Nghị quyết 57 là động lực lớn cho các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục tìm tòi, khám phá

22:04 | 16/05/2025
Tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam được tổ chức trong chiều 16/5, bên cạnh chia sẻ từ Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hội nghị cũng dành thời gian lắng nghe tiếng nói từ các nhà khoa học, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sức lan tỏa toàn cầu, mang lại vị thế đặc biệt cho Giải thưởng VinFuture Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong kỷ nguyên mới Đại biểu Quốc hội nói về cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Hachi Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là kim chỉ nam cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, mà còn là lời hiệu triệu cho tất cả mọi người cùng hành động, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, già hóa lao động nông thôn và áp lực cạnh tranh toàn cầu.

“Trong hành trình ấy, người nông dân không thể đứng một mình. Họ cần được tiếp cận với công nghệ, với thị trường, với tri thức và đặc biệt là với những mô hình nông nghiệp thông minh, chi phí phù hợp, dễ tiếp cận”, bà Hương bày tỏ.

Nghị quyết 57 là động lực lớn cho các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục tìm tòi, khám phá
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Hachi Việt Nam nông nghiệp cần được tiếp cận khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, già hóa lao động và cạnh tranh toàn cầu.

Cũng theo bà Hương, nông nghiệp cần được tiếp cận khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, già hóa lao động và cạnh tranh toàn cầu. Người nông dân không thể đứng một mình, mà cần tiếp cận công nghệ, thị trường và tri thức.

Hachi là startup nông nghiệp được ươm tạo từ dự án thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã áp dụng IoT, AI và cảm biến để phát triển hơn 250 mô hình nhà kính thông minh trên cả nước, giúp người dân làm chủ công nghệ và nông nghiệp số. Những thành công này là minh chứng cho việc khoa học công nghệ có thể tạo chuyển biến thực chất ở khu vực nông thôn nếu được tiếp cận đúng cách.

Bà Hương đánh giá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mở ra cơ hội thúc đẩy mô hình nông nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt các mô hình bao trùm hướng đến nhóm yếu thế. Trí tuệ Việt, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh chính là lực đẩy để nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0.

Chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững.

Nhấn mạnh khoa học công nghệ đang đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, ứng phó các thách thức, nhất là trước các tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, bà Ngà nhận định Nghị quyết 57 sẽ giúp đồng thời mở ra ba định hướng lớn: tăng đầu tư và hạ tầng nghiên cứu - đặc biệt cho chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế để nhà khoa học "dám nghĩ, dám làm"; và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đưa các vấn đề của Việt Nam ra toàn cầu.

Nghị quyết 57 là động lực lớn cho các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục tìm tòi, khám phá
Các đại biểu tham quan triển lãm tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Là một trong những đơn vị có thành tựu nổi bật, được vinh danh trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào xử lý dữ liệu y tế và bảo hiểm, bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng giám đốc MedCAT, chia sẻ hành trình phát triển nền tảng AI xử lý dữ liệu phi cấu trúc, khởi nguồn từ chính trải nghiệm cá nhân trong ngành y tế.

“Khoảng 80% dữ liệu hiện nay tồn tại dưới dạng phi cấu trúc, và việc xử lý hiệu quả loại dữ liệu này là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số toàn diện”, bà nói.

Theo đó, MedCAT đã ứng dụng AI và mô hình ngôn ngữ để tái cấu trúc dữ liệu, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chống gian lận, giảm thao tác thủ công, và đã mở rộng ứng dụng sang bảo hiểm, pháp lý, dược phẩm. Bà Tuyết nhấn mạnh, Nghị quyết 57 là cú hích chính sách quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như MedCAT phát triển công nghệ lõi và khẳng định vị thế tại Việt Nam. Bà kỳ vọng với sự hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ từng bước làm chủ AI và vươn ra toàn cầu.

Tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh lain Frew đánh giá cao tiến bộ của Việt Nam trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đại sứ nhấn mạnh sự liên kết giữa khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, dẫn chứng qua hơn 80 dự án nghiên cứu chung giữa Anh và Việt Nam, tập trung vào phát triển bền vững, y tế, nông nghiệp, môi trường và công nghệ số.

Vương quốc Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua học bổng, hợp tác nghiên cứu, các dự án AI, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và y tế thông minh. Đồng thời, mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy trên hành trình hiện đại hóa và đổi mới chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này