![]() | “Phố không khói bụi” dưới lòng Hà Nội |
Theo quan sát của phóng viên, tại các vị trí có cầu dành cho người đi bộ có rất ít người chọn giải pháp sang đường bằng cầu đi bộ. Hình ảnh người đi bộ “vô tư” sang đường không đúng nơi quy định, luồn lách mình qua dòng xe để sang đường bỏ qua sự tồn tại của các cây cầu đi bộ đang diễn ra thường xuyên tại nhiều đoạn đường.
Đơn cử tại cầu vượt trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), khu vực gần trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, thưa thớt, vắng bóng người qua cầu để sang đường. Trong khi cách đó không xa là điểm dừng đỗ xe buýt, rất nhiều sinh viên, người dân (thậm chí người cao tuổi) dù vào giờ cao điểm vẫn hồn nhiên băng qua dòng xe cộ đông đúc để sang đường.
|
Cầu vượt cho người đi bộ đã vậy, hầm dành cho người đi bộ còn bi đát hơn, với tâm lý ngại đi bộ xa, đi xuống hầm vắng vẻ (dù tất cả các hầm đi bộ đều được bố trí hệ thống chiếu sáng đầy đủ) nên rất ít người dân chọn hầm đi bộ để sang đường.
Ghi nhận tại hầm đi bộ trên đường Phạm Văn Đồng (khu vực gần cổng trường Đại học Ngoại ngữ) nơi luôn có lưu lượng người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông lớn, sau một giờ quan sát, chúng tôi nhận rất nhiều nhóm sinh viên đi cắt ngang dòng xe đang chạy để băng qua đường. Vào lúc xe quá đông, nhiều người đi bộ tụ lại thành nhóm để sang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
|
Khi được hỏi về lý do không sử dụng hầm, cầu đi bộ, nhiều người đi bộ cho rằng do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập như cầu vượt, hầm đi bộ cách xa điểm cần đến, các hầm đi bộ luôn vắng người đi nên người dân e ngại tình trạng thiếu an toàn trong các hầm,... Tuy nhiên, lý do mà phần lớn người đi bộ đưa ra là băng qua đường vốn nhanh, thuận tiện hơn nhiều so với xuống hầm, cầu vượt dành cho người đi bộ.
Một người dân sống trên khu vực gần hầm đường bộ trên đoạn đường Khuất Duy Tiến cho hay: “Việc đầu tư xây dựng hầm dành cho người đi bộ là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên đến nay chúng tôi hầu như rất ít sử dụng hầm này. Nguyên nhân là do việc tính toán, xây dựng hầm tại một số địa điểm thiếu hợp lý không tính đến nhu cầu sử dụng của người dân nên chưa đem lại sự thuận tiện”.
|
Em Nguyễn Thị Mai (sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ) chia sẻ: “Hầm đường bộ gần cổng trường tuy được quét dọn sạch sẽ, trong hầm có đèn chiếu sáng nhưng rất ít người qua hầm nên đi bộ một mình dưới hầm em thấy không yên tâm. Đồng thời nếu đi hầm, quãng đường từ cổng trường sang điểm buýt bên đường của em quá xa không thuận tiện”.
Thực tế trên cho thấy, mặc dù các hầm dành cho người đi bộ được chú trọng đầu tư xây dựng với mức kinh phí hàng nghìn tỷ đồng nhưng do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cụ thể là đi đúng vào các vị trí dành cho người đi bộ của người dân chưa cao dẫn đến sự lãng phí không hiệu quả.
Theo đó, để phát huy hiệu quả của những cây cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thiết nghĩ người dân cần thay đổi thói quen sang đường đúng nơi quy định. Đồng thời, các ngành chức năng cần có sự tính toán hợp lý, khảo sát kỹ lưỡng thực tế thói quen, nhu cầu sử dụng của người dân để chỉnh sửa, bố trí xây dựng cho hợp lý hơn.
Nguyễn Hoa
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/nguoi-dan-chua-man-ma-voi-cau-vuot-ham-di-bo-80725.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này