Sửa Hiến pháp năm 2013: Cần quy định rõ hơn tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân

11:00 | 17/05/2025
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được nhiều tầng lớp Nhân dân quan tâm góp ý. Nhiều luật sư, luật gia Thủ đô, với kiến thức pháp lý, kinh nghiệm nghề nghiệp... đã nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực.
Giữ quyền chất vấn để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát ở địa phương Đề xuất cụ thể hóa quyền của Mặt trận Tổ quốc trong sửa đổi Hiến pháp

Sửa đổi Hiến pháp là cần thiết

Luật sư Chu Đông (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay là cần thiết, bắt buộc và cấp bách. Theo ông, Nhà nước đã có những cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; giúp tăng cường phân cấp, phân quyền và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao trách nhiệm của đại biểu dân cử.

Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu HĐND có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), các thành viên khác của UBND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND.

Cần quy định rõ hơn tiêu chuẩn, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân
Một buổi góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 của Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.

Luật sư Chu Đông cho rằng, quy định này còn hạn chế và có điểm chưa phù hợp như chưa quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm của đại biểu HĐND, chưa phù hợp với tổ chức Toà án và Viện Kiểm sát.

Vì vậy, luật sư Chu Đông góp ý, cần bổ sung tiêu chuẩn đại biểu HĐND, đáp ứng yêu cầu về năng lực, đạo đức và trách nhiệm. Đại biểu HĐND phải là công dân có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, gắn bó với nhân dân địa phương, có khả năng thực hiện nhiệm vụ đại diện và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Từ đó mới đảm bảo chất lượng của đại biểu, tránh tình trạng "đại biểu hình thức".

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình của đại biểu: Đại biểu HĐND cần chịu trách nhiệm trước cử tri và pháp luật. Do vậy cần bổ sung vào khoản 1 quy định: "HĐND chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Đại biểu HĐND phải định kỳ tiếp xúc cử tri, báo cáo công tác và giải trình các quyết định của mình". Điều này giúp cho sự minh bạch và gắn kết giữa đại biểu và cử tri.

Bên cạnh đó, quy định rõ quyền giám sát của HĐND: HĐND cần có công cụ giám sát hiệu quả hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND: "HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, hoạt động của UBND và các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương”.

Nhà nước nghiên cứu thí điểm mô hình HĐND chuyên trách tại các đô thị lớn, đảm bảo đại biểu có đủ thời gian và điều kiện thực thi nhiệm vụ. Điều này giúp nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND ở các khu vực phức tạp.

Cũng theo luật sư Chu Đông, cách mạng số đòi hỏi đổi mới phương thức làm việc. Các địa phương sau sáp nhập rất rộng, do vậy HĐND cần được ứng dụng công nghệ thông tin trong họp, thảo luận, lấy ý kiến cử tri và công bố thông tin để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả

Cần có các quy định cụ thể hơn

Luật gia Hồ Thị Mộng Điệp (Chủ tịch Hội Luật gia quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) quan tâm góp ý sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013. Theo bà Điệp, mặc dù quy định liệt kê nhiều chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng cần có các quy định cụ thể hơn về cơ chế thực hiện các chức năng và nhiệm vụ này. Cần xây dựng các văn bản hướng dẫn hoặc các quy định chi tiết hơn về cơ chế thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết có đề cập đến "các tổ chức xã hội khác", nhưng chưa làm rõ vai trò và vị trí của các tổ chức này trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong hệ thống chính trị - xã hội.

Góp ý sửa đổi, bổ sung Điều 10, luật gia Hồ Thị Mộng Điệp cho rằng, việc quy định Công đoàn Việt Nam “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” có thể gây tranh cãi về tính độc lập tương đối của Công đoàn. Cần có quy định rõ ràng và chi tiết hơn về mối quan hệ giữa Công đoàn và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể sử dụng các cụm từ như “phối hợp”, “tham gia” thay vì “trực thuộc” để thể hiện đúng bản chất của mối quan hệ này.

Cũng theo bà Điệp, mặc dù quy định nêu rõ Công đoàn "tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội" và "tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát", nhưng lại thiếu các quy định cụ thể về cơ chế, hình thức, phạm vi và trách nhiệm của Công đoàn trong các hoạt động này. Điều này có thể dẫn đến sự mơ hồ và khó thực hiện.

Đồng thời, cần đi sâu hơn vào vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ ở các cấp độ khác nhau. Các vấn đề như thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, đối thoại xã hội cần được đề cập rõ ràng và chi tiết hơn...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này