Nghệ An:

Tín dụng chính sách nuôi dưỡng ước mơ hàng ngàn sinh viên nghèo

08:15 | 19/08/2018
Nhờ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) của Thủ tướng Chính phủ theo theo Quyết định 157, hơn 11 năm qua, tại tỉnh Nghệ An, đã có hàng ngàn hộ gia đình được vay vốn để cho con đi học tại các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo nghề.
tin nhap 20180818225947 Hơn 1,2 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn
tin nhap 20180818225947 Tăng cường nguồn vốn đến gần hơn với hộ chính sách
tin nhap 20180818225947 Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững

Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, trong 11 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc bình xét cho 545.898 HSSV được vay vốn, đạt doanh số 4.256 tỷ đồng.

tin nhap 20180818225947

Các phụ huynh HSSV ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đến Điểm giao dịch xã của NHCSXH để nhận vốn vay. Ảnh: Trần Việt

Tính đến hết ngày 31/7/2018 tổng dư nợ chương trình đạt 676 tỷ đồng, với 27.639 HSSV đang vay vốn. Một số địa phương có dư nợ vay lớn như huyện Yên Thành 83 tỷ đồng; Diễn Châu 64 tỷ đồng; Thanh Chương 56 tỷ đồng; Anh Sơn 52 tỷ đồng; Đô Lương 51 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 46 tỷ đồng, Tân Kỳ 45 tỷ đồng, TP Vinh 39 tỷ đồng...

Từ nguồn vốn vay, đã có 27.573 SV học đại học với dư nợ 663 tỷ đồng, chiếm 69,5% về dư nợ; có 11.867 SV cao đẳng với dư nợ 246,6 tỷ đồng, chiếm 25,9%; có 2.645 HSSV học trung cấp với dư nợ 43 tỷ đồng, chiếm 4,5%. Ngoài ra, có 13 HSSV học nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) với dư nợ 169 triệu đồng, chiếm 0,02%. Doanh số thu nợ đến tháng 7/2017 đạt hơn 250 tỷ đồng. Các huyện có tỷ lệ thu nợ cao như: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Anh Sơn...

Là một huyện nghèo miền núi, Tương Dương hiện đang có trên 600 SV đang vay vốn với tổng số vốn 12 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình Vi Văn Miên cho biết: “Trong số gần 50 SV của xã vay vốn trong những năm gần đây thì đã có một số SV ra trường và tìm được việc làm như trường hợp của em Lô Thị Huyền học trường Đại học Luật Hà Nội, hiện là công chức của xã.

Hay em Lô Văn Nghĩa học trường Cao đẳng Thể dục Thể thao, khi hoàn thành khóa học trở về quê hương làm giáo viên thể dục. Còn những trường hợp khác khó khăn chưa tìm được việc làm ổn định thì UBND xã làm việc với NHCSXH huyện tạo điều kiện gia hạn thêm cho các em và gia đình.

Còn tại huyện Nam Đàn, hiện cũng đang có 2.100 SV vay vốn theo chương trình vay vốn tín dụng đối với HSSV với dư nợ hơn 51 tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH huyện Hồ Văn Lý cho hay: 11 năm thực hiện chương trình có nhiều hộ gia đình đã được vay vốn, hỗ trợ học tập cho con em ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhiều SV sau khi ra trường đã có việc làm ổn định và trả nợ trước thời hạn.

Khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính ưu việt của chương trình, ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh thêm: Đây là sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với sự nghiệp “trồng người”. Trong suốt thời gian qua, chương trình đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao từ cộng đồng xã hội, là chương trình tín dụng có tính xã hội hóa cao, được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan từ Trung ương đến địa phương phối hợp triển khai đạt kết quả cao.

Để chương trình đạt được hiệu quả xã hội thiết thực và rộng lớn hơn, đại diện NHCSXH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, bên cạnh sự nỗ lực cao của ngân hàng, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo rà soát, bổ sung, xác nhận đối tượng kịp thời, chính xác để ngân hàng căn cứ cho vay, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các tổ chức nhận ủy thác trong việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách tín dụng HSSV đến với người dân.

Việt Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này