Ngày 16/5, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2474/QĐ-UBND, phê duyệt phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2025. Phương án do Sở Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Thành phố, xây dựng trên cơ sở đánh giá hiện trạng đê điều và kinh nghiệm xử lý sự cố trong các mùa lũ trước.
Theo đó, thành phố Hà Nội xác định 5 trọng điểm xung yếu cần được ưu tiên bảo vệ, bao gồm: khu vực đê, kè Xuân Canh - Cống Long Tửu (Đông Anh), cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), cống Cẩm Đình (Phúc Thọ), đoạn đê, cống Tân Hưng - Cẩm Hà (Sóc Sơn), và cụm công trình cống qua đê Yên Sở (Hoàng Mai).
![]() |
Đảm bảo an toàn hệ thống đê sẽ giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, tại khu vực Xuân Canh - Cống Long Tửu, hiện tượng sạt trượt tại chân và mái kè đe dọa trực tiếp an toàn đê tả Đuống, buộc phải xử lý khẩn cấp trong vòng 24 giờ bằng thả rọ đá gia cố. Hơn 270 người sẽ được huy động, gồm lực lượng xung kích các xã và quân đội.
Tại cống Liên Mạc, sẽ tiến hành điều tiết mực nước và xử lý sự cố cửa van bằng phai thép, rọ đá, kết hợp xà lan. 100 nhân lực từ Ban Chỉ huy Quân sự quận Bắc Từ Liêm sẽ được huy động thực hiện.
Ở cống Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, phương án bao gồm đắp đập thượng lưu, làm tầng lọc ngược và hoành triệt cống, với sự tham gia của 100 người từ xã Xuân Đình.
Tại Sóc Sơn, đoạn đê hữu Cầu qua xã Tân Hưng và Bắc Phú, sẽ xử lý mạch sủi bằng các lớp bao tải cát, sỏi, đá kết hợp phên rơm rạ để ổn định nền đất. Khoảng 165 người từ lực lượng xung kích và quân đội sẽ tham gia thi công.
Còn tại cống Yên Sở (Hoàng Mai), khi phát hiện mạch sủi, phương án là quây bờ bao và xử lý bằng lớp vật liệu lọc; các lực lượng tại chỗ sẽ triển khai ngay để bảo đảm an toàn.
Ngoài 5 trọng điểm cấp Thành phố, các huyện, quận cũng phải xây dựng phương án bảo vệ các điểm xung yếu cấp huyện, phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó lũ vượt tần suất thiết kế.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố sẽ chỉ đạo, điều hành thống nhất toàn bộ quá trình phòng, chống, xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương phải chủ động bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
H.D
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/ha-noi-phe-duyet-phuong-an-ho-de-va-bao-ve-trong-diem-xung-yeu-nam-2925-190323.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này