![]() | Nhiều sự kiện hấp dẫn tại Lễ hội “Sắc màu cao nguyên trắng” |
![]() | Văn minh chợ phiên giữa lòng Hà Nội |
![]() | Hội chợ Container bị lực lượng công an phong tỏa |
Đậm đà bản sắc văn hóa chợ phiên
Nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 60km, chợ phiên Bắc Hà từ lâu đã được biết đến là một trong những phiên chợ đặc sắc nhất với đầy đủ những nét văn hóa và màu sắc cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.
Đây là chợ phiên lớn nhất ở Lào Cai còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ, đậm đà bản sắc văn hoá của các dân tộc sinh sống tại mảnh đất này. Không họp thường xuyên như các phiên chợ miền xuôi, chợ Bắc Hà chỉ họp vào chủ nhật hàng tuần.
|
Cuộc sống của người dân vùng cao tuy có phần khó khăn nhưng họ vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư, phiên chợ cũng vì thế mà trở nên đặc biệt. Tuần nào phiên chợ cũng đông vui, tấp nập nhộn nhịp.
Ngay từ tờ mờ sáng, khi cái rét còn tê tái, các bản làng đang chìm trong màn sương, khắp các con đường dẫn về thị trấn, những bà mẹ tay dắt con trẻ, người gùi, kẻ vác hàng hóa, đàn ông, trai tráng, những chú ngựa cồng kềnh hàng hóa hòa vào dòng người cùng đi về phía chợ.
Với đồng bào nơi đây, họ đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, tâm tình sau những ngày lặng thầm lao động nơi sườn núi. Với những bộ trang phục sắc màu, mỗi dân tộc một ngôn ngữ, họ đến với chợ thông qua cái gật và nụ cười để trao đổi hàng hóa.
Những sản phẩm từ cuộc sống lao động nhọc nhằn trên những khoảnh đất rừng núi xa xôi: những củ khoai, bao gạo, lon nếp nương, bó cải mèo... đều được mang tới chợ.
Có lẽ điều ấn tượng nhất ở phiên chợ đó là cái cách mà người dân nơi đây mua bán thật đặc biệt. Họ đều thuần phác, chân thành đem lại hơi thở, nhịp sống vùng cao cho phiên chợ. Không giống với miền xuôi, việc mua bán ở phiên chợ nơi đây được thoải mái xem xét, lựa chọn.
Người bán hàng, người mua hàng với những khuôn mặt chất phác, thật thà, những nụ cười hiền hậu, họ thường không nặng về mời chào, nói thách, khi “ưng cái bụng” là sẵn sàng mua - bán. Bởi với bà con nơi đây, niềm vui trong phiên chợ giúp họ có thêm một mùa xuân ấm áp, an lành.
|
Anh Vàng A Duối (Bắc Hà, Lào Cai) hồ hởi: Người vùng cao xứ mình cứ đến phiên là cả nhà cùng đi chợ, có khi về chợ chỉ để uống cốc rượu ngô, kể với bà con dăm ba câu chuyện núi rừng nhưng không đi thì nhớ lắm. Món hàng bán được hay không, đắt hay rẻ… không quan trọng bằng cái tình mà mình cho và nhận được nơi phiên chợ. Bởi vậy mà nhiều đôi trai, gái đã nên duyên vợ chồng qua phiên chợ.
Nồng nàn men say hương sắc vùng cao
Với những người miền xuôi, chợ phiên nơi đây vui vì người đông đúc, đẹp vì thổ cẩm, theo đó những gian hàng thổ cẩm do chính tay người dân tộc nơi đây làm ra luôn cuốn hút khách chọn lựa.
Những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống đầy màu sắc được trải, treo khắp các gian hàng. Với những màu sắc đặc trưng của trang phục người Dao đỏ, những bộ váy áo xòe hoa của người H’Mông sặc sỡ với đủ màu sắc, họa tiết độc đáo,...
Đi kèm với trang phục là vòng, nhẫn, kiềng được đúc bằng bạc, bằng đồng... với những hình dáng và họa tiết mang đậm bản sắc dân tộc của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên vùng cao Bắc Hà. Những gian hàng này là điểm ghé thăm của hầu hết những người phụ nữ khi xuống chợ.
|
Chẳng những vậy, trong phiên chợ, bà con nói cười bên khu ẩm thực, nơi những chiếc chảo thắng cố nghi ngút khói bên cạnh những chum rượu luôn sóng sánh men say, nơi người miền xuôi hay miền ngược tuy lạ nhưng đều thành quen, cùng hòa vào nhau bên bát rượu ngô nồng ấm, thơm phức.
Người dân Bắc Hà thường nhắc khách đến chơi: “Khi vào nhớ dốc Trung Đô, khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Rượu ngô đã thành thức uống mang được cả phong vị của núi rừng miền cao nguyên trắng đến với du khách gần xa. Những phiên chợ, những chén rượu ngô chứa đựng niềm vui, tình cảm gắn kết, niềm hy vọng vụ mùa mới bội thu của bà con dân tộc nơi đây.
Theo người dân nơi đây, nghề nấu rượu ở Bắc Hà có từ rất lâu đời, cùng với thời gian, nghề được truyền từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ. Mặc dù có nhiều bản làng đều nấu rượu nhưng rượu ngô nơi đây đã trở thành thương hiệu vì rượu ngô được nấu từ ngô, men hồng mi, nước từ núi đá và tình cảm của người Bản Phố cùng hòa lẫn trong từng chum rượu.
Tất cả những điều đẹp đẽ ấy đã hun đúc cho phiên chợ nơi đây thêm sức cuốn hút. Ngày nay, đến những phiên chợ của người dân vùng cao, mỗi người đều cảm nhận được sự “thay da đổi thịt”, sự đi lên từng ngày trong cuộc sống của các dân tộc nơi đây.
Và khi sắc xuân đang ngập tràn khắp mọi nẻo trên các cung đường cao nguyên, các bản làng ở Bắc Hà, tiếng khèn cao vút cùng tiếng hát của các chàng trai, cô gái khiến ai đã đến thì khó dứt ra về. Chính những nét đẹp giản dị của phiên chợ ở vùng cao đã góp phần tô điểm cho bức tranh ngày xuân thêm rạng rỡ, tươi vui.
Hoa Nguyễn
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/cho-phien-bac-ha-net-cham-pha-tay-bac-88974.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này