Gia tăng ca cấp cứu vì biến chứng làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng

15:50 | 22/05/2025
Thời gian qua, một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không đảm bảo an toàn, kém chất lượng. Đáng lo ngại, nhiều ca bệnh thường nhập viện muộn, khiến việc điều trị trở lên khó khăn và tốn kém hơn.
Tiêm đầy đủ vắc xin sởi có hiệu quả phòng bệnh đến 98% Nguy kịch, suy hô hấp nặng do biến chứng sởi ở người lớn Nỗi lo vô sinh sau biến chứng quai bị và hành trình làm cha đầy bất ngờ

Gia tăng trường hợp cấp cứu

Thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca biến chứng nặng sau phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo, gây nhiều hậu quả đáng tiếc từ biến dạng thẩm mỹ đến đe dọa tính mạng người bệnh.

Nhiều ca nhập viện vì biến chứng sau làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Thị Hồng Thuý, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai, kiểm tra, thay băng mũi cho bệnh nhân.

Theo thông tin từ Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai: Khoa liên tục tiếp nhận các ca biến chứng do tiêm filler chất làm đầy dẫn đến đau, sưng đỏ, áp xe tại ngực, mông… phải phẫu thuật nạo bỏ. Hoặc có nhiều ca bệnh mũi biến dạng, cụt trụ mũi sau 6 lần chỉnh sửa tại spa, nơi không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân nữ 29 tuổi đi tiêm filler vùng mông 2 bên tại một cơ sở chăm sóc da. Sau tiêm 6 giờ bệnh nhân xuất hiện sưng nóng đỏ đau vùng mông tại các vị trí tiêm. Sờ dưới các vị trí tiêm có nhiều khối cứng chắc, khối lớn nhất có kích thước 10x8cm, sưng đau… phải vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Đặc biệt, ca bệnh biến chứng nặng do làm mũi tại một cơ sở spa ở Ứng Hoà, Hà Nội. Trong quá trình làm mũi bệnh nhân nữ 25 tuổi được tiêm 3ml Lidocain hydroclorid 40mg/2ml (tổng liều: 60mg, tương đương 1,2mg/kg) và 1ml Acid Hyaluronic. Sau tiêm 15 phút, bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, nôn ra thức ăn, cảm giác khó thở, không tê môi lưỡi, không đau bụng.

Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình trong tình trạng tỉnh, khó thở, chóng mặt kèm buồn nôn và nôn dịch ra thức ăn, mạch 45 lần/phút, huyết áp: 90/60mmHg, thâm tím vùng mũi lan lên mắt phải. Chẩn đoán phản vệ độ III sau tiêm filler, chưa loại trừ ngộ độc thuốc gây tê lidocain.

Bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục đánh giá và xử trí. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân mắt phải sưng nề tăng dần, lác ngoài, hạn chế vận nhãn các hướng, kết mạc cương tụ, viêm trợt, phù giác mạc cần theo dõi tổn thương dây thần kinh III phải, phù đĩa thị và theo dõi hoại tử da vùng mũi trán sau tiêm filler 41 tiếng.

Không chỉ tại Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận trường hợp cấp cứu sau khi tiêm filler nâng ngực ở cơ sở chui.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cô gái trẻ T.H.L (19 tuổi, ở Hoà Bình) sau khi sinh con đầu lòng, ngực bị teo nhỏ đáng kể. Tin vào quảng cáo của một spa nâng ngực không phẫu thuật, cô gái đã được tư vấn tiêm filler - chất làm đầy vào ngực.

Sau tiêm, cô gái bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, choáng ngất, sốt rét run và được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện. Sau đó, nữ bệnh nhân thấy sưng đau và nổi cục nhiều ở ngực, thỉnh thoảng còn có các đợt sưng nóng và sốt.

Cô gái được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng từ chất làm đầy, một biến chứng rất nghiêm trọng gây đau đớn cho người bệnh. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi với hệ thống siêu âm màu đa bình diện để lấy bỏ được hầu hết các khối chất filler ra khỏi ngực bệnh nhân.

Đồng thời, các bác sĩ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để giữ lại chức năng của tuyến vú, giúp bệnh nhân có thể tiếp tục làm mẹ, tiết sữa cho con trong tương lai. Với kỹ thuật này, bác sĩ đã có thể loại bỏ đến 90-95% chất filler một cách an toàn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giữ được chức năng của tuyến vú. Sau một tuần phẫu thuật sửa lại bầu ngực cho bệnh nhân, kết quả siêu âm cho thấy, các chất làm đầy đã được loại bỏ gần như hoàn toàn khỏi bầu ngực…

Hãy là khách hàng thông thái

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyền Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tiêm filler, hay còn gọi là tiêm chất làm đầy vào ngực, là một hành động không được phép theo quy định của Bộ Y tế.

Nhiều ca nhập viện vì biến chứng sau làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật lấy các khối chất filler trong ngực bệnh nhân.

Trước đây, một số người đã tiêm silicon lỏng vào ngực, nhưng loại chất này đã bị cấm từ lâu. Hiện nay, một số sản phẩm nhập lậu và không có giấy phép như mỡ nhân tạo được sử dụng để tiêm vào cơ thể. Những chất này không rõ nguồn gốc và không an toàn, đặc biệt khi tiêm vào tuyến vú, một mô có chức năng tiết sữa và có nguy cơ gây ung thư cao.

Việc tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào ngực có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay lập tức, có thể xảy ra tình trạng tắc mạch máu, chất tiêm có thể di chuyển lên não hoặc phổi và gây tắc mạch ở các cơ quan này. Điều này tuy hiếm gặp, nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Ngoài ra, việc tiêm các chất không rõ nguồn gốc, tại các cơ sở không được cấp phép còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nhiều bệnh nhân sau khi tiêm filler ở các spa - nơi không được cấp phép - và chất làm đầy không rõ nguồn gốc thường gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ như: Bị sốt, rét run, nhiễm trùng hoặc bị chảy mủ qua vết tiêm.

Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn có thể kéo dài và làm ngực sưng đau, nổi cục hoặc thậm chí chảy mủ qua các vết rò. Những tình trạng này có thể kéo dài và điều trị rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân phải đến bệnh viện điều trị dài ngày, thậm chí phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi quyết định tăng kích thước ngực, các cô gái nên tìm hiểu kỹ về các phương pháp an toàn và hiệu quả. Các phương pháp được Bộ Y tế và y học thế giới công nhận bao gồm nâng ngực bằng phẫu thuật, đặc biệt là phương pháp đặt túi độn ngực nội soi qua đường nách.

Đây là một phương pháp đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện hình dáng ngực, nhờ kỹ thuật nội soi tiên tiến, bệnh nhân sẽ rất ít đau sau mổ, hồi phục nhanh với kết quả thẩm mĩ không hề có sẹo hay tỳ vết nào trên bầu ngực.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, khi có nhu cầu thẩm mỹ, các chị em cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ được đào tạo bài bản, đảm bảo chất lượng, được cấp phép, tránh những hậu quả đáng tiếc "tiền mất, tật mang", thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

“Một cơ sở y tế tư nhân được cấp phép thực hiện một số phẫu thuật thẩm mỹ gây tê ít nhất cũng phải là một Phòng khám Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có niêm yết tên bao gồm chữ “Phòng khám Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”, niêm yết tên bác sĩ phụ trách và số giấy phép hành nghề, thời gian hoạt động trên biển hiệu” - bác sĩ Dung cho biết thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này