Muốn học lái xe phải khám 8 chuyên khoa

09:30 | 29/12/2015
Từ ngày 4.1.2016, những người theo học lái xe không còn chuyện mang giấy khám sức khỏe chỉ có một trang A4 đến nộp cho các trường, cơ sở đào tạo lái xe như trước, mà hồ sơ này phải có đến 4 trang, có đủ chữ ký của bác sĩ ở 8 chuyên khoa. Thậm chí còn phải nộp kèm các xét nghiệm lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ mới đủ điều kiện được học lái xe.
Kỷ luật giám đốc BV chứng nhận người hỏng 1 mắt đi học lái xe

Phải qua “vòng xét hỏi”

Quy định này không chỉ áp dụng cho người mới bắt đầu học lái mà còn bắt buộc với những người đang hành nghề lái xe qua tái khám định kỳ theo tiêu chuẩn mới, theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 24)

Theo Thông tư 24, người học lái xe và tài xế tái khám định kỳ, trong giấy khám sức khỏe phải khai đủ tiền sử, bệnh sử của gia đình. Sau đó người đi khám sẽ phải qua “vòng xét hỏi” của bác sĩ về tiền sử, bệnh sử. Qua được cửa này, người đi khám mới được khám đủ 8 chuyên khoa lâm sàng là: Tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết (phụ nữ có thêm khoa thai sản).

Muốn học lái xe phải khám 8 chuyên khoa
Khám sức khỏe cho người theo học lái xe hiện nay. Ảnh minh họa

Ở khâu khám cận lâm sàng có các xét nghiệm bắt buộc về ma túy, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở và các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ (huyết học, sinh hóa, X-quang hoặc các xét nghiệm khác…).

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ, việc người đi khám sức khỏe phải qua nhiều vòng như vậy nhằm đảm bảo người đi học lái xe, người tái khám hội đủ điều kiện về sức khỏe. Ngay số lượng trang giấy khám cũng đã phần nào phản ánh mức độ chi tiết, chặt chẽ của khám sức khỏe theo tiêu chuẩn mới. “Trước đây hồ sơ khám sức khỏe chỉ có một trang A4, nay sẽ là 4 trang; riêng phần tự khai và báo tiền sử bệnh của gia đình và bản thân đã chiếm hơn một trang rưỡi. Một nét mới nữa là thời gian hiệu lực của giấy khám sức khỏe theo cách cũ là một năm, trong khi theo tiêu chuẩn mới chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng” - ông Dũng nói.

Ông cũng thông tin: Những thanh niên có khuôn mặt bặm trợn, ngái ngủ, xăm trổ sẽ được “để mắt”, test đủ dạng ma túy nhằm phát hiện người đang lái xe, người chuẩn bị vào nghề lái xe có bị nghiện hay không để loại ngay từ đầu, tránh gây họa về sau.

Còn ông Võ Trọng Nhân - Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), ở vòng khám cận lâm sàng sẽ tập trung vào xét nghiệm ma túy với đủ phần test morphin, amphetamin, methamphetamin và cần sa…

Tốn nhiều tiền hơn

Cũng theo ông Nhân, với nhiều khâu, nội dung và khoa khám chuyên sâu như trên thì người theo học, người đang lái xe sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn.

Chỉ riêng thời gian đi quanh một bệnh viện khám cho hết 8 chuyên khoa cũng mất cả ngày, chưa kể thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm máu… Người đi khám sức khỏe theo dịch vụ của các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ tốn cả triệu đồng nếu được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, sinh hóa, huyết học…

“Sở GTVT khuyến khích các trường, cơ sở đào tạo lái xe liên kết với các bệnh viện, cơ sở y tế đủ thẩm quyền mở phòng dịch vụ khám sức khỏe “cả gói”, đúng chuẩn ngay tại chỗ. Như thế sẽ tiện cho người dân” - ông Nhân nói.

Theo danh sách của Sở Y tế TP.HCM, đến cuối năm 2015, có hơn 110 cơ sở y tế công lập và tư nhân, phòng khám đa khoa… đủ tiêu chuẩn thực hiện khám sức khỏe lái xe.

Hiện chỉ có Trường lái xe Tiến Bộ (quận Tân Phú) đã nâng cấp phòng khám tại chỗ đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 24 (giá tiền khám 160.000-180.000 đồng/người học bằng A1); thời gian khám dự tính khoảng 30-45 phút cho một trường hợp.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này