Chuồn chuồn tre vươn cánh hội nhập

09:08 | 18/03/2019
Bằng sản phẩm thủ công độc đáo, những nghệ nhân đã sản xuất ra các chú chuồn chuồn tre độc đáo, đẹp mắt. Vài năm gần đây, thị hiếu của người tiêu dùng đã bắt đầu quay trở lại với đồ chơi truyền thống theo đó những chú chuồn chuồn tre được chắp cánh bay xa hơn tới thị trường trong và ngoài nước, được nhiều khách du lịch yêu thích lựa chọn.  
chuon chuon tre vuon canh hoi nhap "Thủ phủ" chuồn chuồn tre sôi động dịp giáp Tết
chuon chuon tre vuon canh hoi nhap Về làng chuồn chuồn tre

Hiện nay chuồn chuồn tre xuất hiện nhiều trong các lễ hội, đồ chơi truyền thống, trong các chợ đêm, cửa hàng lưu niệm... Chuồn chuồn tre tượng trưng cho nét đẹp văn hóa dân gian quê hương thấm đượm đức tính cần cù, chịu khó, khéo léo của người Việt.

chuon chuon tre vuon canh hoi nhap
Để hoàn thành những con chuồn chuồn tre, người thợ trải qua nhiều công đoạn khác nhau như tạo thân, đuôi, tạo hình cong của đầu, vót cánh...

Xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất được coi là cái nôi của nghề chuồn chuồn tre, từ nhiều đời nay, các nghệ nhân nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài, kỳ công sáng tạo ra những chú chuồn chuồn tre đẹp mắt với những mẫu mã phong phú, đa dạng hơn. Những chú chuồn chuồn bé xíu thoáng nhìn thấy rất đơn giản nhưng để hoàn thành cũng cầu kỳ không kém các sản phẩm thủ công truyền thống khác. Theo kinh nghiệm của người Thạch Xá, làm chuồn chuồn tre cần sự kiên trì, trung bình, để hoàn thiện mỗi mẻ chuồn chuồn mất khoảng gần 1 tháng.

Người thợ phải trải qua các công đoạn như chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vót đuôi, tạo mỏ, tạo hình cong của đầu chuồn chuồn. Tiếp tục vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành từng chú chuồn chuồn mộc. Sau đó, chuồn chuồn được đặt lên một chiếc que nhỏ, người thợ lại tiếp tục căn chỉnh thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân, vẽ trang trí họa tiết và sơn màu...

Đặc biệt, muốn chuồn chuồn đẹp thì phải chọn loại tre già, đã phơi khô, cứng cáp để làm cánh cho chắc chắn và đảm bảo dễ uốn cong. Chuồn chuồn tre có nhiều kích thước đa dạng, loại nhỏ chỉ dài khoảng 7cm, loại lớn có thể dài 15 - 20cm. Có những sản phẩm được đặt riêng để khách làm quà tặng hoặc trang trí trong gia đình.

Nghệ nhân Đỗ Văn Liên, người làm chuồn chuồn tre lâu năm tại xã Thạch Xá cho biết công đoạn sơn trang trí lên chuồn chuồn đòi hỏi những đôi bàn tay tỉ mỉ từng nét vẽ để đảm bảo độ cân đối, màu sắc hài hòa, bắt mắt. Hai cánh là nơi trang trí chủ đạo, dưới đôi bàn tay của người thợ nhiều chủ đề, họa tiết đã được sáng tạo ra để trang trí trên từng cánh chuồn. Vẽ chuồn chuồn tre đòi hỏi phải tinh mắt khéo tay, phải tập trung cao độ vì chỉ cần sai sót một chút là sản phẩm sẽ không thể hoàn thiện theo đúng ý.

chuon chuon tre vuon canh hoi nhap
Hoàn tất các công đoạn, những chú chuồn chuồn tre với đủ sắc màu, họa tiết trở thành món quà yêu thích của nhiều trẻ nhỏ, đưa các em trẻ về với ký ức tuổi thơ

Ngày nay chuồn chuồn tre Thạch Xá đã vượt ra khỏi lũy tre làng, được xuất bán sang một số nước trong khu vực, làm quà trao tay cho nhiều khách du lịch muôn phương. Bằng những nét đẹp ấy, từng chú chuồn chuồn tre đã trở thành món quà tinh hoa góp phần cùng với những sản phẩm truyền thống khác của dân tộc như nón lá, tò he... in đậm dấu ấn, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam gửi tới bạn bè quốc tế.

Mặc dù thị trường tiêu thụ chuồn chuồn tre đã được mở rộng hơn nhưng những người làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá vẫn mong muốn được hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mỗi chú chuồn chuồn tre được chắp cánh bay xa hơn, vượt đại dương đến những bầu trời Âu, Mỹ...

N. Hoa - P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này