Định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chú trọng phát triển ngành Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và xem xét tiến tới miễn viện phí cho toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035 là hướng đến mục tiêu rất nhân văn sâu sắc; thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với quyền được chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân.
![]() |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Thanh Hải) |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, chủ trương miễn viện phí toàn dân của Tổng Bí thư Tô Lâm là “tuyên ngôn” mang tính cách mạng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc, nhằm bảo đảm mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất rõ ràng về lộ trình, trước hết là ưu tiên cho các nhóm yếu thế như người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi… Sau đó, chúng ta sẽ tiến tới mục tiêu khám sức khỏe định kỳ và miễn viện phí cho toàn dân, có thể là vào giai đoạn 2030 - 2035, trong đó việc khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần có thể thực hiện từ năm 2026.
Để đạt được mục tiêu này, cần sự đồng bộ của các cơ quan chức năng, ngành Y tế và đặc biệt là toàn xã hội phải cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành y. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, để tiến tới thực hiện mục tiêu miễn viện phí toàn dân cần có ba nguồn lực tài chính là: Bảo hiểm y tế; ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa.
Theo đó, Bảo hiểm y tế phải phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, toàn diện và đa dạng các hình thức bảo hiểm. Đối với ngân sách Nhà nước, Nhà nước cần có nguồn lực tài chính để đầu tư, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cho y tế chuyên sâu.
"Còn nguồn lực xã hội hóa - đây là nguồn rất quan trọng. Chúng ta cần có chiến lược huy động từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các quỹ xã hội. Ở các nước phát triển, nhiều bệnh viện phi lợi nhuận hoạt động hiệu quả nhờ nguồn vốn từ xã hội hóa, từ các doanh nghiệp đầu tư vào quỹ an sinh.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế để huy động mạnh mẽ nguồn lực này tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ cả ba nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí vào năm 2030 - 2035 là hoàn toàn khả thi" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
![]() |
Miễn viện phí toàn dân là mục tiêu chiến lược trong bảo đảm an sinh xã hội. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ bộc bạch với gần 30 năm trong nghề, ông từng chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ vùng sâu, vùng xa, khi về đến Bạch Mai thì nhiều gia đình đã khánh kiệt. Thậm chí có những hộ vừa thoát nghèo lại tái nghèo sau một đợt chữa bệnh cho người thân.
"Vì vậy, khi Tổng Bí thư đưa ra chủ trương này, tôi thấy đây không chỉ là một mệnh lệnh hành chính mà là một chiến lược phát triển đất nước, lấy con người làm trung tâm, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ ta" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
"Chủ trương miễn học phí, rồi đến miễn viện phí, cùng với việc mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm, đó là một "tuyên ngôn" về chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta chuyển từ bị động chữa bệnh sang chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn...", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Phenikaa cho rằng, chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần và tiến tới miễn viện phí là một tin tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo.
Bác sĩ Tiến cho biết, thực tế khám chữa bệnh anh đã từng chứng kiến không ít người bệnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh hiểm nghèo, đã phải vay mượn, phải bán cả gia tài để điều trị bệnh. Thậm chí có những bệnh nhân phải tạm ngưng điều trị vì không đủ điều kiện kinh tế.
“Bởi vậy nếu người dân, ai cũng được chăm sóc sức khỏe tốt, được giải quyết gánh nặng kinh tế đều rất vui mừng. Còn tôi là bác sĩ, rất mong muốn những người có bệnh thật sự, những người khó khăn, yếu thế có cơ hội được điều trị sớm và kịp thời”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Tiến cũng nhận định để tiến tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân cần phấn đấu rất nhiều, không chỉ là vấn đề kinh phí, mà còn là vấn đề quản lý y tế, các quy định chuyên môn, hoàn thiện luật bảo hiểm,… Bởi vậy, nếu chưa thể triển khai đồng bộ mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân, thì nên miễn viện phí cho những nhóm yếu thế trước, đặc biệt là nhóm người mắc bệnh mãn tính như: Suy thận mãn, suy tim, hoặc bệnh ung thư…
Với chủ trương tiến tới thực hiện mục tiêu miễn viện phí toàn dân, nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lộ trình bài bản, sẽ thực hiện thành công chủ trương này, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân.
Minh Khuê
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/3-nguon-luc-tai-chinh-de-huong-toi-muc-tieu-mien-vien-phi-toan-dan-190268.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này