Cánh diều 2019: Bao giờ mới cất cánh?

16:04 | 18/04/2019
Một mùa Cánh diều nữa đã khép lại với những giải thưởng tôn vinh người làm nghệ thuật thứ bảy. Cứ mỗi năm một lần, giải thưởng này lại nhân danh nền điện ảnh Việt chọn ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm và sự thay đổi theo nhiều chiều hướng đa dạng của điện ảnh nước nhà, những tiêu chí của Cánh Diều dường như ngày càng khó bắt kịp tốc độ phát triển của điện ảnh. Do vậy, cũng như nhiều năm về trước, Cánh Diều vẫn chưa thực sự cất cánh.
canh dieu 2019 bao gio moi cat canh Nhã Phương giành giải nữ chính xuất sắc phim truyện điện ảnh tại Cánh diều vàng
canh dieu 2019 bao gio moi cat canh Cánh Diều năm nay đã ít phim hài nhảm, phim khai thác giới tính quá đà

Rầm rộ giải thưởng

Năm nay, giải Cánh diều 2018 có 144 tác phẩm ở 7 thể loại gửi đến tham dự: Phim tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim ngắn, phim truyện truyền hình, công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh…, trong đó bao gồm 14 phim điện ảnh, 13 phim truyện truyền hình, 14 phim hoạt hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 26 phim ngắn và 2 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.

Hạng mục được quan tâm nhiều nhất là Cánh diều vàng cho phim truyện điện ảnh đã được trao cho bộ phim “Chàng vợ của em” của đạo diễn Charlie Nguyễn. Charlie Nguyễn cũng đồng thời nhận giải Cánh diều vàng cho hạng mục đạo diễn phim điện ảnh xuất sắc nhất.

canh dieu 2019 bao gio moi cat canh

Phim giải trí “Chàng vợ của em” giành giải Cánh diều vàng 2018.

Ở hạng mục Phim truyện truyền hình, hai bộ phim “Bên kia sông” của Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM và “Quỳnh búp bê” của Hãng phim VFC, Đài Truyền hình Việt Nam cùng được vinh danh giải Cánh diều vàng. Hai diễn viên Nhan Phúc Vinh vai Tùng trong phim “Ngày ấy mình đã yêu” và Kim Tuyến vai Greta Trang trong phim “Mộng phù hoa” nhận giải Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình.

Ban tổ chức cũng lần lượt trao giải Cánh diều vàng cho các hạng mục: Phim tài liệu “Hãy nhớ bạn đang sống” của VTV8, Đài THVN và Phim khoa học “Trầm cảm sau sinh” của Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương; Phim ngắn “Mệ A” của đạo diễn Khánh Chi, Đài PTTH Quảng Bình; Phim hoạt hình “Bí mật hang Duôn” của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Ở hạng mục công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh không có tác phẩm được trao giải vàng, cả hai công trình tham dự cùng nhận giải Cánh diều bạc.

Giải đạo diễn Phim truyện truyền hình xuất sắc trao cho đạo diễn Nguyễn Khải Anh với phim “Ngày ấy mình đã yêu”; giải Quay phim xuất sắc trao cho Nguyễn Khắc Huy với phim “Mộng phù hoa”. Hai nhà biên kịch Minh Diệu và Ngô Hoàng Giang nhận giải Biên kịch xuất sắc với phim “Bên kia sông”. Đạo diễn, biên kịch - NSƯT Đỗ Đức Thịnh nhận giải Biên kịch xuất sắc cho phim phim “Siêu sao siêu ngố”, một bộ phim giải trí có doanh thu phòng vé cao.

Cũng ở thể loại phim truyện điện ảnh, Nam diễn viên chính xuất sắc thuộc về Liên Bỉnh Phát vai Dũng “Thiên lôi” trong phim “Song Lang” và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Hoàng Yến Chibi vai Hiểu Phương khi nhỏ trong phim “Tháng năm rực rỡ”.

Nhiều giải bị “đồng giá”

Được đánh giá nổi bật về nội dung và tính nghệ thuật, bộ phim điện ảnh “Song Lang” chỉ về thứ hai sau phim giải trí “Chàng vợ của em”. Theo các nhà phê bình điện ảnh, Song Lang của nhà sản xuất đình đám Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Quang Lê là tác phẩm điện ảnh theo thiên hướng nghệ thuật, kể câu chuyện đầy cảm xúc về thân phận con người, số phận của bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương bằng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính thẩm mỹ, là bộ phim hiếm hoi dung hòa được cả yếu tố giải trí - nghệ thuật. Với Song Lang, Leon Quang Lê đã chứng tỏ là một đạo diễn đáng nể và đáng được chờ đợi.

canh dieu 2019 bao gio moi cat canh
“Song Lang” của NSX đình đám Ngô Thanh Vân dành Cánh diều bạc 2018.

