Thu lợi bất chính trên tình thương của cộng đồng

13:54 | 16/09/2016
Không cần bất cứ thủ tục hành chính nào, chỉ cần bỏ ra từ 500 - 800 nghìn đồng, một người bình thường có thể sở hữu ngay một bộ hồ sơ gồm: Giấy giới thiệu, bảng báo giá chứng nhận là tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức để các “nhân viên” rởm đi xin tiền từ thiện và bán tăm từ thiện thu lợi từ lòng nhân ái của mọi người.
thu loi bat chinh tren tinh thuong cua cong dong Hà Nội: Ngăn ao, lập đảo băm nát hồ Tây để thu lợi
thu loi bat chinh tren tinh thuong cua cong dong Tuyệt chiêu kiếm tiền qua facebook

Công khai bán Giấy giới thiệu từ thiện

Theo đơn thư phản ánh của người dân địa phương, thời gian gần đây trên địa bàn thôn 4, xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội) xuất hiện rất nhiều người tự xưng là tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức đến bán tăm và vận động quyên góp tiền cho người khuyết tật có dấu hiệu bất thường. Qua tìm hiểu được biết Trung tâm nhân đạo Hồng Đức - cơ sở 3 (gọi tắt là cơ sở 3) chuyên bán giấy giới thiệu tình nguyện viên.

thu loi bat chinh tren tinh thuong cua cong dong
Không chỉ bán giấy giới thiệu của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, bà Toan còn “quảng cáo” có thể “chạy” được cho những ai đi bán tăm lỡ bị bắt.

Để hiểu rõ hơn sự việc, phóng viên (PV) báo LĐTĐ đã tìm về thôn 4, xã Phù Lưu Tế thì được người dân phản ánh kể từ khi thành lập đến nay, mặc dù với chức năng là nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề cho các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi… song tại cơ sở này hầu như không thực hiện việc nuôi dưỡng bất kỳ học viên nào. Hoạt động chủ yếu của cơ sở này là phân phối tăm, khăn mặt, bút bi cho các đầu mối và bán giấy chứng nhận là tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức để các tình nguyện viên “rởm’ đi bán tăm và kêu gọi quyên góp tiền của các nhà hảo tâm cho người khuyết tật.

Mục sở thị của PV thì trụ sở của cơ sở 3 được đặt ngay tại nhà của bà Phạm Thị Toan (được giới thiệu là giám đốc) nằm bên mép phải cửa nhà, một tấm biển ghi thông tin về cơ sở này bằng tờ giấy A4. Trong vai một người bán tăm chúng tôi tìm gặp bà Toan , khi biết chúng tôi có nhu cầu mua tăm và mua giấy giới thiệu chứng nhận là người của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, bà hồ hởi nói: “Các em tìm về đây là đúng chỗ rồi, chỗ trước đây bọn em lấy (ông Long cơ sở ở Hà Đông) cũng về đây lấy tăm của chị. Giá chị xuất chỉ 12.000đ/1 vỉ 10 gói, nhưng khi qua ông Long ông ấy bán cho bọn em 24.000 đ/1 vỉ. Mà về đây tăm loại nào cũng có, hàng nào tiền đấy”.

thu loi bat chinh tren tinh thuong cua cong dong
Chỉ cần bỏ ra từ 500-800 nghìn đồng, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu và trở thành người của trung tâm nhân đạo để đi bán sản phẩm từ thiện.

Đề cập đến việc mua giấy giới thiệu là người của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, bà Toan quay qua hỏi: “Đội của em đi bán thế nào, có người khuyết tật không? Chị nói trước là không bán cho người khuyết tật đâu nhé. Nếu bán cho họ là vi phạm pháp luật. Sau khi nghe chúng tôi thuyết phục, người khuyết tật sẽ có người lành lặn đi kèm, bà Toan liền thay đổi thái độ rồi cho biết: “Ở đây chị có 2 loại giấy, bảo đảm 100%, một loại của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức - cơ sở 3, giá 800 nghìn đồng/1 bộ (giấy giới thiệu, công văn, bảng giá sản phẩm) chị là Giám đốc luôn chị ký và điều hành tất, còn con dấu thì trên Cơ sở 1 quản lý. Tuy nhiên bọn em mua ít, mua nhiều vẫn phải mua một ít hàng (tăm). Chị không bao giờ cấp giấy không cho các em, nếu bọn em lấy hàng đủ tiêu chuẩn và có 1 triệu đóng vào quỹ nhân đạo, thì thôi không phải mất đồng nào. Ngoài ra, nếu hằng tháng em lấy khoảng 5.000 tăm, thì sẽ không mất tiền mua giấy”.

