![]() | BSTTƯT Nguyễn Văn Quang: Dùng thuốc gia truyền chữa bệnh nan y |
![]() | Người thừa kế dòng họ 15 đời chữa vô sinh |
![]() | Bí mật bài thuốc gia truyền của Lương y Phó Hữu Đức |
Khách lúng túng
Nhiều người Hà Nội biết đến phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa, Hà Nội) với món ẩm thực bún chả Sinh Từ quen thuộc. Nhận thấy có thể ăn theo được cửa hàng gia truyền này có một thời gian hàng loạt cửa hàng nhái mọc lên như nấm với những cái tên khẳng định thương hiệu: “Bún chả Sinh Từ gia truyền”, “quán cũ”, “thương hiệu”, “hàng xịn”...với đủ loại kích cỡ bắt mắt khiến nhiều thực khách không khỏi hoa mắt khi mục sở thị.
Tương tự như tình trạng trên phố Nguyễn Khuyến, quán xôi nóng nổi tiếng ở phố Nguyễn Hữu Huân thời gian gần đây mới xuất hiện thêm một “bản sao” với biển hiệu nhỏ mang nội dung và công thức giống hệt như “bản chính”.
![]() |
Bún chả Hàng Mành với nhiều biển quảng cáo khác thường |
Không chỉ cạnh tranh nhau bằng cách trưng biển với kích cỡ lớn cùng dòng chữ màu mè, bắt mắt mà nội dung quảng cáo cũng mang tính độc đáo, thậm chí không ít tấm biển có nội dung lăng mạ, xúc phạm để “dìm” đối thủ. Chỉ một món bún bò Huế nổi tiếng trên đường Đê La Thành mà có tới 3 quán sát nhau cùng treo biển khẳng định thương hiệu. Dở khóc, dở cười ở chỗ hai cửa hàng hai bên đều mang tên “Bún bò Huế 65 – Đặc truyền từ nghệ nhân Huế”. Trong khi đó, quán bún bò Huế ở giữa lại ghi “Quán cũ 65 chuyển sang 76 – Quán cũ chính hiệu” khiến nhiều người không biết đâu là quán “xịn”.
Dường như không khí cạnh tranh có phần khốc liệt hơn là ở các tuyến phố cổ, đặc biệt là những địa điểm bỏ túi với các món ẩm thực Hà thành. Mới đây, nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên khi món bún chả số 1 – Hàng Mành xuất hiện thêm một quán nữa chỉ cách quán cũ vài bước chân.Chỉ vài ngày sau đó, tại quán cũ xuất hiện một biển quảng cáo với nội dung: “Nhà hàng bún chả Đắc Kim xin thông báo, cửa hàng bún chả số 1 – Hàng Mành bên cạnh là giả mạo! Xin quý khách lưu ý”. Thậm chí tấm biển quảng cáo nói trên còn được dịch song ngữ Việt – Anh. Theo chia sẻ của chủ quán cũ thì cửa hàng đang làm ăn phát đạt nhưng từ khi xuất hiện quán mới lượng khách cũng giảm bớt đi. Do quá bức xúc nên tấm biển lạ này được treo lên chỉ sau khi quán mới khai trương được vài ngày.
Cũng trên khu vực phổ cổ, con phố nằm lọt thỏm giữa khu vực hồ Hoàn Kiếm chỉ là cái ngách để đi tắt từ đường Cầu Gỗ ra đường Đinh Tiên Hoàng với tổng chiều dài 52m nhưng lại là địa điểm tập trung nhiều món ăn vặt, đặc biệt là nộm bò khô. Với hàng loạt những biển hiệu “nộm bò gia truyền” của gần chục quán vỉa hè san sát nhau cùng văn hóa lôi kéo của một đội ngũ trông xe cho quán khiến không ít thực khách lần đầu ghé ăn không khỏi lúng túng khi chọn lựa.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức – Viện phó Viện Văn hóa và phát triển: “Ở góc nhìn văn hóa thì việc lôi kéo khách bằng cách sáng tạo ra những biển quảng cáo độc, lạ, thậm chí miệt thị, lăng mạ đối thủ thể hiện một văn hóa ứng xử chưa chuẩn. Biển quảng cáo là bộ mặt của cửa hàng nên từng câu từng chữ trên đó đã gián tiếp thể hiện văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh. Mặt khác xét ở góc độ kinh doanh thì đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, mang tính chụp giật bởi không dựa trên thực tế chất lượng sản phẩm. Tình trạng này nếu vẫn tiếp tục tồn tại sẽ khiến sự nhìn nhận, đánh giá của người nước ngoài, khách du lịch, đối tác kinh doanh trong và ngoài nước về một nền văn minh thương nghiệp thiếu chuyên nghiệp...” |
Bất cập trong quản lý
Trên thực tế, tình trạng loạn biển quảng cáo đang diễn ra phổ biến trên các con phố ở Hà Nội đều nhằm mục đích cạnh tranh kinh doanh. Tình trạng lộn xộn về nội dung các biển quảng cáo này gây không ít phiền toái cho khách du lịch khi có nhu cầu tham quan, mua sắm. Anh Lê Hùng (Kim Ngưu – Hà Nội) cho biết: “Trước kia thưởng thức những món ẩm thực Hà thành trên phố cổ, tôi có cảm giác ngon miệng hơn bởi từ chất lượng đến cung cách phục vụ đều toát lên sự thanh lịch. Gần đây, mỗi lần muốn ghé ăn mà gặp phải vòng vây của những hàng quán, biển quảng cáo khác thường nhằm cạnh tranh, lôi kéo khách thì cảm giác ngon cũng mất đi một nửa...”
Trên các trang mạng xã hội, nick name Diễm Rừng bày tỏ quan điểm: “Hàng chục năm nay nói đến bún chả là người ta nghĩ đến quán số 1 – Hàng Mành. Bây giờ người nơi khác đến mở đúng mặt hàng và sát địa chỉ để cạnh tranh với quán cũ, làm họ mất một lượng khách không nhỏ ảnh hưởng đến nguồn thu và danh tiếng, thì người ta cảnh báo cho những người muốn thưởng thức hương vị đúng của quán là không sai...”. Trong khi đó nick name Mr Plan lại cho rằng: “Nếu hai quán đều có giấy phép kinh doanh thì vấn đề là ở chất lượng món ăn. Còn nội dung của thông báo có tính chất lăng mạ, hà tiện với quán kia thì cần xem lại...”
Trước tình trạng loạn biển quảng cáo làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị, ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó trưởng công an phường Hàng Mã cho biết: “Hiện trạng trên là tự phát, mạnh ai nấy làm. Công an phường chỉ có thể xử phạt những hiện tượng vi phạm trật tự như việc treo biển quảng cáo, xe của khách lấn chiếm vỉa hè lòng đường hay “biến tướng” từ những biển quảng cáo này thành tranh chấp dân sự giữa các đơn vị kinh doanh. Về nội dung biển quảng cáo thuộc về chức năng quản lý của phòng văn hóa quận, huyện. Tuy nhiên hưởng ứng năm văn minh đô thị 2015, công an phường đã chủ động phối hợp với trật tự phường tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh cần chú trọng hơn nữa tới văn hóa ứng xử...”
Tuệ Liên
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/loan-thuong-hieu-gia-truyen-21187.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này