Thị trường máy tính cũ:

Tiền nào chưa hẳn của đấy…

22:02 | 15/12/2016
Cứ vào dịp cuối năm, các nhà bán lẻ lại đua nhau giảm giá sản phẩm điện tử nói chung, máy tính nói riêng để hút khách. Tưởng như máy tính cũ sẽ không còn “đất diễn”, nhưng thực tế máy tính cũ vẫn có một thị trường riêng và nhận được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.
tien nao chua han cua day Cảnh giác với USB Killer làm cháy PC ngay sau khi cắm vào

Nhu cầu người mua đa dạng

Từ nhu cầu thực tế của người tiêu dùng (NTD), cùng phương châm “cũ người mới ta”, thị trường mua bán, trao đổi máy tính cũ ra đời và phát triển khá vững vàng, bên cạnh thị trường sôi nổi của nhiều thương hiệu máy tính với mẫu mã đa dạng. Khảo sát một số cửa hàng mua bán máy tính cũ, tại các cổng trường như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa, dọc đường Trần Thanh Nghị, đường Trần Đại Nghĩa (phường Bách Khoa – Hai Bà Trưng - Hà Nội), đường Láng, đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy – Hà Nội)…, vẫn luôn có khách ra vào.

tien nao chua han cua day
Rất nhiều chiếc máy tính cũ được lắp ráp kiểu “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, đòi hỏi sự am hiểu nhất định của NTD khi chọn lựa.

Nói là cũ, nhưng tại các cửa hàng trao đổi, mua bán máy tính cũ, cũng có không ít những máy tính, laptop còn khá “chất”. Ngoài những thương hiệu máy tên tuổi có thâm niên tại thị trường Việt Nam như Dell, HP, Vaio, Toshiba, Samsung, còn có những thương hiệu “đời trung” như Lelovo, Asus, Acer… với đủ các loại máy tính cây, laptop giá từ “rẻ bèo” (khoảng từ 500.000 đồng – trên dưới 2 triệu đồng) đến giá đắt ngang ngửa máy tính mới.

NTD hướng tới thị trường máy tính cũ thường là học sinh, sinh viên, người về hưu, người nội trợ, người lao động thu nhập thấp… có nhu cầu về máy tính, nhưng chỉ cần các chức năng cơ bản mà không cần “cao siêu”. Họ không quan tâm nhiều đến cấu hình máy tính mạnh hay yếu, hình thức cũng không quá quan trọng, chỉ cần máy có khả năng hoạt động tương đối ổn định và kết nối được internet.

Tại một cửa hàng máy tính trên phố Lê Thanh Nghị, khách ra vào xem máy tính cũ khá đông. Chị Trần Thanh Hằng (Đống Đa, Hà Nội) đang băn khoăn chưa biết mua cho mình chiếc laptop như thế nào để vừa đáp ứng được công việc lẫn nhu cầu giải trí. Chị được nhân viên bán hàng tư vấn mua chiếc Lenovo còn khá mới với giá trên 5 triệu đồng.

Trong khi đó, đa số sinh viên đến cửa hàng lại quan tâm đến những chiếc máy tính cây có giá dao động từ trên 1 triệu đến 2 triệu đồng. Với túi tiền hạn hẹp, nhưng nhu cầu sử dụng khá cao, máy tính cây cũ giá trên dưới 2 triệu đồng đủ đáp ứng được nhu cầu học tập của các bạn trẻ. “Em cần máy tính để học tập, một chiếc Dell hay HP đời trung giá tầm 2 triệu đồng cũng giúp em rất nhiều trong việc học tập”, bạn Trường – sinh viên Đại học Kinh tế Quốc Dân cho biết.

Với nhu cầu lên mạng đọc báo hoặc kết nối Facebook, xem YouTube, chia sẻ với bạn bè…, máy tính cũ cũng được nhiều người nội trợ và người già quan tâm. Với những người này, nhu cầu của họ về hình thức không cao, chủ yếu “ăn chắc mặc bền”, cấu hình chạy ổn định và dễ sử dụng.

