Lễ hội Đền Sóc năm Mậu Tuất văn minh, hấp dẫn du khách

21:45 | 21/02/2018
Hôm nay, 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn – Hà Nội) đã được khai mạc. Hàng ngàn người dân đã hành hương về Đền Sóc để tham gia Lễ hội và dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Gióng đã có công đem lại thái bình cho nhân dân.
le hoi den soc nam mau tuat van minh hap dan du khach Sẽ không còn cảnh tranh cướp lễ vật tại lễ hội đền Sóc
le hoi den soc nam mau tuat van minh hap dan du khach Chốn linh thiêng dưới hàng ngói đỏ phủ rêu trên núi Vệ Linh

Đúng 7 giờ sáng, Lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã tổ chức nghi lễ dâng hương lên khu vực đền thờ Thánh Gióng tại Đền Thượng. Sau khi đánh trống khai hội, các nghi thức đọc văn tế, lễ rước và lễ tế của các thôn làng được thực hiện trong không khí linh thiêng trước sự chứng kiến của người dân.

le hoi den soc nam mau tuat van minh hap dan du khach
Rước kiệu hoa tre là một nghi lễ quan trọng của Lễ hội.

Nghi lễ rước kiệu hoa tre luôn là phần được quan tâm nhất trong ngày khai hội. Kiệu hoa tre sau khi rước được đưa vào bên trong đền Thượng, các hoa tre dược rút ra đưa vào thùng kín mang đi lễ tạ tại đền Hạ. Theo thông lệ, lễ rước có 7 đoàn lễ ứng với 7 xã của huyện Sóc Sơn.

Cùng với kiệu hoa tre, kiệu rước “Tướng bà” được nhiều người dân quan tâm. Theo quy định từ xưa, người hóa thân thành "Tướng bà" phải có gương mặt ưa nhìn, sáng sủa, học giỏi. Đoàn rước kiệu "Tướng bà" có đầy đủ các thành phần gồm các cụ cao tuổi, cán bộ đoàn thể trong xã và 12 thanh niên trên 18 tuổi khiêng kiêm bảo vệ kiệu. Đoàn rước kiệu xuất phát từ đình làng Yên Tàng tiến về đền Sóc. Năm nay, lực lượng an ninh ở Sóc Sơn đã cõng cô bé 9 tuổi đóng vai "Tướng bà" để bảo vệ cô bé khỏi bị bắt cóc.

le hoi den soc nam mau tuat van minh hap dan du khach
Khu vực bán hàng quy củ, ngăn nắp, không còn nạn chặt chém, chèo kéo du khách.

Ngoài các nghi lễ, những trò chơi dân gian cũng được tổ chức để phục vụ người dân tham gia lễ hội như đấu vật, thi nấu ăn, cờ tướng, chơi ô ăn quan. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, kéo dài từ hôm nay (21/2) đến 23/2, tức mùng 8 tháng Giêng.

Năm nay, không còn tình trạng chặt chém, cướp hoa tre ở Lễ hội. Trong khu vực đền được vệ sinh sạch sẽ, quy củ, khu vực gửi xe của khách cũng rộng rãi, giá trông giữ xe đúng quy định. Khu vực bán hàng được tổ chức ở phía ngoài cổng đền được bày bán ngăn nắp, bài trí sạch sẽ, bắt mắt. Khu vực phía trong đền không còn tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách hay vứt rác bừa bãi.

Trước đó, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã ra bản kế hoạch tổ chức lễ hội, theo đó, Lễ hội phải được tổ chức một cách chu đáo, các nội dung thiết thực, đúng với quy chế và kịch bản lễ hội đã được phê duyệt. Nghi lễ trang trọng, phần hội đa dạng, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và địa phương, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và lành mạnh.

Lễ hội Gióng được tổ chức để tri ân công đức Phù Đổng Thiên vương - một trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này