“Làng rắn”

17:59 | 03/10/2017
Ở Hà Nội có nhiều làng nghề, nhưng độc đáo nhất có lẽ là làng Lệ Mật (quận Long Biên) với nghề nuôi rắn và các sản phẩm từ rắn.
lang ran Rắn độc bò lên giường tránh lũ, nữ sinh lớp 11 nguy kịch
lang ran Rắn lục đuôi đỏ lại "hoành hành" ở Quảng Ngãi

Phát triển từ thế kỷ XI, nghề nuôi rắn của làng Lệ Mật ra đời với câu chuyện lịch sử từ Thời nhà Lý. Đó là câu chuyện về chàng trai họ Hoàng sống ở làng Trù Mật (tên cũ của làng Lệ Mật), với võ nghệ cao cường, có tài bơi lội đã cứu công chúa – con vua Lý Nhân Tông thoát khỏi sự bắt giữ của thủy quái hình rắn trên sông Thiên Đức.

Sau chiến công, bỏ qua vinh hoa, vàng bạc được nhà vua ban tặng, chàng trai họ Hoàng trở về quê hương Trù Mật, lập ấp, xây làng, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. Sau này, người dân làng Lệ Mật coi chàng như Thành hoàng, lập đình thờ và theo gương người xưa, người dân trong làng phát triển nghề bắt rắn, nuôi rắn.

lang ran

Mô hình nuôi rắn phổ biến tại làng Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên). Ảnh: Hồng Hải

Ông Nguyễn Văn Hà (người dân làng Lệ Mật, Việt Hưng) – từng có thâm niên giữ “lửa” làng hơn chục năm qua chia sẻ: “Đây là nghề độc đáo mà ít nơi có được, quá nửa số dân Lệ Mật sống nhờ con rắn. So với ngày xưa, ngoài chế biến thịt rắn, làm thuốc chữa bệnh thì người dân đã bắt đầu chế biến rắn làm đồ mỹ nghệ, dùng da rắn là thắt lưng, ví da… mang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.

Với hơn 100 hộ dân chăn nuôi cùng với gần 400 nhà hàng với các món ăn chuyên rắn, thịt rắn trở thành đặc sản, danh tiếng đồn xa gọi du khách về thưởng thức. Ban đầu chỉ có vài món rất đơn giản như rắn ướp muối tiêu nướng, rắn xào hành tỏi, rắn băm nhỏ xào giòn… ngày nay, các nhà hàng đã phục vụ nhiều món ăn mới hơn, thỏa mãn khẩu vị của thực khách. Theo thời gian phát triển, hòa nhập cùng thời đại, ngoài nuôi rắn, làng Lệ Mật bắt đầu làm du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương, vừa để danh tiếng làng vươn xa trong lòng du khách trong, ngoài nước. Từ đó, mỗi ngày làng tiếp đón trên 500 lượt khách trong và ngoài nước.

Nói về nghề nuôi rắn của Lệ Mật, làng còn có cả hội làng kéo dài trong 3 ngày từ ngày 20 -24 tháng 3 âm Lịch. Đến ngày này, con cháu trong làng cũng như những người dân xa quê hội tụ, gặp gỡ nhau để tâm sự và tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, những người khai hoang, lập địa. Vào ngày hội chính, đại diện con cháu của 13 trại phía Tây Thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng dự hội. Trong ngày hội làng có tiết mục múa rắn độc đáo, con rắn được làm bằng nan tre lợp vải tượng trưng cho loài thủy quái năm xưa. Cùng với đó là hội thi rắn to rắn khỏe, rắn đẹp.

Tuy vậy, làng nghề nuôi rắn Lệ Mật đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, phát triển du lịch do trang trại nuôi rắn chưa được quy hoạch tập trung, chưa có khu trưng bày sản phẩm làng nghề, chưa có trụ sở thông tin du lịch làng nghề. Mặt khác, người dân làng nghề đang thiếu vốn, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm cũng là trở ngại để phát triển làng nghề xứng với tiềm năng.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, giờ đây, với công sức gìn giữ của người dân Làng Lệ Mật, làng đã được UBND TP Hà Nội công nhận là “làng nghề truyền thống nuôi rắn”.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này