Anh Hoàng (Cầu Giấy – Hà Nội) cho hay, vợ chồng anh dùng máy tính cơ quan và laptop, nên chỉ có ý định mua thêm 2 chiếc máy tính hiệu Acer hoặc Asus khoảng 2 - 3 triệu đồng cho con trai và ông bà ngoại. "Nhu cầu của mẹ vợ tôi là đọc báo, bố tôi kết nối mạng để tìm tài liệu dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe, nên các cụ không chịu cho mua máy tính mới. Còn con trai tôi đang học cấp 2, cháu chỉ cần dùng máy tính để học Word, Excel, đánh mười ngón nên chiếc máy cũ cũng vẫn rất có ích với cháu", anh Hoàng chia sẻ.

Cũng nên thận trọng

Thị trường máy tính cũ tại Hà Nội hiện rất đa dạng, đáp ứng được hầu hết nhu cầu từ thấp đến cao của NTD. Một số chủ cửa hàng máy tính cũ cho biết, vào dịp cuối năm, mặc dù nhiều nhà bán lẻ mở chiến dịch khuyến mại, giảm giá nhiều mặt hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh, nhưng lượng khách đến xem và mua máy tính cũ cũng không giảm nhiều so với ngày thường.

Qua khảo sát được biết, có những loại máy tính cây giá chỉ từ 500.000 đồng đến khoảng 2 triệu đồng. Laptop thường ở mức giá 3 - 4 triệu đồng. Máy cũ loại tốt có cấu hình ổn định giá khoảng từ 3 - 5 triệu đồng. Ngoài những loại máy tính cũ giá rẻ, nhiều cửa hàng cũng đầu tư mua bán những loại máy “lướt” có thương hiệu (hàng tốt, còn mới, nhưng người dùng không còn nhu cầu sử dụng do muốn đổi máy mới) có giá từ 6 - 8 triệu đồng. Nhiều loại máy tính cũ chỉ rẻ hơn máy mới ở siêu thị điện máy từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng.

Thị trường máy tính cũ đa dạng, nhu cầu của NTD thì muôn hình, muôn vẻ, nhưng nhiều khách hàng lại không am hiểu về máy tính. Lợi dụng điều đó, không ít người bán hàng vì lợi nhuận đã khuếch trương giá trị thật của những chiếc máy tính cũ.

Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần máy tính Bách Khoa (Thanh Xuân – Hà Nội), máy tính cũ phổ biến nhất là hàng tồn kho từ các công ty máy tính lớn, hoặc hàng thanh lý từ các cơ quan, trường học, tiệm Internet… Người bán hàng có thể thu mua cả bộ máy tính cũ hoặc mua linh kiện từ những người đồng nát, từ nhiều nguồn khác nhau, tự lắp ráp, tân trang, rồi bán cho NTD. Về cơ bản, các loại máy tính đều có thể dùng chung các linh kiện như tụ, RAM, chíp, ổ cứng, vì vậy hiện tượng “râu ông nọ, cằm bà kia” với máy tính cũ cũng là chuyện không lạ. Anh Hiếu cho biết, tùy theo nhu cầu khách hàng, mỗi ngày công ty anh cũng bán ra thị trường được từ 20 – 30 chiếc máy tính cũ. Tại các cơ sở của công ty, có treo bảng giá niêm yết dịch vụ sửa chữa, chế độ bảo hành cho từng loại máy.

Anh Trần Văn Lộc, nhân viên IT một công ty bất động sản khuyến cáo, không nên mua những loại máy tính quá rẻ. Bởi, hầu hết các mẫu máy tính cũ trên dưới 1 triệu đồng đều có cấu hình khá yếu so với thông số của máy tính hiện đại. Nhiều linh kiện máy tính đã hỏng là không thể thay thế vì đã bị ngừng sản xuất từ phía hãng. Người mua cần có am hiểu nhất định về máy tính, hoặc có người tư vấn khi mua máy tính cũ. Ngoài ra người mua nên tìm kiếm những cửa hàng máy tính uy tín, có bảo hành sản phẩm, không mua những loại máy quá cũ, nếu không muốn nhanh bị hỏng hóc mất tiền oan, thậm chí dẫn đến cháy nổ.

Nguyện Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này