, F1. Doanh nghiệp triển khai mô hình này phải hội đủ các điều kiện như: Quét mã QR bắt buộc cho toàn bộ người lao động, khách hàng, nhà thầu đến công ty làm việc; Người lao động được test SARS-CoV-2 hàng tuần, thực hiện nghiêm 5K trước, trong và sau khi làm việc; người lao động thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến (chỉ đến công ty và về nhà); doanh nghiệp phải chia 3 ca sản xuất làm việc độc lập, lối đi riêng…

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, từng là “điểm nóng” về Covid-19 của Hà Nội, tiêu chuẩn sản xuất an toàn được Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) ABB Power Grids Việt Nam đặc biệt coi trọng. Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Văn Tiển cho biết, từ cuối tháng 7, được sự hướng dẫn của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai, doanh nghiệp đã triển khai mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp”. Ngoài 60 công nhân ở nhà máy đặt tại tỉnh Bắc Ninh thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), toàn bộ người lao động của đơn vị ở địa bàn quận Hoàng Mai được chia 3 ca sản xuất độc lập, mỗi ca cách nhau 15 phút, đi và về theo lối riêng, người lao động không gặp nhau giờ tan ca và thực hiện nghiêm yêu cầu “một cung đường, hai điểm đến”, 100% người lao động được xét nghiệm hàng tuần. Nhờ đó, Công ty không ghi nhận trường hợp F0 nào, tỷ lệ phủ vắc xin cho công nhân lao động gần như tuyệt đối. Đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn được duy trì, tạo động lực phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

Từ khởi đầu là Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã nhân rộng được “Vùng xanh doanh nghiệp” ở nhiều doanh nghiệp khác. Không chỉ riêng tại quận Hoàng Mai, với sự vào cuộc mạnh mẽ của LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn ngành, mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” đã lan rộng đến tất cả các quận, huyện như: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm…

Theo Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Thu Giang, mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” đã giúp đơn vị duy trì được mạch sản xuất an toàn suốt giai đoạn giãn cách xã hội. Ngoài yêu cầu người lao động thực hiện tiêm phòng Covid-19, khai báo y tế, đơn vị còn thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh nhà xưởng và toàn bộ các phương tiện vận tải…

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Tại Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị với hơn 1.000 công nhân, mô hình này cũng đem lại hiệu quả thiết thực. “Công ty có 2 nhà máy, các nhà máy đều thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của các cấp chính quyền. Việc quét mã QR, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, thực hiện 5K được áp dụng với toàn thể người ra vào Công ty”, bà Vũ Thị Hồng Tiếm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị bày tỏ.

