![]() | Làng chè Ba Trại: Điểm sáng kinh tế của huyện Ba Vì |
![]() | Sau Tết, người lao động chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương hành chính |
![]() | Xã Minh Châu (Ba Vì): Sôi nổi cuộc thi bò lần thứ 2 |
Từ lâu, Ba Vì được đánh giá là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với việc phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đặc biệt, những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Hà Nội và các ngành chức năng, chính quyền địa phương, ngành chăn nuôi Ba Vì đang từng ngày hướng đến chuỗi giá trị bền vững.
Theo ghi nhận, Ba Vì là địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất thành phố Hà Nội, trong đó đàn bò thịt, bò sữa là 41.500 con. Hiện nay huyện đã quy hoạch và hình thành 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm, với tổng đàn bò thịt đạt trên 20.000 con, quy mô bình quân 5 con/hộ.
![]() |
Chăn nuôi bò ở huyện Ba Vì mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đ.L |
Toàn huyện Ba Vì có gần 150 trang trại, quy mô từ 20 con trở lên. Đến nay, đàn bò cái nền có khoảng 16.500 con, cơ bản là bò lai Zebu (lai Sind, Brahman...). Hằng năm, có trên 15.000 bê lai các giống bò chuyên thịt cho năng suất, chất lượng cao (BBB, Angus, Zebu, Wagyu...) được sinh ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo. Bê con sinh trưởng nhanh, có giá bán cao hơn so với bê thông thường cùng độ tuổi từ 5-7 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở xã Minh Châu là ví dụ. Theo tìm hiểu, Minh Châu là địa phương điển hình trong phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt tập trung của huyện Ba Vì. Những năm trước đây, nông dân xã Minh Châu chủ yếu là trồng ngô, đậu các loại và rau màu. Từ năm 2010 đến nay, do thu nhập từ trồng trọt bấp bênh, người dân đã chuyển dần sang diện tích trồng cây mầu sang trồng cỏ chăn nuôi bò.
Hiện nay diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò chiếm khoảng 65% diện tích đất canh tác của xã Minh Châu. Với tổng đàn bò hiện nay là 3.986 con, trung bình hàng năm xã Minh Châu cung cấp cho các địa phương khoảng 1.000 con bò giống và bò thịt. Về thu nhập từ chăn nuôi bò trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng từ bán bò, bê thịt các loại.
Một điểm nhấn trong hoạt động chăn nuôi ở Minh Châu là toàn bộ bò giống đều được công ty CP Chăn nuôi T&T 159 thu mua. Nông dân được hỗ trợ khép kín từ chuyển giao công nghệ về giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi đến thu mua sản phẩm. Giá thu mua luôn cao hơn thương lái, mua theo cân nặng thực tế, không “bán xô” theo đầu con...
Sự vào cuộc của các cấp chính quyền Hà Nội đã thêm động lực giúp ngành chăn nuôi của huyện Ba Vì trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Hy vọng, thời gian tới ngành chăn nuôi bò tại huyện Ba Vì sẽ sớm từng bước củng cố vị trí mũi nhọn trong phát triển kinh tế, từng bước hướng đến chuỗi giá trị bền vững.
Với những ưu thế nhất định, hiện chăn nuôi bò thịt đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều hộ dân trong huyện Ba Vì. Sau nhiều năm triển khai mô hình chăn nuôi khép kín, đã chứng minh đây là hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đối với một huyện miền núi. Nuôi bò lấy thịt đã và đang góp phần gia tăng giá trị cuộc sống của người nông dân, trở thành động lực để địa phương sớm cán đích trong xây dựng nông thôn mới. |
Đ.L
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nhieu-tiem-nang-phat-trien-chan-nuoi-bo-chat-luong-cao-tai-ba-vi-93421.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này