Bên cạnh đó, “Song Lang” còn được nhắc đến với yếu tố đặc trưng của nghệ thuật cải lương bởi Song Lang là tên một trong những nhạc cụ cổ truyền gắn với loại hình biểu diễn cải lương. Hình ảnh nhạc cụ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong phim, qua hình ảnh, lời bài hát và cả ý nghĩa biểu tượng của nó. “Song Lang” cũng có nghĩa là hai người chồng, nhưng cũng mang hàm ý chia ly, chính vì vậy để hiểu hết được dụng ý của đạo diễn Quang Lê không hẳn là đễ.

Xét về mặt cảm xúc, Song Lang mang đến cho khán giả nhiều điều đọng lại sau khi rời rạp, đó là nỗi buồn day dứt khôn nguôi. Chính vì những điều còn dang dở trong phim cho nên đạo diễn đã tạo ra một cảm giác “thiếu thốn” cho người xem và cứ nghĩ mãi về nó. Có lẽ đó chính là ý đồ nghệ thuật mà Quang Lê đã cố ý để người xem rơi vào cái “bẫy” mang tên dư âm của bộ phim

Còn “Chàng vợ của em”, không thể nghi ngờ gì với khả năng tuyệt vời của Charlie Nguyễn, tuy nhiên, ai cũng nhận ra, “Chàng vợ của em” đơn thuần là một bộ phim giải trí. Kịch bản “Chàng vợ của em” vẫn dựa trên nền tảng của nước ngoài tuy nhiên cũng có sức sáng tạo riêng.

Hàng năm, giải thưởng Cánh Diều vẫn đưa ra những tiêu chí chấm giải, tuy mỗi năm một khác nhưng vẫn kiên định với tiêu chí nhân văn, mang hồn dân tộc và mang tính nghệ thuật cao. Chưa bao giờ giải Cánh Diều đưa tiêu chí giải trí lên hàng đầu. Thế nên, khi “Song Lang”, một bộ phim điện ảnh tôn vinh nghệ thuật cải lương được công chúng và các nhà phê bình điện ảnh đánh giá cao lại chỉ ngậm ngùi với vị trí thứ hai sau bộ phim giải trí “Chàng vợ của em” khiến không ít người yêu điện ảnh nuối tiếc. Khó hiểu hơn nữa khi kịch bản “Siêu sao siêu ngố” đem về cho đạo diễn Đức Thịnh giải Biên kịch xuất sắc thì một kịch bản tốt như Song Lang lại trắng tay.

Và hạng mục Giải thưởng của Ban giám khảo cũng khiến nhiều người băn khoăn, bởi giải này được trao liền một lúc cho 4 phim, trong đó có “Siêu sao siêu ngố” - một bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhưng chỉ đậm chất giải trí, và “11 niềm hi vọng” - một bộ phim thể thao nhạt nhòa về nội dung khiến khán giả “xem xong là quên ngay”. Cho đến khi giải thưởng cho phim truyền hình được xướng lên, nhiều khán giả “ngã ngửa” bởi kết quả Cánh diều vàng dành cho Phim truyền hình xuất sắc đã được chia đôi cho “Quỳnh búp bê” và “Bên kia sông”. Có vẻ như giải thưởng Cánh Diều danh giá đang bị “đồng giá” bởi sự không chắc chắn về tiêu chí của mình.

Phát biểu khai mạc đêm trao giải, NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, điện ảnh Việt năm 2018 có nhiều bước tiến đáng khích lệ nhưng việc thiếu vắng các phim về đề tài cách mạng, mang hơi thở cuộc sống thời kỳ hội nhập, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay đặt ra nhiều trăn trở.

PGS. TS Trần Luân Kim cũng cho rằng, sắc màu văn hóa dân tộc ít được chú trọng, các phim chủ yếu đề cập đến các vấn đề vụn vặt trong cuộc sống và dừng lại ở mô tả hình thái thay vì đi sâu bên trong để truyền tải thông điệp lớn.

Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cũng tỏ ra quan ngại về một nền điện ảnh lai căng, đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều từ phim Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi cái tên “Chàng vợ của em”, một bộ phim giải trí được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài được xướng lên với giải Cánh diều vàng đã khiến cho sự quan ngại của nhà phê bình trở thành hiện thực.

Nên chăng, những người làm nghề điện ảnh chân chính cần là một giải thưởng minh bạch, đánh giá đúng giá trị tác phẩm, trao đúng cho tài năng, chứ không phải những giải thưởng khiến nhiều người vui nhưng sau rốt không có nhiều giá trị về mặt nghề nghiệp. Và nếu đáp ứng được điều đó, những giải thưởng mới chạm đến sự quan tâm của khán giả - dù không phải lúc nào sự chọn lựa của ban giám khảo cũng tương đồng sự chọn lựa của số đông người xem...

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này