-->
Multimedia
07/07/2023 15:36
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

07/07/2023 15:36

Ngày 6/7, nhân dịp tri ân 56 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 - 6/7/2023), Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội đã chính thức mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm. Không chỉ tái hiện chân dung vị tướng tài, nơi đây còn lưu giữ hàng trăm tư liệu quý về lịch sử quân sự Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Không gian Bảo tàng giữ được hơi thở gần gũi, dung dị với hệ thống tư liệu được gia đình chuẩn bị công phu. Bảo tàng đã góp thêm cho Thủ đô Hà Nội một “địa chỉ đỏ” giàu ý nghĩa giáo dục về truyền thống cách mạng và lòng yêu nước.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

Ngày 6/7, nhân dịp tri ân 56 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 - 6/7/2023), Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội đã chính thức mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm. Không chỉ tái hiện chân dung vị tướng tài, nơi đây còn lưu giữ hàng trăm tư liệu quý về lịch sử quân sự Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Không gian Bảo tàng giữ được hơi thở gần gũi, dung dị với hệ thống tư liệu được gia đình chuẩn bị công phu. Bảo tàng đã góp thêm cho Thủ đô Hà Nội một “địa chỉ đỏ” giàu ý nghĩa giáo dục về truyền thống cách mạng và lòng yêu nước.

Trưng bày gần 700 tư liệu, hiện vật quý

về Đại tướng

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nằm tại số 81 đường Tân Nhuệ (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bảo tàng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định thành lập số 5764/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 theo nguyện vọng của gia đình Đại tướng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - con trai cố Đại tướng cho biết, ngay từ năm 1986, gia đình đã ấp ủ ý tưởng sẽ làm một không gian lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng.

“Trong không gian nhà ở 47 Phan Đình Phùng (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội), gia đình cũng đã sắp xếp một không gian lưu niệm về Đại tướng, song vẫn mong muốn có thể tổ chức thành khu trưng bày độc lập, đàng hoàng hơn. Ngay sau khi có quyết định thành lập Bảo tàng, gia đình đã mời các chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, mỹ thuật tư vấn xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, tổ chức sưu tầm, bổ sung tư liệu, hình ảnh cùng việc xin cấp phép và triển khai xây dựng công trình nhà trưng bày Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

Tòa nhà Bảo tàng được xây dựng từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022, với thiết kế kiến trúc lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, nơi Đại tướng và gia đình từng sinh sống, dựa trên ký ức và những kỷ niệm sâu sắc của các thành viên gia đình từ năm 1958 đến 1986. Chính ở ngôi nhà này, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, cũng là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, tiêu biểu như cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, Bảo tàng có tổng diện tích hơn 500m2, trong đó diện tích trưng bày khoảng hơn 200m2, được tổ chức theo tám chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối. Bên cạnh đó là các tiểu đề: Bình Trị Thiên khói lửa; Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, “Ông tướng du kích”,... Qua đó, làm nổi bật chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người lãnh đạo tài trí, có tầm nhìn chiến lược.

Cùng với hệ thống hơn 300 ảnh, hơn 150 tài liệu giấy phản ánh những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng, Bảo tàng còn giới thiệu đến bạn đọc 220 hiện vật đặc sắc, chứa đựng nhiều dấu ấn, kỷ niệm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như: Chiếc xe đạp Mercier mà Đại tướng đã sử dụng trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẩu súng ngắn P38 được Đại tướng dùng để tự vệ trong thời kỳ trực tiếp phụ trách, lãnh đạo phân khu Bình Trị Thiên, năm 1947; chiếc đồng hồ để bàn đã theo Đại tướng những năm 1954 - 1960; hay chiếc bi-đông đựng nước Đại tướng sử dụng khi công tác nông thôn từ năm 1961 - 1963...

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

Trong đó có những tài liệu lần đầu được công bố, như: Thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Ba Lan gửi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh đề nghị giúp đỡ trong công tác trưng bày triển lãm của Bảo tàng Quân đội Ba Lan; hay thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Tiệp Khắc (cũ) gửi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu giúp đỡ tổ chức lại Viện Bảo tàng Quân đội Tiệp Khắc...

Bảo tàng còn có hai không gian sống động được phục dựng, mang đến nhiều xúc cảm chân thực cho người xem là gian phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc của Đại tướng ở Trung ương Cục miền Nam.

Bảo tàng cũng dành không gian trang trọng trưng bày hơn 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng, hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đặc biệt, không thể không nói đến hệ thống 23 pho tượng đồng được tạo tác công phu gắn liền những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu cùng thời với Đại tướng, như: Cụm tượng Bác Hồ đến thăm gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Việt Bắc; cụm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên bố chung tại Hội nghị các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân thế giới năm 1960, hai bên là các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh;...

Đại tá Phạm Văn Phi nhấn mạnh: “Đây là nguồn tư liệu quý về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ các lĩnh vực mà Đại tướng được phân công đảm nhận đều có những bài học có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay”.

Thông qua mỗi chủ đề, hình ảnh, hiện vật, người xem có cơ hội hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về một vị tướng tài ba, một Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có tư duy đột phá trong xây dựng quân đội chính quy, cũng là một vị tướng của phong trào xây dựng nông thôn. Từ dấu ấn của “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất” đến những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, đều làm ngời sáng chân dung của một vị tướng gần dân, luôn hết lòng với công việc, cách mạng và nhân dân.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

Bảo tàng cũng dành một góc giới thiệu những hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chụp cùng gia đình, người thân; những lá thư viết tay từng ra Bắc vào Nam chứa đựng tình yêu son sắt đã được thử thách trong khói lửa chiến tranh của Đại tướng và vợ là bà Nguyễn Thị Cúc; những khoảnh khắc Đại tướng với các con...

