Từ ngày 6 – 8/3 âm lịch diễn ra Hội Chùa Láng. Lễ hội năm nay có nhiều điểm độc đáo mới lạ thu hút nhiều du khách tới tham dự.
Chùa Láng nằm trên phố Chùa Láng, thuộc Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 12, thời vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175), ngay trên nền nhà Phụ mẫu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một thiền sư nổi tiếng thời Lý.
Chùa thờ Phật, thờ vua Lý Thần Tông (trị vì 1128-1138) và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia năm 1962.
Theo các cụ cao niên kể lại, Hội Láng không phải được tổ chức hàng năm mà cứ phải mươi, mười lăm năm nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm hội mới được mở.
Ngày nay, hàng năm từ ngày mùng 6 – 8/3 âm lịch dân làng tổ chức Hội, và chọn ngày mùng 7/3 âm lịch là ngày chính Hội. Tương truyền đó là ngày sinh cùa Thiền sư Từ đạo Hạnh vị thánh của làng Láng, người được dân làng thờ phụng tại ngôi chùa này.
Lễ hội Chùa Láng tuy đơn giản hơn nhưng vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần tế do các cụ hai giới chủ trì, sau đó là lễ dâng hương của các cụ có thâm niên trong làng. Phần hội ngoài biểu diễn văn nghệ còn có rất nhiều trò chơi dân gian giải trí lành mạnh mang đậm nét bản sắc truyền thống văn hóa Việt.
Theo kế hoạch của Ban tổ chức (BTC), ngày mùng 8/3 âm lịch là ngày cuối cùng diễn ra Lễ hội chính trong năm. Trong ngày cuối cùng này, BTC cho biết sẽ diễn ra các hoạt động vô cùng thú vị như múa rối đầu gỗ tại sân chùa, văn nghệ ngoài trời, tổ chức trò chơi dân gian như: thổi cơm thi, đập niêu, bịt mắt bắt dê, cờ tướng,… và Lễ hội sẽ kết thúc lúc 18h00 cùng ngày.
Một số hình ảnh tại Lễ hội Chùa Láng 2016:
 |
Lễ hội Chùa Láng năm nay còn có sự góp mặt của các tình nguyện viên đến từ trường Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam và các Phật tử của Chùa. |
 |
Những câu hát quan họ, hay những âm điệu dân gian luôn là điểm nhấn, thu hút nhiều du khách nhất trong mùa Lễ hội năm nay. |
 |
Du khách đến với Lễ hội Chùa Láng còn được thưởng thức những đặc sản ẩm thực mang đậm chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ. |
 |
Những trò chơi dân gian cũng không thể thiếu trong Lễ hội. |
 |
Bên cạnh đó vẫn có những trò chơi hiện đại dành cho trẻ nhỏ,... |
 |
... và những trò chơi mang tính may rủi dành cho thanh niên. |
Nguyễn Thanh