-->
Mặc dù các giải pháp đã và đang được chính quyền thành phố Hà Nội triển khai khá đồng bộ, tuy nhiên để Hà Nội luôn “xanh” đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng cũng như của cộng đồng. Trong đó, ý thức trách nhiệm từ mỗi người dân sẽ quyết định sự thành bại của mọi giải pháp. |
Hà Nội vừa trải qua những ngày nắng nóng vô cùng khắc nghiệt, khiến cuộc sống sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Hình ảnh những y, bác sĩ mặc nhiều lớp bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19 bằng nilon trong những ngày nóng đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Hay kỷ lục về sử dụng điện trong những ngày nắng nóng và tin nhắn khuyến cáo của Bộ Công an về việc “Đảm bảo an toàn phòng cháy trong sử dụng điện” khiến nhiều người lo ngại. Hay bất chợt đi trên đường, chúng ta ngửi thấy mùi khét của việc đốt rác, đốt rơm rạ trong lòng Thành phố và những vùng ngoại ô… khiến cho không khí trở nên ngột ngạt. Rồi dịch bệnh ập đến, Covid-19 làm thay đổi mọi trật tự trong xã hội. Chúng ta đang thực hiện 5K, giữ khoảng cách, không tụ tập,… chính là để tránh lây nhiễm Covid-19 qua tiếp xúc và qua không khí. Khi phải hạn chế ra ngoài, chúng ta dần thay đổi thói quen tiêu dùng, nhưng việc tiện lợi lại kéo theo hệ lụy đó là việc phải sử dụng rất nhiều hàng hóa về nhựa, dẫn đến các vấn đề phân loại rác thải. Túi nilon, hộp nhựa, chai nhựa, cốc nhựa… từ những chuyến hàng “ship” đang bị thải ra môi trường ngày một nhiều. Thông thường chúng ta thường nghĩ đến biển, rừng, hệ sinh thái, tài nguyên… là những thứ ở đâu đó xa lắm, ít liên quan đến chúng ta, thế nhưng sự thật là hệ sinh thái ở ngay quanh chúng ta, đó là hệ sinh thái đô thị, hệ sinh thái nông thôn, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng… mà chính mỗi con người là một tác nhân tác động trực tiếp lên nó. Chúng ta đang “sống nhờ” thiên nhiên, “ăn” thiên nhiên, “uống” thiên nhiên. Tất cả những vấn này đều liên quan đến kinh tế, đến an ninh lương thực, đến nguồn nước sạch, đường khí hậu, thiên tai… Nhận định của đại diện Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) rằng Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với 122 hồ nội thành, 185 hồ ngoại thành và 13 con sông chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị, tránh úng, ngập cục bộ. Không những thế, các hồ trong nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các sông, hồ đều bị ô nhiễm. Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) là các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Nước thải sinh hoạt từ thành phố Hà Nội thải ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu (thuộc một số quận nội thành) khoảng 1 triệu m3/ngày, đêm, trong đó tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý trên 22%, còn lại chưa được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - sông Đáy. Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã có nhiều công trình, dự án, đề án bảo vệ, cải thiện môi trường nước các sông nội thành, các thông số chất lượng nước được cải thiện, đặc biệt là TSS (một chỉ số đánh giá chất lượng nước), tuy nhiên giá trị các thông số hữu cơ, TSS vẫn khá cao, vượt ngưỡng B1 của Quy chuẩn quốc gia Việt Nam - QCVN 08. Theo dòng chảy, ô nhiễm cục bộ xuất hiện thường xuyên trên đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực nội thành Hà Nội (đoạn từ Cầu Tó đến điểm Cầu Chiếc), chất lượng nước thường xuyên ở mức kém, thậm chí có thời điểm bị ô nhiễm nặng và ít chuyển biến giữa các mùa trong năm, kể cả vào mùa mưa. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất và làng nghề trong khu vực (nước thải làng nghề lụa Vạn Phúc, làng nghề miến Cự Đà...). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt của dân cư các quận, huyện ven sông và nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp chưa được qua xử lý xả thẳng vào sông. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông, con hồ ở Hà Nội... |
