Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 Sửa Hiến pháp tạo để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới |
Từ ngày được tổ chức lấy ý kiến góp ý, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân. Nhiều người, với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, đã nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Hội Luật gia thành phố Hà Nội nhìn nhận, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là một chủ trương lớn có tính lịch sử.
Nhất trí cao với các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Tuyến cho biết rất tâm đắc với hai nội dung. Đó là dự thảo Nghị quyết đã xác định đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Vị trí, vai trò của của Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
![]() |
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến. Ảnh: Hà Phong |
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết quy định rõ đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp: “Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính gồm “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”.
“Với những sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Nghị quyết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền địa phương thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân”, theo luật gia Nguyễn Hồng Tuyến.
Về những điều khoản cụ thể, tại Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết, sửa đổi bổ sung Điều 9 Hiến pháp năm 2013, ông Tuyến góp ý, cần sửa đổi, bổ sung câu “và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ” vào trước từ “trực thuộc”.
Việc sửa đổi này nhằm thể hiện rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sắp xếp tổ chức lại bộ máy tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nâng cao, vị trí, vai trò, trách nhiệm của các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Tại Khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, cần bổ sung câu “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” vào sau từ “nhân dân”, giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013. Vì chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát hiệu quả nhất vì được thực hiện trực tiếp tại nghị trường và được đông đảo người dân theo dõi.
Cũng theo luật gia Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh “chịu trách nhiệm báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” (Điều 80). Sau khi giám sát qua báo cáo của Tòa án, đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân về những vấn đề chưa thể hiện rõ trong báo cáo.
Đồng thời, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương”.
Vì vậy, quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân thì hiệu quả giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân ở địa phương sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, góp ý quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị quy định tiêu chí xác định “trường hợp đặc biệt” được “cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân giữ các chức vụ chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”, để tránh lạm quyền khi thực hiện.
Phương Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/giu-quyen-chat-van-de-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-toa-an-vien-kiem-sat-o-dia-phuong-190248.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này