![]() | Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao |
![]() | Sắp diễn ra chương trình Hợp tác ICT Việt Nam - Hàn Quốc 2018 |
Nhân lực vừa thiếu vừa yếu
Thống kê mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) cho thấy, hiện cả nước có 153 cơ sở giáo dục có đào tạo về ICT, mỗi năm có gần 35.000 sinh viên ra trường. Trong khi đó, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động.
![]() |
Triển lãm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp |
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực ICT lớn như vậy nhưng hiện nay các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Theo dự báo của Vietnamworks, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.
Trước thực trạng trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, nguyên nhân việc thiếu nhân lực trầm trọng là do các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao.
Theo ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
Giải thích nguyên nhân các chương trình đào tạo ngành CNTT còn có sự chênh lệch lớn với nhu cầu xã hội, PGS.TS Trần Thị Thái Hà - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Do các trường đại học chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trách nhiệm giải trình thấp; tính kết nối còn yếu do thiếu thông tin, thiếu động lực và năng lực. Do sinh viên và cha mẹ của sinh viên còn thụ động, lúng túng trong chọn trường, khó tìm việc; chưa sẵn sàng cho tương lai, thiếu thông tin, thiếu định hướng và chưa được trang bị kỹ năng mềm tốt.
Về phía doanh nghiệp, đơn vị này đang thiếu lao động có kỹ năng phù hợp, thiếu thông tin từ phía cung là các cơ sở đào tạo, trong khi lại tham gia yếu vào quá trình này. Các cơ quan bộ/ngành còn gặp khó khăn về quản lý và đưa ra chiến lược, chính sách thúc đẩy hiệu quả phát triển nguồn nhân lực.
Giải pháp nào hiệu quả và dài lâu?
Theo trao đổi của Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên CNTT của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh, tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ, các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu; kỹ năng cho Start-up còn mới với sinh viên.
Bởi vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT.
Cùng với việc sinh viên phải chủ động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt được khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về CNTT là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ ICT.
Nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu của đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt câu hỏi: “Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã nắm theo doanh nghiệp quyết định sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia với nhà trường để thiết kế sản phẩm hay chưa hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau, vẫn đổ lỗi cho nhau?”.
Từ thực tế đào tạo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn -Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Nhân lực ICT đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực, không phải chỉ của chính lĩnh vực ICT.
Vấn đề hiện nay là để đào tạo được nguồn nhân lực ICT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ “lõi”: IoT, Big Data, AI, Blockchain…
Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ; kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh tốt; kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: Trường đại học - Doanh nghiệp và Nhà nước.
Khẳng định, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo CNTT phải trở thành nhu cầu tự thân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Người đứng đầu ngành Giáo dục nhận định, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không mới, nhưng muốn hiệu quả, phải trở thành nhu cầu tự thân. Tức là các doanh nghiệp phải coi nhà trường như các bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại được. Việc kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo ra một hệ sinh thái gồm ít nhất 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Theo đó, nhà nước là các bộ chuyên ngành tạo môi trường thể chế chính sách thuận lợi, để cho các trường đại học và các doanh nghiệp hợp tác với nhau; Các trường đại học phải thay đổi căn bản tư duy, chuyển từ quản lý sang quản trị, tiếp cận thị trường, cung ứng các dịch vụ CNTT, đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái, trong đó thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Còn các doanh nghiệp phải coi đây là một cơ hội, động lực. Như vậy, giữa doanh nghiệp và các trường đại học đều phải có một lợi ích chung, có một động lực là cùng có lợi; có một áp lực chung là nếu không hợp tác tốt với nhau thì cả hai bên đều bị tụt hậu. Đặc biệt, các trường đại học phải giảm bớt thời gian học lý thuyết, thay vào đó, phải dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được “nhúng mình” vào hoạt động của các doanh nghiệp.
Từ quá trình làm việc sẽ tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh, sẽ hình thành văn hóa làm việc nhóm, chia sẻ, hỗ trợ nhau, thậm chí là văn hóa cạnh tranh. Còn các cơ quan bộ/ngành có trách nhiệm vừa kiến tạo, vừa gỡ vướng, gỡ khó khăn cho họ.“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện rất quyết liệt để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Chúng tôi tin rằng khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi ban hành, thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học phải đổi mới rất căn bản từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị nhà trường, lấy hiệu quả làm thước đo, lấy thị trường để theo đuổi” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đồng thời Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT khẳng định sẽ tạo các cơ chế chính sách và bảo trợ cho các hiệp hội như hiệp hội Tin học TP Hồ Chí Minh để xây dựng các điển hình, các cẩm nang hỗ trợ cho các doanh nghiệp và trường đào tạo ICT để thiết lập những mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi ngoài các trường.
Đặc biệt, hai Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để có những quy định thuận lợi nhất trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ICT vì một Việt Nam phát triển.
Phạm Thảo – Phương Ngân
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chia-khoa-vuon-ra-bien-lon-89780.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này