Hà Nội không chỉ đang đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, rác thải, ô nhiễm môi trường sông, hồ, suối, mà còn là sự thu hẹp không gian sống, áp lực về rác thải năng lượng, xăng xe,… và một số thói quen của người dân như bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, rác thải. Chính vì vậy, xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành một đô thị “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Hà Nội đã và đang xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao... trong đó không gian xanh, mảng xanh là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân cũng như chiến lược phát triển đô thị. |
Những chất bọc vở trong suốt được sử dụng phổ biến và hầu như xuất hiện ở mọi trường học. Tác hại nguy hiểm nhất của nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Cách đây không lâu, các học sinh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội cũng từng tiến hành thống kê số bọc vở nilon khổng lồ dùng trên cả nước cho mỗi năm học, qua đó kêu gọi các trường không quy định bọc vở bằng nilon để bảo vệ môi trường. Trong hội trại Học sinh tiêu biểu lớp 5 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã đưa ra thống kê: Mỗi học sinh tiểu học thường sử dụng từ 30-50 bọc vở nilon mỗi năm học. Chỉ tính riêng với 3.750 học sinh thì một năm học đã thải ra môi trường khoảng 178.500 chiếc bọc vở. Nếu lấy số đó nhân với trên 23,5 triệu học sinh, sinh viên của cả nước thì con số bọc vở nilon hàng năm đó lên tới hàng trăm triệu. Sau học kỳ, số lượng bọc vở bằng nilon này đa phần được thải ra môi trường, tạo nên lượng rác thải nhựa khổng lồ. Hay như một thử nghiệm, đó là mỗi gia đình tự ghi lại số lượng đồ dùng một lần bằng nhựa mỗi ngày. Số lượng chai nhựa, cốc nhựa, ống hút, tăm bông thân nhựa, túi nhựa, bao bì, màng bọc thực phẩm, khăn giấy ướt, dao, dĩa, thìa nhựa… Nếu tổng hợp lại sẽ thấy, trong một năm, mỗi cá nhân/gia đình dùng trên 1 nghìn sản phẩm đồ dùng một lần. Có lẽ chúng ta không khỏi giật mình về con số này và thấy mỗi sự thay đổi nhỏ, ngay ở góc độ cá nhân đều có ý nghĩa đáng kể. |
Thạc sĩ, chuyên gia môi trường Đỗ Vân Nguyệt (Nhà sáng lập, Giám đốc của tổ chức Live & Learn Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng) chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện các dự án môi trường, tôi từng trò chuyện với nhiều người, nhiều thế hệ. Tôi nhận thấy một câu chuyện phổ biến thế này: Ngày xưa, ông bà ta rất vất vả, sống tiết kiệm, chắt chiu, tận dụng từng thứ nhỏ nhặt nhất, nhưng ngày nay lại rất chiều con, chiều cháu, cái gì cũng mua. Rõ ràng họ áp dụng việc tiết kiệm với mình nhưng lại không áp dụng với người khác. Qua đó mới thấy rằng, trong việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, không chỉ bản thân mình tiết kiệm mà còn phải tiết kiệm cho người khác, cũng là để chia sẻ lối sống với con cháu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên để thiên nhiên có thể tái tạo được”. Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, ngày nay, Hà Nội và nhiều đô thị đã có nhiều nhóm người dân đang quay lại cách đi chợ ngày xưa, mang theo làn hay đồ đựng. Có khu vực chợ đã có người bán hàng để biển “Bán thịt, bán rau nhưng đừng bán túi nilon”. Ở nhiều trường học có phong trào thu gom vỏ hộp sữa giấy; bọc sách vở bằng giấy không bọc bằng nilon. Các nhóm trên mạng mở ra các phong trào tặng đồ không dùng; kết nối người bán và người mua hàng địa phương và tránh đồ dùng một lần… Qua những câu chuyện thực tế đó, có lẽ câu hỏi “Để được sống trong một thành phố xanh, chúng ta bắt đầu từ đâu?” đã phần nào được giải đáp. Không cần đợi chủ trương, chính sách hay các quy định bắc buộc, các chế tài xử phạt… thì mỗi chúng ta mới bắt đầu làm gì đó về môi trường; mà hãy bắt đầu từ ý thức của cá nhân mỗi người. “Mọi nỗ lực dù rất nhỏ nhưng tích tiểu thành đại, hãy từ 5K Covid-19 đến 5K môi trường: Không tạo thêm rác; Không đốt than, rơm, rác; Không lãng phí năng lượng; Không tiêu thụ động vật; Không khí sạch - không gian xanh”, bà Đỗ Vân Nguyệt nhấn mạnh. Các chuyên gia quốc tế đã cảnh tỉnh Covid-19 hay nhiều dịch bệnh bắt nguồn từ việc con người làm mất môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Mất đa dạng sinh học có thể thúc đẩy bệnh truyền từ động vật sang người. Mặt khác, nếu chúng ta giữ nguyên đa dạng sinh học, nó cung cấp các công cụ tuyệt vời để chống lại đại dịch. |
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, có rất nhiều định nghĩa về thành phố xanh, đô thị sinh thái – bền vững để nói tới sự hài hòa của môi trường, lối sống và văn hóa trân trọng thiên nhiên với sự tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa. Và quan trọng là, với Việt Nam hay Hà Nội chúng ta cần tham khảo lựa chọn định nghĩa phù hợp và có lộ trình để cả lãnh đạo, người dân, các doanh nghiệp và khoa học cùng chia sẻ tầm nhìn và thực hiện. Một thành phố xanh là xanh từ cây cối, có nguồn nước sạch, quản lý rác hiệu quả, không khí trong lành cho tới có nhiều không gian cho người đi bộ, xe đạp hay xe buýt, nông nghiệp đô thị và sử dụng năng lượng tiết kiệm và tuần hoàn. “Theo quan sát của tôi thì Thành phố đã có các quy hoạch và kế hoạch cũng như triển khai về nhiều mảng, ví dụ cây xanh, giao thông, biến đổi khí hậu và các chủ trương về cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên các kế hoạch và quy hoạch này còn chưa hệ thống cũng như chưa có sự tham gia của người dân cũng như có tính đồng bộ. Để làm được cả cấp vĩ mô và vi mô cần có sự bàn bạc, phối hợp cùng làm và cùng đón góp ý tưởng và chuyên môn của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Nhất là Hà Nội có rất nhiều các trường đại học và viện nghiên cứu cũng như các tổ chức xã hội. Một kế hoạch từ khâu xây dựng tới khi triển khai phải được tham vấn để thực sự hiểu, đồng lòng và huy động nguồn lực từ người dân”, bà Đỗ Vân Nguyệt cho biết. Cũng theo bà Đỗ Vân Nguyệt, ngoài những chủ trương của Hà Nội, thì vẫn còn có rất nhiều việc phải làm, bắt đầu từ hệ thống trường học và công sở cần là nơi triển khai các thực hành và lối sống xanh, đơn giản như thu gom rác, giảm đồ nhựa, tiết kiệm điện – nước, đi xe đạp hay phương tiện giao thông. Ở cấp Thành phố, các kế hoạch đưa ra cần bàn bạc thấu đáo và huy động ý kiến cũng như đóng góp từ các tổ chức xã hội, khoa học và doanh nghiệp. Ở cấp cơ sở, cần giới thiệu và chia sẻ về các ví dụ và thực hành tốt để làm nhiều hơn, thử nghiệm lớn hơn trong trường học, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp. “Lưu ý là môi trường cần nói và làm đi song hành, tránh hình thức và tuyên truyền suông. Và quan trọng mỗi giải pháp cần có quá trình hay lộ trình học hỏi, thử nghiệm, rút kinh nghiệm để phù hợp với mỗi tổ chức hay khu vực”, bà Đỗ Vân Nguyệt nhấn mạnh. |
. |
Nội dung: Bảo Thoa - Phạm Thảo Thiết kế: Đức Hà |
|
....