--> -->
![]() |
Những năm qua, đội ngũ cán bộ công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn được đào tạo, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành cùng với hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động. Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay của các hoạt động kinh tế cũng như yêu cầu ngày càng cao của tổ chức nhằm tiếp tục đáp ứng các yêu cầu mới, trong tình hình mới… vấn đề nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn tiếp tục là trọng tâm mà Ban Thường vụ Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội hướng đến.
![]() |
![]() |
Cùng với hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), đoàn viên và công nhân lao động ngành Xây dựng Hà Nội đã luôn nỗ lực, tổ chức sôi nổi các hoạt động, làm phong phú thêm các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu mỗi năm góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Nhiều thành tựu đáng khích lệ đã được ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực như: quản lý xây dựng theo quy hoạch; quản lý vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng, công viên cây xanh, rác thải đô thị), phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, đặc biệt thúc đẩy, hoàn thành các dự án, các công trình trọng điểm...
![]() |
Nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được các cấp Công đoàn trong ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm mang tính cốt lõi của tổ chức. Trong đó, hàng năm, Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động.
![]() |
Kết quả, có 80% đơn vị xây dựng được Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế tổ chức Hội nghị người lao động, Quy chế đối thoại, bầu được các thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại theo quy định hiện hành. Trên 85% cơ quan, doanh nghiệp, trong đó 100% đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và trên 80% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức thành công Hội nghị Người lao động đúng thời gian quy định. 100% đơn vị hành chính sự nghiệp; 100% doanh nghiệp Cổ phần vốn nhà nước chi phối bầu Ban Thanh tra nhân dân. 100% doanh nghiệp Nhà nước và trên 75% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất giữa Thủ trưởng cơ quan doanh nghiệp và người lao động.
Những buổi đối thoại thẳng thắn trong Hội nghị Người lao động hàng năm đã góp phần phát huy dân chủ, nâng cao ý thức của người lao động trong tham gia quản lý, chia sẻ, đồng hành với cơ quan, doanh nghiệp. Liên tục trong nhiều năm, công tác này được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố và Đoàn liên ngành Thành phố tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, Hội nghị Người lao động”.
Xuyên suốt quá trình này, tư tưởng CNVCLĐ toàn ngành luôn kiên định; đời sống, việc làm, thu nhập tương đối ổn định; các chế độ chính sách được đảm bảo, người lao động yên tâm công tác; không có tranh chấp lao động lớn; không xảy ra sự cố cháy nổ, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động chết người.
![]() |
![]() |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn, hàng năm Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS có kỹ năng nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật và khả năng vận động, tập hợp quần chúng tham gia tổ chức công đoàn… nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, tổ chức các phong trào, hoạt động… Các lớp tập huấn tập trung vào những nội dung cơ bản và cần thiết cho cán bộ CĐCS như: Những vấn đề cơ bản về Công đoàn Việt Nam; kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động CĐCS; phương pháp hoạt động cán bộ CĐCS… đều được các giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn truyền đạt trực tiếp đến đoàn viên, người lao động.
Đơn cử như, để quán triệt triển khai Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Công đoàn ngành đã lên kế hoạch và tổ chức lớp tập huấn “Quán triệt triển khai Luật Công đoàn năm 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024”. Chuyên đề này giúp cho cán bộ công đoàn nắm rõ hơn về các quy định mới về chế độ chính sách đối với người lao động tại các CĐCS như chế độ hưu trí, thai sản, tử tuất, ốm đau… tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng như các quy định mới về lao động là người nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam; bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn...
Hay như buổi tọa đàm “Vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Văn hóa Việt, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, truyền đạt. Thông qua tọa đàm, các nữ đoàn viên ngành Xây dựng Hà Nội đã được truyền đạt nhiều kiến thức quý về bình đẳng giới, về hôn nhân gia đình và vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Mặc dù có nhiều chủ đề khác nhau nhưng tựu chung, hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới được thể hiện rõ qua từng câu chuyện. Buổi tọa đàm dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã mang lại nhiều niềm vui, những nụ cười tỏa nắng cho các nữ CNVCLĐ ngành Xây dựng Hà Nội đang ra sức ngày đem làm đẹp cho Thủ đô Hà Nội.
