Phận người, sự đời trong “Chuyện của dòng sông đỏ”

17:26 | 05/07/2017
“Chuyện của dòng sông đỏ” là một vở nhạc kịch độc đáo, được tạo dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, hứa hẹn đậm hồn Việt, sẽ trình diễn tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) trong 2 tối 22 và 23/7/2017.  
phan nguoi su doi trong chuyen cua dong song do Sông băng bí ẩn giữa sa mạc khô cằn
phan nguoi su doi trong chuyen cua dong song do Về cố đô Hoa Lư, xuôi dòng Sào Khê lịch sử
phan nguoi su doi trong chuyen cua dong song do Thanh Trì chung tay bảo vệ sông Om
phan nguoi su doi trong chuyen cua dong song do
Cảnh trong vở "Chuyện của dòng sông đỏ".

Chuyện kịch xảy ra trên một con thuyền và một dòng sông đỏ. Đang lúc trời quang mây tạnh, thì mọi người bàn luận về việc chống giông bão. Nhân vật là Vua, Hoàng hậu, các phi tần, thái tử và các hoàng tử xoay quanh câu hỏi: Có phải dòng sông bao giờ cũng bình yên? Có phải trời bao giờ cũng mãi xanh? Có phải người bao giờ cũng mãi vui?

Các ca khúc trong vở diễn này đều là những sáng tác mới của các nhạc sĩ nổi tiếng: Nguyễn Cường, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Minh Đạo, Trọng Đài - viết riêng cho vở nhạc kịch, mang dấu ấn riêng của từng nhạc sĩ, được sáng tác theo kiểu “đo ni, đóng giày” cho các ca sĩ trong các nhân vật.

phan nguoi su doi trong chuyen cua dong song do
Họa sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Hà Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Chủ đề vở nhạc kịch xoay quanh chuyện của dòng sông, nhưng không chỉ là riêng chuyện dòng sông và giông bão. Bao trùm tất cả vẫn là cuộc đời, là số phận và ứng xử của con người trong dòng chảy của lịch sử, của xã hội.

“Chuyện của dòng sông đỏ” dài 145 phút, gồm 3 màn, 6 cảnh. Xuyên suốt vở nhạc kịch là vai trò của diễn viên chèo - Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền trong vai Tông quản (hề dẫn chuyện). Nhân vật chủ đạo trong màn 1 là Nhà vua, do ca sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Tấn Minh đảm nhiệm. Trong màn 1, Tấn Minh (hiện là GĐ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - đơn vị sản xuất chương trình này) sẽ thể hiện ca khúc “Dòng sông sắc đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Màn 2, có sự xuất hiện của các nhân vật Hoàng hậu, phi tần, các hoàng tử - do Lô Thủy, Thanh Thanh Hiền, Khánh Linh, Hoàng Bách, Đình Tùng thể hiện các ca khúc “Mắt tằm”. “Con lắc” (Trọng Đài), “Bay đi”, “Cỏ gà” (Lưu Hà An), “Bến có còn sông” (Nguyễn Cường).

Màn 3 là đất diễn của ca sĩ Tùng Dương (vai Hoàng tử út) với 3 bài hát: “Vó ngựa trời Nam”, “Vượt sóng trùng khơi” và “Về dòng sông ấy”. Trong màn diễn này, Tùng Dương còn thể hiện đặc sắc khả năng múa và diễn kịch.

phan nguoi su doi trong chuyen cua dong song do
Thu Huyền và Tùng Dương trong một lớp diễn ở "Chuyện của dòng sông đỏ".

Sự kết hợp giữa chèo, nhạc pop, múa đương đại, ánh sáng, nghệ thuật kịch nói, kịch hát - được hòa quyện với nhau trong “Chuyện của dòng sông đỏ” (đạo diễn múa và dàn dựng sân khấu: Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Công Nhạc - nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) hứa hẹn tạo nên một tác phẩm nhạc kịch đậm chất Việt và độc đáo. Tham gia diễn xuất trong vở diễn chủ yếu là các diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội).

Điều đáng nói là kịch bản và tổng đạo diễn vở nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ” (hoặc có thể gọi là một chương trình ca nhạc có chủ đề) do Nghệ sĩ ưu tú - họa sĩ Hoàng Hà Tùng (người đã có thâm niên làm nghề tại Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam và thường được giới văn nghệ sĩ gọi yêu với cái tên Tùng “điên”) đảm nhiệm. Anh đang mắc bệnh ung thư tụy quái ác, nhưng vẫn say mê với “cuộc chơi” mới, riêng, lạ và cũng khá tốn kém này (nghe nói dự toán cho dựng vở gần 4 tỉ đồng).

Lê Quang Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này