Nhất trí trình Quốc hội xem xét miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông Về việc miễn học phí cho học sinh: Giúp giảm "gánh nặng" tài chính cho gia đình công nhân |
Hỗ trợ với cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục
Sáng 22/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết cho biết, trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, ngoài đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ, không phải đóng học phí đã được pháp luật quy định, Nghị quyết bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm: (1) Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; (2) Học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội |
Theo đó, trẻ em mầm non 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, tư thục, học sinh tiểu học ở các trường tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh trung học cơ sở tại các cơ sở tư thục đang được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng học phí.
Do vậy, việc quy định hỗ trợ cho cả người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).
Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,99 triệu học sinh trung học phổ thông.
![]() |
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội |
Tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng (trong đó khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng).
Mức ngân sách cần đảm bảo cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trong đó tổng ngân sách Nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 theo các quy định hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng (khối công lập là 21,8 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục: 0,6 nghìn tỷ đồng).
Cần cấp trực tiếp cho người học
Số ngân sách Nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8,2 nghìn tỷ đồng (trong đó khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,3 nghìn tỷ đồng) .
Riêng kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng cho 431.551 học viên (đều là học viên công lập, hiện nay chưa có học viên tư thục).
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội |
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với những lý do được nêu tại Tờ trình số của Chính phủ.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.
Ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục của dự thảo Nghị quyết.
“Về phương thức chi trả hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học Chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước để thực hiện việc miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai Nghị quyết này.
Đến thời điểm hiện nay, ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn, giảm, không thu học phí cho các đối tượng: (1) tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi (kể cả trẻ em tư thục, dân lập); (2) học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập; (3) miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; (4) miễn học phí cho người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; (5) miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế, đặc thù khác. |
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/de-xuat-chi-tra-ho-tro-hoc-phi-theo-phuong-thuc-cap-truc-tiep-cho-nguoi-hoc-190648.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này