![]() |
Riêng đối với các nội dung học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh việc triển khai các hội nghị học tập chuyên đề hằng năm theo chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, của các cấp ủy Đảng, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã chủ động trong việc biên tập, thiết kế, chuyển tải các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lồng ghép với các chính sách, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước như: Toạ đàm tuyên truyền về Luật Thủ đô, các buổi sinh hoạt chuyên đề về: “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; về Nghị quyết 18 tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp Công đoàn; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tuyên truyền, vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức đồng thuận và tuân thủ các quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và vị trí việc làm.
Tại các buổi sinh hoạt chuyên môn này, đoàn viên, người lao động trong ngành được trực tiếp đồng chí Nguyễn Quán Phú - chuyên viên cao cấp, Nguyên Trưởng phòng Báo cáo viên, Ban Tuyên giáo Trung ương, truyền đạt. Với việc xây dựng từng nội dung riêng theo chuyên đề gắn với thực tiễn chuyên môn, đoàn viên, người lao động trong ngành đã rõ hơn về nhận thức, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới; đích đến của kỷ nguyên vươn mình; các mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; các yêu cầu đặt ra trong triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực; cơ hội, thời cơ và thuận lợi của đất nước trong kỷ nguyên mới; cũng như những khó khăn, thách thức cần được nhận diện, có giải pháp để ứng phó, đối mặt và vượt qua…
![]() |
“Công tác tập huấn cán bộ công đoàn là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các cấp Công đoàn trong ngành nhằm cung cấp, bổ sung kịp thời những kiến thức cơ bản về chính sách pháp luật mới ban hành, về phương pháp công tác, kỹ năng công tác công đoàn để thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, tham gia quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Đối với ngành Xây dựng Hà Nội, trong những năm qua, công tác tập huấn đối với cán bộ Công đoàn được thực hiện thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực. Quyền lợi của người lao động được đảm bảo, các cơ quan, doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của toàn ngành và của đơn vị hàng năm”, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, nhấn mạnh.
Công đoàn ngành đã đặt mua báo Lao Động và báo Lao động Thủ đô cho 100% ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn ngành và cung cấp cho các cơ sở có số lượng dưới 50 đoàn viên. Đồng thời, chỉ đạo các CĐCS mua báo Lao động Thủ đô nhằm đưa thông tin về phong trào CNLĐ Thủ đô đến người lao động. Thông qua nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục đã tập hợp được đông đảo CNVCLĐ, động viên tư tưởng, làm cho người lao động phấn khởi, gắn bó với đơn vị, lao động tốt hơn, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng.
![]() |
Phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề trong đoàn viên, người lao động đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được chú trọng. Nhiệm kỳ qua, mỗi năm, toàn ngành đã có trên 3.500 công nhân lao động được bổ túc tay nghề và thi nâng bậc thợ; trên 14.500 cán bộ, công nhân lao động được huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động theo định kỳ; trên 700 cán bộ, nhân viên, người lao động học đại học, lý luận chính trị trung, cao cấp; trên 1.800 cán bộ, nhân viên, người lao động học tập nâng cao trình độ vi tính, ngoại ngữ; Công đoàn ngành đã mở 10 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ Công đoàn và kiến thức pháp luật cho trên 1.700 lượt cán bộ CĐCS, đoàn viên công đoàn.
Đặt mục tiêu trọng tâm hướng về cơ sở, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, cho rằng, việc nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh của cán bộ công đoàn phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn. Trong thời gian tới, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, bám sát các hoạt động từ cơ sở nhằm phát hiện, lựa chọn các đoàn viên công đoàn ưu tú có tâm huyết, năng khiếu và bản lĩnh trong tổ chức hoạt động quần chúng để quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thành cán bộ CĐCS.
![]() |
![]() |
Nội dung: Tuấn Dũng | Đồ họa: Đức Hà