Trong không gian trưng bày, có những tấm ảnh khiến người xem lặng đi khi nhớ về ngày 6/7/1967, đúng ngày quay trở lại chiến trường miền Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã bị cơn đau tim đột ngột và ra đi ở tuổi 53 trong sự tiếc thương vô hạn của những người ở lại. Đại tướng đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ngay cả đến những phút cuối đời...

Đại tá Phạm Văn Phi chia sẻ: “Mặc dù đây là một bảo tàng về một danh nhân, nhưng thông qua câu chuyện về một nhân vật lịch sử cụ thể, những hiện vật tại bảo tàng đã kể rõ hơn từng bước đi của cách mạng Việt Nam, từ khi thành lập Đảng đến khi đất nước giành được độc lập và bước vào hai cuộc kháng chiến sau này”.

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục

cho các thế hệ mai sau

Tại sự kiện Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách, Đại tá Nguyễn Văn Oanh, Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, tài trí, kiên quyết và có tầm nhìn chiến lược.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm nóng bỏng nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

“Việc thành lập, xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là việc làm rất có ý nghĩa, đúng với chủ trương đẩy mạnh các nguồn lực, xã hội hóa hoạt động bảo tàng của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm tri ân những công lao, cống hiến của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam và quân đội. Chúng tôi tin tưởng, khi đi vào hoạt động, Bảo tàng sẽ là “địa chỉ đỏ” để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế”, Đại tá Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh.

Bày tỏ sự xúc động trước các hiện vật quý giá, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước chia sẻ: “Các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng đã thể hiện rất rõ 3 phẩm chất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Đức - Trí - Dũng. Tôi vô cùng xúc động khi được tới đây, ngắm nhìn các hiện vật quý giá này”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ, không gian bảo tàng chứng tỏ sự cố gắng lớn của gia đình và cộng sự. “Sau 35 năm trong quân đội và thời gian công tác ở Viện Lịch sử quân sự, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi đánh giá rất cao tính cách, sự cống hiến và có thể gọi là phong cách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà nói.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà bất ngờ khi tham quan một vòng và nhận ra có những tư liệu, hình ảnh về Đại tướng chưa bao giờ xuất hiện. PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà đề xuất ý tưởng phát triển Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thành thư viện về Đại tướng để phục vụ nghiên cứu.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bị thu hút bởi những thông điệp, chủ đề được thể hiện ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. “Tám chủ đề ở trưng bày là thông điệp về chân dung một nhà cách mạng toàn tâm, toàn ý đối với dân tộc, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Thế hệ mai này nhớ tới Đại tướng ở sự giản dị, chân thành với đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Cô Khiếu Thị Trang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhân dịp Bảo tàng mở cửa, cô đã đưa 25 học sinh của mình tới tham quan. “Được tới bảo tàng, xem và nghe câu chuyện về các hiện vật gắn bó với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cô và trò có cơ hội hiểu thêm về sự nghiệp cũng như những đóng góp to lớn của Đại tướng với dân tộc. Đây là cơ hội quý báu để giáo dục các thế hệ tương lai về truyền thống, lịch sử vẻ vang của dân tộc”, cô Khiếu Thị Trang cho hay.

Đến tham quan Bảo tàng trong ngày đầu mở cửa, anh Nguyễn Thành Nam (quận Tây Hồ, Hà Nội) đánh giá: “Mỗi hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, thể hiện rõ cốt cách cũng như tài năng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi tin rằng, Bảo tàng sẽ là “địa chỉ đỏ” hấp dẫn nhân dân, cũng như du khách quốc tế mỗi khi tới Hà Nội”.

Nhiều chuyên gia bày tỏ ấn tượng trước hệ thống hiện vật phong phú và cho rằng, đây là bảo tàng của cả một thời đại hào hùng, ghi dấu ấn một nhân vật vĩ đại gắn bó với vận mệnh dân tộc. Bảo tàng sẽ là không gian học hỏi và nguồn tư liệu quý báu dành cho rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp chúng ta thấm nhuần hơn nữa lòng tự hào và tinh thần yêu nước.

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc nhận định: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chứa đựng những giá trị không thể đong đếm, bởi đây không chỉ là bảo tàng về một danh nhân, mà còn phản ánh cả một thời đại lịch sử với những nhân vật lịch sử lớn đương thời. Ông Dương Trung Quốc đề xuất, cần tiếp tục sưu tầm tư liệu, đặc biệt là tư liệu từ nước ngoài để nhân lên giá trị của bảo tàng.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không gian lịch sử đặc biệt

Bên cạnh đối tượng khách du lịch, bảo tàng cần quan tâm nhiều hơn đến việc thu hút học sinh, sinh viên, nhất là những người trẻ đang theo học, nghiên cứu về lịch sử, về công tác bảo tàng, bảo tồn, vì đây là không gian sống động để tìm hiểu, hình dung về một chặng đường gian khổ nhưng cũng vô cùng hào hùng của đất nước và quân đội ta.

“Sinh viên từ các ngành học về lịch sử, khoa học xã hội nên ghé thăm Bảo tàng như một cách tiếp cận với địa chỉ giáo dục trực quan. Và thế hệ mai sau có thể đưa bảo tàng thành trung tâm nghiên cứu nhân vật, thời đại lịch sử”, nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc nói.

Trong thời gian từ nay đến tháng 12/2023, Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và khách tham quan để hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành vào ngày 1/1/2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng.

Bài và ảnh: Hà Phong