![]() |
Các bức ảnh kèm thông điệp trong triển lãm được thu nhỏ để lan tỏa ý nghĩa xã hội tới đông đảo công chúng. Ảnh: L.Q.V |
Hoạt động xã hội này được tổ chức bởi sự phối hợp của Nguyễn Bằng Giang (thành viên nhóm NextGen Hà Nội - hoạt động về quyền của cộng đồng LGBTQ, chủ trì dự án “Bây giờ hay bao giờ”) và CLB Dance4life (thuộc Khoa Công tác xã hội - ĐH Sư phạm Hà Nội).
![]() |
Một số thành viên của CLB Dance4life tại triển lãm. Ảnh: L.Q.V |
Theo đó, triển lãm “Tôi lên tiếng” được tổ chức tại sân nhà G3 của nhà trường từ 9h tới 16h, trưng bày những bức ảnh về bạo lực học đường và những người lên tiếng ủng hộ LGBTQ, vì học đường an toàn. Nhiều thông điệp được lồng ghép trong những bức ảnh, như “Mọi người nên xây dựng môi trường không có phân biệt đối xử, tạo điều kiện tốt nhất cho các em LGBTQ và mọi người có môi trường phát huy được năng lực của mình. Ngoài ra, chúng ta cần có cái nhìn tiến bộ và trang bị kiến thức để hiểu rõ hơn về cộng đồng này…” (Nguyễn Bích Dậu - giáo viên THPT), “Tôi hành động để xóa bỏ bạo lực học đường. Tôi phản đối bạo lực học đường vì cái ác nó gây ra là vĩnh viễn” (Thủy Tiên - sinh viên), “Muốn giảm thiểu bạo lực học đường với LGBTQ, nên có nhiều chương trình nâng cao nhận thức, những buổi giao lưu cho mọi người và cho những bạn trong cộng đồng…” (Nguyễn Hồng Cúc - giảng viên đại học)…
![]() |
Triển lãm đã thu hút các nhà giáo tương lai tới tham dự. Ảnh: L.Q.V |
![]() |
Trong triển lãm có một số ảnh chụp giảng viên và sinh viên sư phạm cùng ý kiến hưởng ứng hoạt động đầy ý nghĩa xã hội này. Nữ sinh Lường Thị Huế (đến từ Mộc Châu - Sơn La) là một nhân vật như vậy. Ảnh: L.Q.V |
![]() |
Nữ sinh Phạm Thị Thủy Tiên bên bức ảnh chụp cô, kèm thông điệp về xóa bỏ bạo lực học đường. Ảnh: L.Q.V |
Tiếp đó, từ 18h cùng ngày, talkshow “Bây giờ hay bao giờ” được tiến hành tại hội trường B (Đại học Sư phạm Hà Nội). Tại đây, những người tham dự sẽ chia sẻ những vấn đề, như: Bạo lực học đường là gì? Vì sao nhóm LGBTQ lại là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bạo lực học đường? Xóa bỏ bạo lực học đường là việc của ai và làm như nào để có được môi trường an toàn? Bạo lực học đường ảnh hưởng gì đến sinh viên sư phạm cùng những người sẽ theo ngành giáo dục?
Theo nữ sinh Phạm Thị Thủy Tiên (chủ nhiệm CLB Dance4life), CLB được thành lập do sự khởi xướng của các giảng viên trong khoa và hiện đã thu hút thêm nhiều sinh viên tham gia. Những hoạt động này nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội về vấn đề bạo lực học đường với cộng đồng LGBTQ.
Ở tầm quốc tế, ngày 17/5 hằng năm đã được Liên Hợp Quốc chọn làm “Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới”.
Lê Quang Vinh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/chung-tay-xoa-bo-bao-luc-hoc-duong-voi-lgbtq-52281.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này