Phòng, chống cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh ăn uống

Kỳ 1: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

13:32 | 19/07/2018
Qua khảo sát, hầu hết các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có diện tích khá nhỏ, hẹp, lại thường sử dụng các loại bình gas công nghiệp để nấu nướng nhưng việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ lại rất sơ sài. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, nếu để xảy ra cháy nổ thì hậu quả sẽ khôn lường.
ky 1 tiem an nhieu rui ro Kỳ 4: Chủ động phòng, chống cháy rừng
ky 1 tiem an nhieu rui ro Kỳ 3: Hỏa hoạn chực chờ ở các khu tập thể cũ
ky 1 tiem an nhieu rui ro Kỳ 2: Nỗi lo cháy chợ

Nhiều vụ cháy xảy ra

Cách đây ít ngày, một vụ cháy lớn xảy ra tại một quán bia trên đường Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm đã khiến nhiều người hoảng loạn. Đám cháy xảy ra vào gần tối, lúc quán khá đông khách. Theo một số người dân chứng kiến sự việc, lửa bắt đầu lan ra từ bếp và bùng lên nhanh chóng khiến nhiều khách hàng hốt hoảng, bỏ chạy. Đám cháy sau đó lan lên tầng hai khiến một số khách phải nhảy từ tầng hai xuống đất để thoát thân.

Nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 (thuộc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội) đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường chữa cháy và ngăn chặn đám cháy lan rộng. Theo ghi nhận tại hiện trường, khu vực bếp bị cháy đen. Nhiều vật dụng như bình gas, thực phẩm chế biến được nhân viên và lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đám cháy. May mắn là vụ cháy không xảy ra thương vong.

ky 1 tiem an nhieu rui ro
Vụ cháy tại cửa hàng bia hơi trên phố Quán Sứ

Trước đó không lâu, tại nhà hàng Bếp Mường trên phố Cao Đạt, quận Hai Bà Trưng,cũng xảy ra cháy khiến hàng chục thực khách bị mắc kẹt. Vụ cháy này cũng xảy ra vào tầm cuối chiều, lúc nhiều người đi ăn tối. Tòa nhà có nhà hàng Bếp Mường cao khoảng 12 tầng. Điểm bùng phát hỏa hoạn được xác định là từ tầng 2 của tòa nhà. Trước tình hình ngọn lửa bùng phát dữ dội, nhiều người trong nhà hàng này đã hoảng hốt chạy lên tầng thượng để chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu. Phát hiện đám cháy, người dân xung quanh khu vực cùng nhân viên nhà hàng đã sử dụng các phương tiện chữa cháy cá nhân để dập lửa, đồng thời tri hô báo cháy và thông báo cho lực lượng chức năng.

Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 ngay khi nhận được thông báo đã điều động hai xe chữa cháy chuyên dụng, một xe thang cùng xe cứu nạn, xe tiếp nước tới hiện trường triển khai các phương án dập lửa, tổ chức giải cứu người bị mắc kẹt.Sau khoảng một giờ, lực lượng chức năng đã khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy. Đồng thời, hướng dẫn thoát nạn, đưa 17 người bị mắc kẹt bên trong đám cháy ra ngoài an toàn.

Một nhà hàng khác là Mường Động Quán trên đường Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy cách đây không lâu cũng đột nhiên bùng cháy khiến không ít thực khách hoảng sợ, bỏ bàn ăn chạy tán loạn. Giống như nhà hàng Bếp Mường, Mường Động Quán cũng được bài trí theo lối thôn quê, sử dụng khá nhiều các vật liệu dễ cháy như tre, nứa nên khi xảy ra cháy bắt lửa rất nhanh...

Có thể thấy, hầu hết,những vụ cháy xảy ra tại các nhà hàng, quán ăn đều gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và phải cần một thời gian dài mới khắc phục xong hậu quả. Những vụ cháy xảy ra gần đây không gây thương vong về ngườinhưng vẫn luôn tiểm ẩn rất nhiều rủi ro.

Chủ cơ sở kinh doanh vẫn chủ quan

Dù đã liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo về nguy cơ cháy nổ và những thiệt hại nghiêm trọng do cháy gây ra, thế nhưng, nhiều chủ cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn lơ là. Tâm lý chủ quan, xem nhẹ công tác PC&CC của không ít chủ cơ sở vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Có nhà hàng mặc dù đã trang bị bình chữa cháy song do lâu ngày không sử dụng đến, lại tốn diện tích, vướng víu ảnh hưởng đến sinh hoạt nên gia chủ lại cất đi cho gọn. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy nổ không có phương tiện chữa cháy kịp thời.

Trong các nhà hàng, lượng bình gas tập trung rất lớn, thường từ 2 – 20 bình loại 48kg, đấu nối vào khu vực bếp là các đường ống, hệ thống van an toàn tự thi công không được cơ quan an toàn kiểm định chất lượng, các hệ thống gas thi công và đặt để sử dụng không đúng tiêu chuẩn. Không trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy đủ tiêu chuẩn.Thậm chí, có những nơi còn sử dụng bình gas trôi nổi, các thiết bị không bảo đảm, vỏ bình cũ nát.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết, dù cho nguy cơ cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống vẫn luôn thường trực, thế nhưng tại các cơ sở kinh doanh này, công tác phòng, chống cháy nổ vẫn còn lơ là, không được coi trọng. Nhiều chủ hộ kinh doanh, chủ hộ gia đình và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy... Rất nhiều cơ sở thuê nhân viên thời vụ, do đó công tác tập huấn chưa được quan tâm chu đáo. Vì vậy, hầu hết các nhân viên phục vụ, đầu bếp đều không nắm được các kiến thức, kỹ năng xử lý khi xảy ra sự cố về gas hay điện. Dẫn đến việc khi xảy ra cháy nổ, họ không chủ động tham gia chữa cháy mà chọn cách bỏ chạy…

Hà Phong

(còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này