Chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên

11:26 | 19/05/2025
Sáng nay (19/5), tại huyện Đông Anh, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường 2 đầu cầu.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đôn đốc thực hiện xây dựng dự án cầu Tứ Liên Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành thẩm định dự án cầu Tứ Liên Ngày mai (19/5): Dự án cầu Tứ Liên nối Tây Hồ với Đông Anh sẽ khởi công

Sáng 19/5, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) tại trước nút giao Dự án với đường Trường Sa (lý trình Km4+400).

Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu.

Thủ tướng dự lễ khởi công cầu Tứ Liên
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên. (Ảnh: TTXVN)

Việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.

Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.

Bên cạnh đó, Dự án cầu Tứ Liên được xác định là một dự án trọng điểm quan trọng được lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai (Thông báo số 111-TB/VPTW ngày 3/12/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ), phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về Trung tâm thành phố Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo.

Hà Nội chính thức khởi công cây cầu nối Tây Hồ với Đông Anh
Cầu Tứ Liên sẽ là công trình hiện đại mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển đô thị hai bên sông và kết nối đồng bộ với Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) và các tỉnh, khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, giảm tải cho các cầu hiện hữu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) gồm 4 Dự án thành phần (trong đó: 3 Dự án thành phần giải phóng mặt bằng; 1 Dự án đầu tư xây dựng) với tổng mức đầu tư khoảng 20.171 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng: 4.332 tỷ đồng; đầu tư xây dựng: 15.839 tỷ đồng), tổng chiều dài Dự án khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ điểm cuối kết nối với đường Trường Sa, huyện Đông Anh. Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 06 công trình cầu lớn, để cũng khởi công trong năm nay, như: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc.

Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Khánh An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này