Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng với cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, trong vụ án này còn có 6 bị cáo khác đều là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và bị tuyên phạt từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm.
![]() |
Các bị cáo tại Tòa. |
Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) bị Tòa tuyên phạt 14 năm 6 tháng tù về 3 tội: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây ô nhiễm môi trường”. Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc bị cáo Huấn phải nộp lại số tiền hơn 665 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị thu hồi lại giấy phép khai thác quặng đất hiếm của Công ty Thái Dương.
Bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) 16 năm tù về 2 tội: “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
18 bị cáo còn lại bị tuyên phạt các mức án từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù theo các tội danh bị truy tố, gồm “Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Gây ô nhiễm môi trường; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án rất nghiêm trọng, hậu quả rất lớn, làm thất thoát tài nguyên và gây bức xúc trong xã hội. Các bị cáo là những người có trình độ chuyên môn trong từng lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích của doanh nghiệp mình mà các bị cáo đã bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với các bị cáo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng xét xử khẳng định, ở vị trí cơ quan quản lý, lẽ ra các bị cáo phải là người gác cổng cho Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, nhưng các bị cáo vẫn làm sai trong việc cấp phép cho Công ty Thái Dương khi không đủ điều kiện. Hành vi phạm tội của các bị cáo cần áp dụng mức án nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.
Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế về thuế, xâm phạm đến uy tín danh dự của các cơ quan tổ chức liên quan, gây thiệt hại thất thoát lãng phí rất nghiêm trọng nguồn tài nguyên của đất nước... Hành vi đó, còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội. Do đó, đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh đối với từng bị cáo, nhằm trừng trị những cá nhân có hành vi đi ngược lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng ghi nhận các bị cáo thành khẩn, nhiều người có thành tích công tác, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc được một số cơ quan gửi đơn xin giảm nhẹ...
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi từ các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, sau khi đối trừ, bị cáo Huấn còn phải nộp hơn 665 tỷ đồng, bị cáo Lưu Anh Tuấn còn phải nộp 231 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tòa còn buộc Công ty Thái Dương phải xử lý triệt để, khắc phục hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường khi đổ hơn 35.000 tấn chất thải trái phép ra khu vực mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Đồng thời, phán quyết sơ thẩm còn kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phải đôn đốc việc khắc phục này, tránh để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đời sống của người dân; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Thái Dương; kiến nghị cơ quan điều tra truy tìm các cá nhân bỏ trốn, tránh bỏ lọt tội phạm…
Lê Thắm
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/vu-buon-lau-dat-hiem-cuu-thu-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-bi-tuyen-phat-3-nam-tu-190640.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này