Điều ý nghĩa nhất của mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” là doanh nghiệp cam kết test Covid-19 cho người lao động hàng tuần để bảo vệ họ. Từ đó thấy được lợi ích thiết thực mà mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” mang lại là hoạt động sản xuất được duy trì, doanh nghiệp không có các ca F0, F1, F2 và đặc biệt đã nâng cao nhận thức cho người lao động chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Từ số ít các đơn vị ban đầu, tính đến thời điểm này, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động triển khai xây dựng được 743 mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp”. LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội để tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp; hướng dẫn các “Tổ An toàn Covid-19” chuyển trọng tâm hoạt động sang công tác chăm lo, hỗ trợ, phối hợp triển khai xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19, với việc nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động kinh tế của Hà Nội cũng khôi phục và phát triển trong trạng thái “bình thường mới”. Công nhân và người lao động đã trở lại làm việc, ổn định cuộc sống. Có thể nói, chưa bao giờ người lao động cảm thấy trân quý việc làm như lúc này. Bên cạnh khôi phục sản xuất, việc đảm bảo an toàn cho nhà máy, doanh nghiệp trước nguy cơ của dịch bệnh cũng là một yêu cầu cấp thiết.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Vận động đoàn viên, người lao động quyết tâm giữ vững “vùng xanh”, không để “chuyển màu”. LĐLĐ Thành phố đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục duy trì, bảo vệ “Vùng xanh doanh nghiệp” để mỗi doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở thực sự là một pháo đài, là mái nhà bình yên. Mỗi đoàn viên, người lao động là một chiến sĩ trong mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 lây lan, xâm nhập vào doanh nghiệp.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Từ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của LĐLĐ Thành phố, nhiều đơn vị đã có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất. Tại nhiều công ty, đơn vị việc bảo vệ “Vùng xanh doanh nghiệp” được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Đơn cử như hoạt động bảo vệ “Vùng xanh doanh nghiệp” được áp dụng tại Công ty CP Toàn Lực. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Toàn Lực cho biết trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Công ty CP Toàn Lực không tránh khỏi tác động mạnh mẽ. Trước đó, Công ty đã cho phần lớn công nhân lao động sản xuất tại bộ phận hàng hóa không thiết yếu phải tạm ngừng việc ở nhà, một số công nhân ở lại nhà xưởng thực hiện “3 tại chỗ”. Trong quá trình phục hồi sản xuất, Công ty đã nỗ lực bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, tạo môi trường an toàn để công nhân, lao động yên tâm làm việc. Công đoàn Công ty đã tuyên truyền rộng rãi đến công nhân lao động thực hiện tốt nguyên tắc 5K trong quá trình sản xuất. Đồng thời, động viên người lao động thích nghi với điều kiện nghỉ, làm việc tại chỗ, thay đổi thói quen sinh hoạt... bếp ăn cũng được Công ty sắp xếp lại để đảm bảo giãn cách. Nhờ đó, đến nay 100% công nhân lao động của công ty đã đi làm đầy đủ, tâm lý ai cũng vui mừng. Các đơn hàng đã ổn định hơn so với tháng trước, các chuỗi cung ứng cũng dần được nối lại.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Hay tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam, bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ, Công ty hiện nay luôn tuân thủ 5K, trong quá trình khôi phục, Công ty không sản xuất ồ ạt mà tiến hành kiểm tra các điều kiện an toàn của máy móc thiết bị sau thời gian tạm dừng hoạt động. Công ty cũng vừa tổ chức Hội nghị Người lao động theo hình thức online, đưa ra nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, nhằm động viên, hỗ trợ một phần chi phí để phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, doanh nghiệp có khoảng 5.000 lao động và chỉ có khoảng 50% lao động đi làm trong thời gian giãn cách xã hội. Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, Công ty đã bắt đầu bố trí công việc trở lại ở một số phân xưởng, bộ phận cần thiết. Bên cạnh đó, Ban An toàn và “Tổ An toàn Covid-19” của Công ty vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động: Nhắc nhở cán bộ, công nhân lao động giữ khoảng cách khi giao tiếp, làm việc; tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế; giám sát, phát hiện các trường hợp ho, sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh... để giữ vững “Vùng xanh doanh nghiệp”.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Không chỉ riêng việc đồng hành cùng doanh nghiệp giữ vững vùng xanh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô còn chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm động viên đoàn viên, người lao động ổn định tâm lý, tinh thần làm việc. Trong đó, nhận thức rõ vấn đề khi doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh, người lao động trở lại làm việc sau một thời gian dài thực hiện giãn cách sẽ còn nhiều khó khăn, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.

Riêng LĐLĐ Thành phố đã triển khai “Gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất, kinh doanh”, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người. Qua đó, động viên trực tiếp doanh nghiệp, người lao động vượt khó, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, sớm ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì đời sống, việc làm cho người lao động, với tinh thần “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động; tham gia chủ động vào công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp;

Hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật; tham gia, phối hợp cùng doanh nghiệp ổn định tình hình quan hệ lao động; đảm bảo điều kiện làm việc và các chế độ chính sách đối với người lao động; hỗ trợ, tạm ứng tiền lương cho đoàn viên, người lao động sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó cùng doanh nghiệp; nâng cao ý thức kỷ luật, tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” trong tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc.

Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn

Ngay sau chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm của người lao động. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố về việc tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động trong thời gian sau giãn cách xã hội, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã khẩn trương triển khai hỗ trợ 10.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch với số tiền 5 tỷ đồng.

Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động người lao động khắc phục khó khăn trong đời sống để trở lại doanh nghiệp làm việc bình thường; vượt khó, sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.

Liên quan đến công tác nắm bắt, ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp, Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng đã thành lập thí điểm 2 Văn phòng đại diện để tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc cho đoàn viên, người lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở; chỉ đạo Công đoàn cơ sở sâu sát với người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó phối hợp với người sử dụng lao động giải đáp thỏa đáng cho người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

“Ghi nhận thực tế cho thấy, người lao động rất phấn khởi và sẵn sàng quay trở lại làm việc. Nhờ đó, đến nay hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN&CX Hà Nội đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường”, ông Toản nhấn mạnh.

Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang thể hiện rõ nét vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp, liên tục từ khi dịch bệnh bùng phát đến giai đoạn bình thường mới. Từ đó cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Thủ đô.

Nội dung: Phương Ngân

Trình bày: Quốc Đại