Học chiêu lừa đảo ở Campuchia, nhóm đối tượng bị bắt khi thực hành tại Việt Nam Cảnh báo giả mạo website Công ty SJC lừa đảo bán vàng online |
SIM rác, tài khoản ảo "tung hoành"
Thời gian qua, hàng loạt người dân trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi, từ giả danh công an, tòa án đến mời gọi đầu tư, nhận quà trúng thưởng… Chỉ cần một cuộc gọi từ số lạ, một đường link giả mạo, tiền trong tài khoản có thể "bốc hơi" chỉ sau vài phút. Đáng lo ngại, phần lớn các số điện thoại và tài khoản nhận tiền đều là SIM rác, tài khoản đứng tên người khác, khiến việc truy vết, xử lý gặp khó khăn.
Không ít nạn nhân mất từ vài triệu đến cả tỷ đồng. Điển hình như, mới đây, sáng 14/5, ông Đ (trú tại Đan Phượng, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên Công ty Điện lực Đan Phượng đề nghị ông số hóa hồ sơ điện để phục vụ thu tiền điện hằng tháng. Sau đó người này hướng dẫn ông Đ đăng nhập tài khoản ngân hàng để thực hiện đồng bộ tài khoản. Do chủ quan, ông đã thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi thực hiện thao tác ông thấy tài khoản ngân hàng bị trừ tổng số tiền 1 tỷ đồng. Phát hiện mình bị lừa, ông đã đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, chiều 7/5, chị L (SN 2006; hiện là sinh viên một trường đại học) nhận được điện thoại tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh. Đối tượng thông báo chị L liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn ma túy và yêu cầu nộp tiền để chứng minh. Do lo sợ, chị L đã làm theo hướng dẫn và chuyển tổng cộng gần 3 tỷ đồng. Sau đó, thấy việc chuyển tiền có nhiều điểm bất thường, chị L đã nghi ngờ và đến Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, để trình báo sự việc.
Trên đây là những vụ việc đã được Công an thành phố Hà Nội cảnh báo. Đây có thể coi là những bài học, cái giá rất đắt cho những kẽ hở trong quản lý thông tin cá nhân, đặc biệt là SIM điện thoại và tài khoản ngân hàng. Thiệt hại không chỉ là tiền bạc mà còn là sự hoang mang, mất niềm tin của người dân vào môi trường số.
![]() |
Tình trạng SIM rác và tài khoản ảo lâu nay đã trở thành “công cụ” cho các đối tượng xấu. |
Theo cơ quan Công an, tình trạng SIM rác và tài khoản không chính chủ lâu nay đã trở thành “công cụ” cho các đối tượng xấu ẩn danh, gây thiệt hại lớn cho người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội. Hiện nay, dù đã có nhiều quy định siết chặt, nhưng SIM rác vẫn dễ dàng mua được trên mạng, thậm chí được kích hoạt sẵn với thông tin giả. Trong khi đó, tài khoản ngân hàng cũng bị mua bán tràn lan, tiếp tay cho việc chuyển tiền lừa đảo, đánh bạc, cá độ…
Cần giải pháp đồng bộ
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SIM rác và tài khoản ảo. Có thể kể đến như: Lỗ hổng trong quản lý và xác thực thông tin. Dù quy định yêu cầu phải đăng ký thông tin chính chủ khi sử dụng SIM hoặc mở tài khoản ngân hàng, nhưng việc xác thực thông tin cá nhân vẫn còn lỏng lẻo, dễ bị qua mặt bằng giấy tờ giả hoặc mượn danh.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh mẽ trong công tác rà soát, xử lý đối với các SIM rác nhưng thực tế cho thấy lượng SIM rác trôi nổi trên thị trường vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. SIM rác và tài khoản ngân hàng "rác" là công cụ thiết yếu cho nhiều hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trực tuyến, rửa tiền... dẫn đến việc hình thành các đường dây chuyên thu gom, mua bán trái phép.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, dù đã có các nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực viễn thông và tài chính, nhưng việc phát hiện và xử lý vẫn còn hạn chế, xử phạt chủ yếu ở mức hành chính, chưa đủ nghiêm khắc để ngăn chặn triệt để. Các trường hợp mua bán, sử dụng SIM rác để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều vi phạm pháp luật, và có thể bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 7 điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ.
Nhiều người sẵn sàng bán thông tin cá nhân hoặc cho mượn chứng minh thư, căn cước công dân để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký SIM mà không lường trước hậu quả pháp lý. Khi mua và sử dụng những SIM loại này, người dùng sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ.
![]() |
Lộ lọt thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng SIM rác, tài khoản ảo. Ảnh minh họa |
Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, sau khi các nhà mạng thực hiện bắt buộc đăng ký SIM chính chủ thì cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo từ số điện thoại di động cá nhân có giảm. Tuy nhiên, cuộc gọi lừa đảo lại xuất hiện nhiều qua các đầu số cố định như 024, 028… Đây là những số điện thoại xuất phát từ dịch vụ tổng đài được nhiều công ty cung cấp. Các đầu số cố định này được lắp đặt trên hệ thống tổng đài, không sử dụng SIM, chỉ cần có kết nối internet và hệ thống nghe gọi phù hợp.
Vì vậy mới có trường hợp cuộc gọi từ những cá nhân ở nước ngoài nhưng người nghe tại Việt Nam thấy hiện ra số cố định. Do đó, cần phải xem lại quy định về dịch vụ tổng đài để có giải pháp quản lý phù hợp.
Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công an phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, SIM điện thoại để tăng cường quản lý Nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến. Đây là biện pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng SIM rác, tài khoản "rác" bị lợi dụng cho các hành vi lừa đảo, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao.
Đợt tổng rà soát lần này sẽ kiểm tra, đối soát toàn bộ thông tin thuê bao, tài khoản ngân hàng; yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp đăng ký không chính chủ, dùng vào mục đích bất hợp pháp. Các nhà mạng, ngân hàng thương mại cũng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý.
Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa cho thấy câu chuyện SIM rác hay tài khoản không chính chủ vẫn tồn tại, bất chấp nhiều giải pháp ngăn chặn đã được thực hiện. Người dân được khuyến cáo không cho mượn hoặc bán thông tin cá nhân, cần chủ động kiểm tra thuê bao, tài khoản của mình, đồng thời nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn bất thường.
Minh Phương
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/siet-chat-sim-rac-tai-khoan-ao-danh-manh-vao-toi-pham-cong-nghe-cao-190461.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này