Không chỉ bán giấy chứng nhận là người của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức công khai, bà Toan còn cho biết, trên mỗi giấy giới thiệu sẽ phải ghi cụ thể từng tỉnh, từng địa phương mà người bán muốn đi. Khi đó, sản phẩm là tăm hay khăn mặt, bút bi sẽ được bà Toan in một cái nhãn mác của địa phương đó, ví dụ như giấy của Hồng Đức đi bán ở Sơn La, Cao Bằng, Hoài Đức, Phú Xuyên (Hà Nội), thì nhãn sản phẩm sẽ phải ghi là của trung tâm hay của Hội Khuyết tật tại địa phương đó, nhằm tạo niềm tin cho người mua và sản phẩm dễ bán, dễ xin tiền.

“Bảo kê” cho người bán nếu bị bắt

Sau khi giới thiệu sơ qua về thủ tục mua giấy và cấp giấy giới thiệu là nhân viên của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức tại cơ sở 3, PV quyết định mua một bộ giấy giới thiệu với giá 800 nghìn đồng, kèm theo đó là 10 vỉ tăm vip với giá 120 nghìn đồng/100 gói, bộ giấy có giá trị trong vòng một tháng. Không cần cung cấp hồ sơ, chúng tôi chỉ cần đưa ra một bản phô tô Giấy chứng minh thư nhân dân (CTM) của bất kỳ người bán hàng nào (không phải giấy CMT của chúng tôi), sau đó điền thông tin từ giấy CTM vào bản cam kết xin làm cộng tác viên, sau khi lôi ra một quyển giấy giới thiệu (có chữ kỹ, đóng dấu sẵn, nhưng chưa có nội dung), 5 phút sau chúng tôi đã có ngay một bộ giấy chứng nhận, giấy giới thiệu là người của trung tâm đầy đủ.

Không chỉ bảo đảm chắc chắn cho việc cấp giấy giới thiệu tại cơ sở 3 do mình là giám đốc, bà Toan còn khẳng định sẽ “bảo kê” cho người đi bán hàng và người đi xin tiền từ thiện, nếu như không may bị công an, người của Trung tâm Bảo trợ xã hội bắt giữ, hay khi có bất kỳ người dân nào phàn nàn. “Số điện thoại bàn trên tem nhãn là số tổng đài của trung tâm, nhưng chị chuyển tiếp vào di động cho tiện. Nếu khi đi bán hàng bọn em gặp vấn đề gì, có ai đó điện về số máy này chị sẽ nhận bọn em là người của trung tâm, như thế các em sẽ không làm sao cả. Thậm chí, nếu người bán hàng cho bọn em bị Trung tâm Bảo trợ xã hội bắt, bọn em chỉ cần gọi cho chị thông báo tên người đó, chị sẽ có cách để cứu ra” – bà Toan khẳng định.

Sau khi xem lại thông tin trên giấy giới thiệu thấy thời gian không đủ 1 tháng (giấy ghi đầu tháng 10 hết hạn), chúng tôi có thắc mắc thì bà Toan giải thích: Tháng này thời gian lỡ chốt đến ngày đó rồi, để tháng sau chị nhớ sẽ ghi bù thêm cho bọn em. Còn nếu bọn em muốn thời hạn giấy giới thiệu là 2-3 tháng hoặc 1 năm, thì cứ thế mà cộng dồn tiền lại. Nếu không, hết tháng quay về đây đóng 800 nghìn chị lại cấp cho bộ mới.

Không chỉ bảo đảm chắc chắn cho việc cấp giấy giới thiệu tại cơ sở 3 do mình là giám đốc, bà Toan còn khẳng định sẽ “bảo kê” cho người đi bán hàng và người đi xin tiền từ thiện, nếu như không may bị công an, người của Trung tâm bảo trợ xã hội bắt giữ, hay khi có bất kỳ người dân nào phàn nàn. “Số điện thoại bàn trên tem nhãn là số tổng đài của trung tâm, nhưng chị chuyển tiếp vào di động cho tiện. Nếu khi đi bán hàng bọn em gặp vấn đề gì, có ai đó điện về số máy này chị sẽ nhận bọn em là người của trung tâm, như thế các em sẽ không làm sao cả. Thậm chí, nếu người bán hàng cho bọn em bị Trung tâm Bảo trợ xã hội bắt, bọn em chỉ cần gọi cho chị thông báo tên người đó, chị sẽ có cách để cứu ra” – bà Toan khẳng định.

Điều khó lý giải rằng, khi bán giấy giới thiệu chứng nhận là người của cơ sở 3, nhưng tuyệt nhiên bà Toan không hề ghi bất kỳ phiếu thu, hay tạm thu gì. Cứ thế hằng tháng tại cơ sở 3 này, hàng chục bộ giấy giới thiệu, giấy chứng nhận khống được bán ra, cùng với đó là hàng nghìn sản phẩm được dán nhãn, mác đội lốt sản phẩm của người khuyết tật được tiêu thụ, nhằm chiếm đoạt tiền từ những tấm lòng hảo tâm…

Tuấn Minh - Ngọc Thủy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này