Phòng khám tình nguyện U80

13:47 | 14/03/2017
25 năm đã trôi qua, hàng nghìn lượt bệnh nhân đã được các bác sĩ của phòng khám Hội chữ thập đỏ phường Giáp Bát khám, chữa bệnh. Và trong suốt thời gian đó, phòng khám này dường như trở thành một phần quen thuộc với người nghèo, người cao tuổi trên địa bàn. 
phong kham tinh nguyen u80 10 năm tình nguyện điều tiết giao thông
phong kham tinh nguyen u80 Kỹ sư nông dân
phong kham tinh nguyen u80 Hạnh phúc với giá 2.000 đồng

Phòng khám chỉ vẻn vẹn 20 mét vuông (ở địa chỉ số 18, ngõ 4, phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) với giường bệnh, bàn ghế, tủ thuốc và nụ cười thường trực trên môi của các bác sĩ, cứ đều đặn 2 ngày/tuần mở cửa thăm khám bệnh. Tuần nào cũng vậy, cứ thứ Hai, thứ Năm, dù rất sớm nhưng các bác sĩ, y sĩ nơi đây đã có mặt để dọn dẹp và chuẩn bị để 8 giờ phòng khám đi vào hoạt động.

phong kham tinh nguyen u80
Phòng khám U80 với hơn 25 năm hoạt động từ thiện.

Được biết, tại đây có tất cả hai bác sĩ và một y sĩ, bao gồm: Bác sỹ Trương Thị Hội Tố (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nam Định), bác sĩ Lê Thanh Thước (nguyên bác sỹ Bệnh viện K trung ương) và bà Lê Thị Sóc (nguyên là y tá Bệnh viện Xanh Pôn).

Điểm chung của các y, bác sĩ này là họ đều đã ngoài tuổi 80, cái tuổi mà nhiều người tưởng họ sẽ nghỉ ngơi thì họ vẫn miệt mài cùng với thuốc thang và bệnh tật. Những người bác sĩ ấy với mái đầu bạc, hàng ngày khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân đã giúp cho bao nhiêu người vượt qua nỗi đau bệnh tật.

Kể về quá trình thành lập phòng khám, bác sĩ Tố - người tiên phong chia sẻ, sau khi về hưu, bên cạnh việc tham gia các hoạt động từ thiện, bà còn đạp xe đến các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn để khám chữa bệnh cho mọi người. Bà nhận thấy trong xã còn nhiều người cần giúp đỡ, nếu có một phòng khám cố định, hiệu quả khám bệnh sẽ cao hơn.

Chính vì vậy, bà vận động và phối hợp với các bác sĩ khác để mở phòng khám từ thiện trực thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát. Năm 1992, phòng khám chính thức đi vào hoạt động, cũng như bây giờ, ngày ấy, phòng khám có 3 người, là bác sĩ Tố, y sĩ Sóc và bác sĩ Chu Văn Tiến.

Sau khi bác Tiến qua đời, bác sĩ Thước đã xung phong thay thế. “Những năm đầu, phòng khám gặp khó khăn về địa điểm, vừa ổn định chỗ này, lại phải chuyển đi chỗ khác. Có những lúc các bác sỹ phải đi "ở nhờ" nhà người dân trong phường. Sau này, UBND phường Giáp Bát tạo điều kiện cho địa điểm khám chữa bệnh ổn định”, bác Tố kể.

Được biết, các bác sĩ làm việc ở đây đều là những người có trình độ chuyên môn cao, sau nghỉ hưu, dù có nhiều lời mời của các phòng khám tư nhân nhưng mọi người đều từ chối để làm thiện nguyện. Bệnh nhân đến với phòng khám đa phần là người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi.

Đến đây, ngoài những vấn đề về sức khỏe, mọi người còn được chia sẻ những tâm tình, giải tỏa những tâm tư, đặc biệt với những bệnh nhân cao tuổi. Một điều đặc biệt nữa, tới phòng khám này, với những căn bệnh đơn giản, bệnh nhân còn được phát thuốc miễn phí. Theo các bác sĩ ở đây cho biết, số thuốc này một phần do chính các bác sỹ bỏ tiền túi ra mua, phần còn lại do vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ. Có những dịp, phòng khám còn đến tận nhà thăm khám, tặng quà những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Vì lẽ đó, phòng khám trở thành một điều không thể thiếu với người dân nơi đây.

Đầu tháng 3 với thời tiết se lạnh, phòng khám vẫn được mở cửa từ rất sớm, bác Tố nói, thời tiết lạnh hay khắc nghiệt, thì càng phải có mặt đúng giờ, bởi vì, thời tiết càng xấu thì càng nhiều người bị ốm.

Với tấm lòng thiện nguyện và tâm y đức sáng ngời, dù tuổi đã cao, nhưng các bác sĩ tuổi “xưa nay hiếm” luôn tâm niệm còn sức sẽ vẫn còn duy trì hoạt động phòng khám. Chính vì thế, họ đã khắc sâu hình ảnh thân thương của mình vào trong lòng bệnh nhân, để người ta nhớ, người ta thương và trân trọng.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này