Đổi mới phương thức hoạt động CĐ:

Hướng tới phục vụ đoàn viên và người lao động

15:28 | 02/10/2018
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động Công đoàn (CĐ) theo hướng cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức CĐ phục vụ đoàn viên, người lao động (NLĐ); kịp thời giải quyết những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành CĐ các cấp trước đoàn viên, NLĐ là một trong những nhiệm vụ then chốt của tổ chức CĐ trong nhiệm kỳ mới (2018 - 2023).
huong toi phuc vu doan vien va nguoi lao dong Biểu giá bán điện cho công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà
huong toi phuc vu doan vien va nguoi lao dong Thiết thực vì quyền lợi người lao động

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 5 năm tới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức và hoạt động của CĐ tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, NLĐ đối với tổ chức CĐ ngày càng cao.

huong toi phuc vu doan vien va nguoi lao dong
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì thảo luận xây dựng tổ chức CĐ Việt Nam vững mạnh

Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức CĐ Việt Nam. Theo đó, Đại hội XII CĐ Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế để các cấp CĐ phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm trong hoạt động CĐ phù hợp với thực tiễn ngành, địa phương, cơ sở và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; lựa chọn những nhiệm vụ cần thiết để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác.

Khẳng định việc xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh cần bắt đầu từ công tác đoàn viên, công tác cán bộ, công tác xây dựng tổ chức bộ máy, công tác xây dựng tổ chức cơ sở, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Trong công tác cán bộ CĐ, mỗi cấp CĐ cần đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ ở mỗi cấp; vấn đề chăm lo công tác cán bộ CĐ - từ tuyển chọn, quy hoạch, quản lý, bố trí, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ CĐ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ; các giải pháp đổi mới công tác cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Đặc biệt, các cấp CĐ cần đổi mới cách thức xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở từ việc thụ động theo chỉ đạo của CĐ cấp trên sang phương thức xây dựng chương trình, kế hoạch công tác căn cứ vào yêu cầu của CĐCS trực tiếp quản lý, có giải pháp cụ thể để cùng với CĐCS giải quyết các vấn đề chính đáng do số đông đoàn viên và NLĐ yêu cầu. Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cán bộ CĐ cấp trên trực tiếp bám địa bàn, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ CĐCS, cán bộ, đoàn viên và NLĐ trong phạm vi quyền và trách nhiệm của từng cấp CĐ”, đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương nêu ý kiến: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS trong doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ tỉnh Bình Dương trong tình hình mới” và thực hiện 2 nhóm giải pháp, trong đó với cấp CĐCS: Giảm bớt cơ cấu tổ chức trung gian, tăng cường áp dụng mô hình tổ chức Ban Chấp hành CĐCS chỉ đạo trực tiếp tổ CĐ. Đặc biệt, đổi mới nội dung, nhiệm vụ CĐ theo hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; ưu tiên những nhiệm vụ thiết thực đối với đoàn viên, giảm bớt những nhiệm vụ CĐCS không đủ điều kiện thực hiện.

Với CĐ cấp trên cơ sở, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đổi mới phương thức chỉ đạo của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đối với CĐCS theo hướng: Chuyển đổi phương thức chỉ đạo một chiều sang trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức cho CĐCS chủ động thực hiện nhiệm vụ; cùng với CĐCS giải quyết vấn đề khó khăn vướng mắc của CĐCS. Thực hiện “Đổi mới phương thức chỉ đạo của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đối với CĐCS theo hướng phục vụ đoàn viên và NLĐ”.

Phân tích thực tế cán bộ CĐ chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở có nơi vừa thiếu, vừa yếu năng lực yếu nhưng chưa có giải pháp thay thế, khắc phục; việc triển khai các hoạt động CĐ hiện nay còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm.

Trong khi đó, cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp hầu hết kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, một số nơi phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp về thời gian hoạt động CĐ.... đại diện LĐLĐ tỉnh Kon Tum cho rằng: Cần chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở bằng cách “cầm tay chỉ việc” trong mọi hoạt động; đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc họp Ban Chấp hành CĐCS, trong đó tập trung nghiên cứu, thảo luận để quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến chăm lo bảo vệ NLĐ; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, xác định rõ thứ tự ưu tiên thực hiện những việc thuộc các vấn đề quan hệ lao động, giảm bớt các nhiệm vụ không liên quan đến quan hệ lao động; phương pháp tổ chức thực hiện phải quyết liệt sát cơ sở, sát NLĐ, lấy CNLĐ là đối tượng vận động – đối tượng phục vụ, chủ động tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, khắc phục bệnh hình thức, hành chính, quan liêu thiếu cụ thể.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này