8,5% nông dân bị ngộ độc thuốc trừ sâu
Ông Trương Thanh Phong, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & phát triển nông thôn (RCRD) cho biết: Khảo sát tại 3 tỉnh Phú Thọ, Nam Định, An Giang cho thấy chỉ có 43% nông dân được tập huấn về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Số năm sử dụng hóa chất trong nhóm nông dân tham gia nghiên cứu là khá cao. Tại An Giang trung bình là 16 năm, Nam Định là 22 năm và tại Phú Thọ là 23 năm.
Ông Phong cho biết thêm, số liệu nghiên cứu cho thấy, có tới 86% nông dân cho rằng hóa chất bảo vệ thực vật là chất độc và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. 8,5% nông dân tại các địa bàn nghiên cứu khẳng định đã từng bị ngộ độc trong khi sử dụng hóa chất. Các triệu chứng mà số đông người thường gặp khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm mệt mỏi, nóng và ngứa, nhức đầu. Trong đó Phú Thọ có tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là Nam Định và An Giang. Đặc biệt tại Nam Định từng có trường hợp ngộ độc tới 5 lần.
Lo ngại về điều này, bà Trương Ngọc Thúy chuyên gia của RCRD nhấn mạnh, Paraquat và Cholorpyrios là hai loại hoạt chất bảo vệ thực vật cực độc, bản thân nước sản xuất không còn sử dụng nhưng vẫn được bà con nông dân ta ưa dùng. Đây chính là thủ phạm khiến nhiều trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu. BS Vũ Đức Thắng – Bệnh viện Gò Vấp ( TP Hồ Chí Minh) cho biết, chỉ cần uống một thìa cà phê paraquat là dẫn đến tử vong. Nếu ngộ độc ở nhà thì không có khả năng cứu sống bởi loại thuốc này có độ độc cao, tác dụng tức thì. Đây là loại thuốc được bà con ưa dùng, nên thuốc thường có sẵn trong nhà, đựng vào những chai lavie dễ nhầm với nước uống.
Hóa chất Paraquat gây chấn thương tại chỗ gồm viêm da nặng, bỏng, chảy máu mũi, bị thương ở mắt và mù, hỏng móng tay, mất ngón chân và ngón tay thường thấy với tỷ lệ cao đến 50% NLĐ bị phơi nhiễm. Ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài gồm bệnh Parkinson, phổi và ung thư. Nếu chẳng may, vô tình hay cố ý nuốt phải Paraquat sẽ khiến nhiều người tử vong.. |
Cắm hoa, cũng bị ngộ độc
Không chỉ người nông dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu mới ngộ độc mà trên thực tế đã có nhiều trường hợp ngộ độc do ăn phải rau, củ quả còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo bà Nguyễn Thị Hòa - PGĐ Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), kể cả người cắm hoa cũng dễ bị ngộ độc.
Lý giải điều này, bà Hòa cho biết, người trồng hoa cũng dùng hóa chất bảo vệ thực vật như trồng rau, họ đã dùng quá nhiều hóa chất để thúc ép hoa phát triển và có màu bắt mắt. Trong từng thời điểm, họ sẽ dùng từng loại thuốc để chống rệp, sâu bọ tấn công hoa hoặc dùng các loại hóa chất để bảo quản hoa tươi lâu hơn. Ngay cả tại các cửa hàng bán hoa, người bán cũng dùng hóa chất để hoa tươi lâu. Tất cả việc làm này có thể gây ngộ độc.
“Rõ ràng chúng ta chưa nhìn thấy ai chơi hoa mà chết ngay lập tức nên không ai sợ. Nếu người nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà tử vong ngay trên đồng ruộng chắc chắn sẽ không ai dùng nó nữa. Cần nhớ rằng, có loại bệnh là nguyên nhân từ thuốc bảo vệ thực vật nhưng không phải phát tác ngay mà nó tích lũy, phá hủy, làm cho cơ thể con người suy kiệt dần”, bà Hòa cảnh báo.
Bà Hòa cũng khuyến cáo, mùi thơm của hoa chính là mùi thuốc sâu và việc để một bình hoa trong nhà không khác với việc đang để bình thuốc sâu tỏa mùi trong nhà, nhất là trong phòng kín. Nếu muốn cắm hoa, tốt nhất là đặt bình hoa ở nơi thoáng khí, nhiều cửa sổ, không nên dùng tay trực tiếp bẻ cành, tuốt lá khi cắm hoa sẽ hạn chế thấp nhất chất độc hại của thuốc trừ sâu ngấm qua da vào cơ thể.
Nhân tuần lễ không thuốc trừ sâu ( 3- 10/12), TT Phát triển nông thôn bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển nông thôn (RCRD) đã tổ chức hội thảo quốc gia “ Xóa bỏ lệ thuộc vào hóa chất bảo vệ thực vật – những khoảng trống cần lấp đầy”. Hội thảo là dịp để các nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách, nhà giáo dục, nghiên cứu, truyền thông, thương mại, người tiêu dùng cũng như nông dân thảo luận tiến tới xóa bỏ lệ thuộc vào hóa chất bảo vệ thực vật. |
Hải Phong
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nguoi-dan-bi-dau-doc-boi-thuoc-tru-sau-9803.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này